Friday, June 26, 2009

Chương 5 / From The Sea / Từ Mặt Biển


CHƯƠNG NĂM
TỪ MẶT BIỂN

Đối với đô đốc Harry Felt, Tư lệnh Bộ chỉ huy quân sự Thái Bình Dương, ý tưởng là CIA có thể chỉ đạo hoạt động ngầm trên biển tấn công các mục tiêu ven bờ Bắc Việt Nam thật là khôi hài. Harry Felt tự hỏi liệu CIA biết cái gì về hoạt động trên biển, thậm chí kể cả các điệp vụ bí mật có sử dụng tàu nhỏ. Những tháng đầu năm 1961, CIA bắt đầu tiến hành các hoạt động như vậy chống lại miền Bắc. Sau khi xem xét lại kết quả hoạt động đó vào mùa thu năm 1962, đô đốc Felt nhận thấy kết quả thu được không có gì đáng kể. Ông cho rằng CIA đang bị lạc hướng và các báo cáo về điệp vụ làm ông phát bực mình. Felt chỉ trích thẳng thừng: chương trình của CIA lẽ ra phải được đẩy mạnh từ trước đó rất lâu.1

Vị đô đốc có lý lẽ của mình. Không có chứng cứ gì cho thấy hoạt động trên biển có tác động nhiều đến Hà Nội. Những chiếc thuyền nhỏ được sử dụng thậm chí còn khó đến được đó (miền Bắc) và một khi đã đến được hải phận thì không đủ vũ khí để gây thiệt hại lớn. Nhưng lúc bấy giờ, Colby, kiến trúc sư của chương trình CIA, cũng chẳng hy vọng thu được gì nhiều từ hoạt động này. Ông chỉ tuân theo chỉ thị từ Washington.

Mặc dù chỉ trích gay gắt công việc của CIA, Felt khảng định là miền Bắc dễ bị tổn thương đối với hoạt động trên biển. Hà Nội có lực lượng phòng thủ bờ biển không đáng kể, và lực lượng hải quân cũng vậy. Điều này làm cho các nhà máy điện, cầu, đường xe lửa và các mục tiêu khác ven bờ rất dễ bị tấn công. Những mục tiêu đó là sự lựa chọn đễ dàng cho hoạt động từ biển được tổ chức có kế hoạch và thực hiện một cách hiệu quả.2 Ông lập luận, tấn công chúng đến một mức nào đó Hà Nội sẽ bị oằn xương và chấm dứt xúi giục bạo loạn ở miền Nam. Tháng 7-1962, đô đốc George Anderson chỉ huy trưởng hoạt động hội quân tham gia ý kiến. ông cũng đề nghị có một "chiến dịch quấy nhiễu” trên biển chống miền Bắc để thuyết phục họ ngừng hậu thuẫn Việt Cộng (2).


XUẤT XỨ CỦA HOẠT ĐỘNG HẢI QUÂN NGẦM

Các nhà lãnh đạo cao cấp của hải quân cảm thấy CIA chẳng có lý do gì để dính vào hoạt động loại này hoặc ít nhất nó phải chịu sự giám sát của hải quân. Thực ra, suy nghĩ cho rằng CIA có thể làm được cái gì đó to tát ngoài việc xâm nhập vài điệp viên qua đường biển vào miền Bắc đối với giới lãnh đạo hải quân là viển vông. Tuy nhiên, trung tâm CIA ở Sài Gòn lại được giao nhiệm vụ nhiều hơn thế trên biển.

Kiến trúc sư của hoạt động trên biển là Tucker Gougelmann, cựu lính thuỷ đánh bộ, Gouglemann có thành tích chiến đấu đáng kính trọng ở Thái Bình Dương, nơi ông đã nhiều lần bị thương. Là nhân viên CIA, Gouglemann đã chỉ huy hoạt động chống lại địa bàn bị từ chối ở Đông Âu trong những năm 1950 và Triều Tiên. Năm 1960, CIA cử ông đến Sài Gòn.

Gouglemann thành lập cơ sở tại Đà Nẵng năm 1961 và bắt đầu đưa thuyền ra Bắc. Hoạt động trên biển là một phần trong chương trình chống Hà Nội của CIA. Các nội dung khác bao gồm: cài cắm điệp viên và chiến tranh tâm lý. Vào mùa hè năm 1961, CIA bổ sung thêm hoạt động qua giới tuyến ở Lào và Campuchia để do thám đường mòn Hồ Chí Minh, nhưng chỉ mới tiến hành được vài điệp vụ. Sử dụng người Việt Nam, không có trực thăng hỗ trợ để xâm nhập, những toán này không thể vào sâu trong Lào.

Hoạt động trên biển do Gouglemann khởi xướng có quy mô nhỏ tương tự. "Mục tiêu cơ bản" là “thu thập tình báo và thám sát vùng ven biển miền Bắc". Gouglemann xâm nhập điệp viên đầu tiên vào Bắc Việt Nam - điệp viên đơn tuyến mật danh Ares - tháng 2 năm 1961. Sau đó là các điệp viên khác. Theo tài liệu đã giải mật của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, những hoạt động ban đầu “về cơ bản là thụ động và cố tránh đụng độ nếu có thể”.3 Năm 1962, Gouglemann được chỉ đạo bắt đầu "các cuộc tập kích phá hoại ngắn hạn ven bờ” để đáp lại việc gia tăng thù địch Nam-Bắc và chuẩn bị cho việc thành lập phong trào chống đối ở miền Bắc".4 Tổng thống Kenedy đang hối thúc CIA gia tăng cường độ hoạt động ngầm ở đó.

Nguồn lực mà Gouglemann có trong tay chủ yếu là các thuyền có gắn động cơ của Nam Việt Nam, lý do chính để đô đốc Felt kết luận kết quả hoạt động của CIA không có gì đáng kể. Các thuyền gắn máy không hề được thiết kế cho hoạt động phá hoại hoặc gây rối, trong đó tốc độ và khả năng lẩn trốn là hai yếu tố sống còn.

Khi Washington quyết định đẩy mạnh hoạt động trên biển lên mức quấy rối và phá hoại, hải quân được giao nhiệm vụ hỗ trợ và cung cấp thiết bị để cải thiện năng lực của CIA trong việc thực thi các điệp vụ. Tháng 8-1962, tư lệnh MACV, tướng Harkin "đề nghị sử dụng tàu ngư lôi của Hoa Kỳ, với sự hỗ trợ của đơn vị hậu cần hải quân ở Đà Nẵng, thực hiện nhiệm vụ trên biển miền Bắc". Cuối tháng 9, chính quyền Kenedy chấp thuận đề nghị này.5

Hải quân lục lọi trong kho của mình để tìm ra loại tàu phù hợp. Tháng 10, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Roswell Gilpatric chỉ đạo đô đốc Anderson giao cho CIA tái sử dụng hai tàu phóng lôi thân nhôm được đóng năm 1950 hiện đang bỏ không: chiếc PT-810 và PT-811 được trang bị súng 20mm và 40mm. Hai chiếc tàu được đặt lại tên là Tàu tuần tiễu nhanh (PTF1 và PTF2). Những lần đi biển thử nghiệm của 2 tàu này đều có nhiều trục trặc. Viên đại uý hải quân, người báo cáo Bộ trưởng Quốc phòng McNamara về những vấn đề kỹ thuật xảy ra trên biển của hai tàu này, nhận xét là cả hai chưa vượt qua giai đoạn thử nghiệm. Và chính vì vậy trước đó cả hai bị bỏ , không sử dụng.6

Bất chấp những trục trặc, McNamara rất phấn kích về việc hai tàu được đưa ra sử dụng, tin tưởng đó là "một bước đi đúng hướng".7 Tuy nhiên cần làm nhiều hơn nếu muốn Hà Nội cảm nhận được bức thông điệp về cái giá phải trả cho việc tiến hành nổi dậy ở miền Nam. Để đạt được mục đích đó, ông yêu cầu "ưu tiên chú ý vào việc mua tàu do nước ngoài chế tạo" và chỉ đạo thứ trưởng phụ trách hải quân "có ngay hành động để mua hai tàu lớn Nasty của hải quân Nauy".8 nổi tiếng về tốc độ và khả năng lẩn tránh. Việc mua tàu hoàn thành năm 1963, đó là hai tàu thân gỗ cứng được đặt tên hiệu PTF3 và PTF4.

Mặc dù hai tàu Nasty sẽ được sử dụng trong các hoạt động ngầm tuyệt mật, hải quân quyết định thông báo công khai việc mua sắm chúng. Đô dốc Aderson đã đưa một chiếc đến Washington "để thao diễn khả năng hỗ trợ đổ bộ và hoạt động ven biển" do các "toán không-đất-biển (SEAL) của Hải quân sử dụng trong hoạt động bán quân sự và không quy ước".9 Ngày 15-5 theo lời mời của thứ trưởng hải quân John Connally, giới báo chí ở Washington tập hợp dọc sông Potomac để xem buổi trình diễn này, một việc làm khác thường để chuẩn bị cho hoạt động ngầm hết sức nhạy cảm.

Sau khi dừng tại San Diego, hai chiếc Nasty được chở đến Hawaii và sẵn sàng cho nhiệm vụ ở Đông Nam Á. Trong thời gian ở đây, "Chỉ huy trưởng hoạt động hải quân cho phép văn phòng thông tin đưa tin ảnh" về hai con tàu mới được bổ sung cho hạm đội Thái Bình Dương. Tuy nhiên, bắt đầu có lo ngại về việc đưa ra công khai những chiếc tàu được mua về phục vụ hoạt động bí mật. Hải quân đã dựng lên một câu chuyện ngụy trang, theo đó nhiệm vụ của Nasty là chống lại tàu phóng lôi của Liên Xô - Swatow. Rõ ràng đó là lý do rất dở vì tại Đông Nam Á, nơi Nasty nhận nhiệm vụ, chỉ có Bắc Việt Nam có Swatow. Cuối cùng, Anderson ra chỉ thị "hạn chế tối thiểu” việc đưa tin về Nasty.10 Bây giờ nhìn lại, việc tuyên truyền đó thật tệ hại; nó thể hiện khiếm khuyết nghiêm trọng trong hiểu biết của hải quân về hoạt động ngầm. Đó là sự khởi đầu mang điềm xấu của hải quân Mỹ trong lĩnh vực hoạt động ngầm.

CIA nhận các tàu Nasty vào cuối năm 1963. Để điều khiển con tàu xâm nhập hải phận miền Bắc, CIA thuê thuỷ thủ Đức và Nauy. Hải quân cử một nhóm SEAL đến giúp CIA huấn luyện biệt kích tiến hành phá hoại. Ngoài ra hải quân còn cung cấp hậu cần để bảo dưỡng con tàu.

Khi những công việc trên đang diễn ra, Kenedy chỉ thị thực hiện kế hoạch "Switchback", theo đó các hoạt động ngầm chống miền Bắc được chuyển từ CIA sang Lầu Năm Góc , trong đó có hoạt động ngầm trên biển của Gouglemann. Trong những ngày đầu của SOG, McNamara tin là hoạt động trên biển sẽ rất hiệu quả. Bạn không cần phải chờ đợi cho đến khi điệp viên xây dựng xong mạng lưới hoặc chiến tranh tâm lý bắt đầu có ảnh hưởng đến tư tưởng của đối phương. Hoạt động trên biển có tác động ngay lập tức McNamara lập luận như vậy.

Việc chuyển giao mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Maxwell Taylor trù trừ mãi và năm tháng sau mới giao trách nhiệm cho Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương lập kế hoạch triển khai vào tháng 5-1963. Đô đốc Felt giao cho ban tham mưu soạn thảo Kế hoạch hành động 34A (OPLAN34). Bản dự thảo này được chuyển cho Taylor ngày 17-6-1963, nhưng mãi đến ngày 9-9 ông mới phê duyệt và còn giữ lại thêm hai tháng nữa mới trình lên Bộ trưởng Quốc phòng McNamara. Kế hoạch 34A được đưa vào chương trình nghị sự của “cuộc họp đặc biệt về Việt nam" do McNamara triệu tập ngày 20-11-1963 tại Honolulu.

Tại Hội nghị, McNamara phê phán mạnh mẽ CIA về hoạt động ngầm chống miền Bắc và cho rằng đã đến lúc phải thay đổi. Bây giờ đến lượt quân đội. Ông tin tưởng rằng quân đội sẽ mang lại kết quả tốt hơn. Đô đốc Felt đã từng tuyên bố như vậy một năm trước đó. Điều cần thiết là một nỗ lực rộng lớn hơn. McNamara coi hoạt động trên biển là một cách xâm nhập, gây thiệt hại và làm cho Hà Nội nhận ra là Hoa Kỳ bắt tay vào việc thực sự. Do vậy, lãnh đạo Hà Nội sẽ nhận được bức thông điệp mà Hoa Kỳ muốn nhắn gửi.

Trong hồi ký về Việt Nam, McNamara nhắc lại những sự kiện dẫn đến quyết định phê chuẩn kế hoạch 34A của chính quyền Johnson sau cuộc họp tại Honolulu. Hai tuần sau cuộc họp, McNamara gặp tổng thống để trao đổi về chính sách Việt Nam. Theo McNamara , tổng thống "cho là Hoa Kỳ không làm tất cả những gì cần phải làm". Trong cuộc gặp, "ông hỏi cụ thể là liệu kế hoạch hoạt động ngầm có thể mở rộng được không". Theo McNamara nhớ lại, "tổng thống Johnson muốn tăng cường hoạt động ngầm"11 và McNamara nhất trí. Trong số những điệp vụ ngầm được phê duyệt cho thực hiện, người ta cho rằng điệp vụ trên biển sẽ tạo ra tác động ngay tức khắc lớn nhất đối với giới lãnh đạo Hà Nội đồng thời có ít rủi ro nhất đối với Washington.

Để đạt được mục tiêu của Kế hoạch 34A- thuyết phục Hà Nội rằng việc chấm dứt chính sách xâm lược ở miền Nam là phục vụ lợi ích của chính họ-cần phải có thời gian. Nhưng các nhà vạch chính sách đang nóng vội. Bằng việc gia tăng quấy phá và huỷ hoại cơ sở vật chất, họ kỳ vọng hoạt động bán quân sự ngầm sẽ ngay lập tức làm suy yếu ý chí của Hà Nội. Do đó, khả năng tạo ra tác động nhanh là căn cứ chủ yếu để chọn ra 30 mục tiêu cho giai đoạn một. Hoạt động ngầm trên biển tập trung vào số mục tiêu này với hy vọng sẽ mang lại tác động ngay lập tức như Washington mong muốn với Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông, ít nhất đó là theo suy nghĩ của Hoa Kỳ.

Bộ phận hàng hải của kế hoạch 34A được quan tâm đặc biệt. Ngày 20-12, McNamara đến Sài Gòn thị sát tiến bộ công việc. Ông muốn đẩy nhanh tốc độ chuẩn bị. Mọi việc diễn ra không nhanh chóng như yêu cầu. Hà Nội phải sớm nhận được thông điệp và hoạt động ngầm trên biển là người chuyển bức thông điệp đó. Theo một lời kể, trong chuyến thăm, McNamara "thể hiện rất quan tâm đến việc triển khai một số hoạt động".12 Đứng đầu danh sách là hoạt động trên biển. Đó là tính cách đặc trưng của McNamara, luôn luôn vội vã. Mọi việc phải được thực hiện nhanh chóng và phải có ngay kết quả.

Khi biết rằng chỉ có vài tàu Nasty và Swift được dành cho những điệp vụ trên biển, McNamara chỉ thị cho hải quân mua thêm tàu Nasty.13 Với tầm hoạt động 860 dặm và tốc độ 38 hải lý giờ, những chiếc Nasty được coi là sẽ "cải thiện lớn năng lực tiến hành hoạt động ngầm trên biển”. Sau những chuyện công khai mà hải quân đã tạo ra khi mua tàu, người ta quyết định đưa ra lý do ngụy trang để giải thích sự có mặt của chúng tại miền Nam. Loại con tàu này "được chuyển giao cho Cộng hoà Nam Việt Nam tiến hành hoạt động đơn phương bảo vệ vùng ven biển chống lại sự xâm nhập của các lực lượng thù địch từ Bắc Việt Nam".14

Nói tóm lại, các nhà hoạch định chính sách cao cấp ở Washington coi bộ phận hoạt động trên biển của SOG là công cụ tốt nhất để ngay lập tức buộc Hà Nội phải chú ý và nhụt ý chí. Đầu năm 1964, bộ phận cố vấn hải quân phối thuộc-NAD, mật danh của OP37, được thành lập ở Đà Nẵng. Lễ thành lập vừa diễn ra cũng là lúc Washington đòi hỏi kết quả.

HOẠT ĐỘNG TÂM LÝ CHIẾN CHỐNG LẠI BẮC VIỆT NAM


Vào năm 1965, SOG đã mở rộng đề án Humidor một cách đáng kể. Ở thời kỳ cao điểm, đề án bao gồm hàng loạt nội dung hoạt động. Vậy, hoạt động tâm lý chiến của SOG bao gồm những gì và được chỉ đạo ra sao?

Gươm thiêng ái quốc

Hoạt động phức tạp nhất của OP39 là tạo ra trong ý tưởng của người Bắc Việt Nam một tổ chức chống đối giả tạo. CIA đã sử dụng bài này trong nhiều chiến dịch ngầm khác. Trên thực tế, Herb Weisshart giải thích "ý tưởng này được dựa trên một chương trình phát triển phong trào chống đối giả tương tự được thực hiện từ 1952 và kéo dài đến 1963 ở một nơi nào đó".1 Với các công tác đã qua và sự hiểu biết về Trung Quốc của Weisshart, "một nơi nào đó” ở đây có lẽ là Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.

Để tạo ra một tổ chức giả, theo thuật ngữ tình báo, phải tạo ra một lý do tồn tại, hay một câu chuyện đáng tin cậy cho tổ chức ấy. Weisshart nói như sau: "Ngay sau khi tôi đến Sài Gòn (năm 1963), tôi cố tìm ra một lý do và một hình tượng nào đó dễ nhận biết cho phong trào chống đối giả tạo ở miền Bắc. Các nhân viên của tôi có nhiều kinh nghiệm trong việc tạo truyền đơn, tờ rơi, chương trình phát thanh và chống đối chiến giả. Chúng tôi thường trò chuyện với người Việt Nam và biết được câu chuyện chiếc gươm thần.2

Thực ra, Weisshart cố tìm ra cách gắn phong trào chống đối giả này với một sự kiện quan trọng trong lịch sử và truyền thuyết Việt Nam vào thời điểm các thế lực Phong kiến Trung Quốc xâm lược Việt Nam thế kỷ XV- Triều Minh, thành lập năm 1368, sau khi đánh thắng quân Mông Cổ đã điều động một đạo quân khổng lồ xâm lược Việt Nam năm 1406. Sau một năm giao tranh, Việt Nam bị nhà Minh đô hộ. Ách đô hộ của nhà Minh vô cùng khắc nghiệt, dẫn đến việc hình thành một phong trào khởi nghĩa Việt Nam. Cuộc khởi nghĩa này do Lê Lợi, một chủ đất ở vùng Thanh Hoá, lãnh đạo.

Cách Lê Lợi hình thành và tiến hành cuộc khởi nghĩa kéo dài trong 10 năm chống quân xâm lược là một câu chuyện dài và phức tạp. Cuộc chiến đó liên quan tới những sáng tạo về quân sự, chính trị và tâm lý. Ví dụ để tạo ra uy tín và giành sự ủng hộ của nông dân, Lê Lợi đã sử dụng hoạt động tâm lý mà người Trung Quốc đã từng áp dụng. "Sử dụng mực là mỡ động vật, Lê Lợi cho viết lên lá cây "Lê Lợi là vua"... khi kiến ăn hết mỡ, dòng chữ này hiện lên trên lá. Việc này làm cho mọi người tin là ý trời và hàng nghìn nông dân đi theo Lê Lợi".3 Lê Lợi sau đó bắt đầu tuyển mộ nông dân tiến hành khởi nghĩa giành độc lập. Tuy nhiên, do thế nhà Minh rất mạnh, Lê Lợi phải đi vào hoạt động bí mật.

Lê Lợi nhận ra rằng sẽ là tự sát nếu giao chiến với quân Minh theo cách thông thường. Kẻ thù quá mạnh. Vì vậy, ông chủ trương sử dụng chiến thuật du kích. Từ căn cứ ở vùng núi Hà Tĩnh, Lê Lợi tổ chức tấn công bất ngờ các lực lượng quân Minh ở Việt Nam. Năm 1428, quân Trung Quốc rút chạy khỏi Việt Nam. Ông lên ngôi vua, lấy tên hiệu Lê Thái Tổ và thành lập triều Lê kéo dài hơn 3 thế kỷ.

Trong lịch sử Việt Nam, Lê Lợi được coi là kiến trúc sư của đoàn kết dân tộc và là vị lãnh đạo không bao giờ nhụt ý chí đánh đuổi quân Minh xâm lược. Song song với những sự thật lịch sử này, có truyền thuyết về lý do Lê Lợi đánh thắng quân Minh vốn hùng mạnh hơn nhiều. Và câu chuyện đó gắn liền với thanh gươm thần mà ông đã sử dụng trong chiến tranh giải phóng.

Theo truyền thuyết, sau khi đánh bại quân Minh và lên ngôi vua, Lê Thái Tổ đóng đô tại Hà Nội. Một hôm, ông đi thuyền trên hồ Lục Thuỷ ở giữa kinh đô thì một con rùa lớn hiện lên. Khi nhà vua rút gươm ra để tự vệ, con rùa nhanh chóng há miệng đớp lấy thanh gươm rồi lặn xuống hồ sâu và đi mất. Vua bực lắm sai người tát cạn hồ, nhưng không tìm thấy cả rùa lẫn gươm báu. Về sau người đời nói rằng cuộc khởi nghĩa chống quân Minh của Lê Lợi là "mệnh trời". Hay nói cách khác thần thánh đã cho ông mượn kiếm báu để đánh đuổi quân Minh và sau khi làm xong sứ mạng, ông phải trao trả kiếm. Kiếm được giữ an toàn trong hồ để sau này có thể sử dụng khi cần thiết. Để ghi nhận công lao của kiếm báu, nhà vua đổi tên hồ thành Hồ Hoàn Kiếm.

Tất cả những điều trên là quá tốt, Weisshart nghĩ. Đây là hình tượng hoàn hảo cho linh hồn của một phong trào chống đối giả mà ông muốn đưa thành yếu tố trung tâm của chiến dịch tâm lý chiến của OP39. Weisshart quyết định đặt tên cho phong trào đó là "Gươm thiêng ái quốc" - SSPL - nhằm tạo ra sự liên tưởng tới cuộc khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược của Lê Lợi đầu thế kỷ thứ XV.

SSPL đại diện cho ai và tại sao họ phải tổ chức phong trào bí mật chống chính phủ Hà Nội? Cũng như Lê Lợi, lãnh đạo của "Gươm thiêng ái quốc" là người theo chủ nghĩa dân tộc. Weisshart khoác cho họ lý lịch là cựu thành viên của Việt Minh, người đã đấu tranh chống thực dân Pháp. Theo câu chuyện được dựng lên, họ trở nên vỡ mộng với chính quyền Cộng sản ở miền Bắc sau chương trình cải cách ruộng đất khởi đầu năm 1953. Vào mùa hè 1956, sự quá tả của cải cách ruộng đất đã tạo nên phản ứng ở một số nơi. Đó là những sự kiện có sẵn mà Weisshart chỉ việc gắn nó vào SSPL. Theo câu chuyện do Weisshart vẽ ra, SSPL được hình thành từ các cuộc bạo loạn đúng thời kỳ cải cách ruộng đất. Sự đàn áp của chính quyền đã tạo ra SSPL. Điều đó nghe có vẻ đáng tin cậy.4

Chính phủ Hà Nội đã phản ứng nhanh chóng với sự mất trật tự trên và dẹp yên tình hình. Weisshart lấy đó là lý do buộc SSPL phải chuyển sang hoạt động bí mật như Lê Lợi đã từng làm. SSPL phải lánh vào vùng núi thuộc tỉnh Hà Tĩnh, nơi Lê Lợi đã từng sử dụng làm căn cứ của cuộc khởi nghĩa. Những người lãnh đạo giả hiệu của tổ chức “Gươm thiêng ái quốc" là người mang họ hoặc có tên là Lê. Ví dụ, người thành lập SSPL là Lê Quốc Hùng. "Tháng 12-1961, phong trào tổ chức đại hội lần thứ nhất và Lê Quốc Hùng được bầu làm chủ tịch".5

Sau đó, những người tạo ra hình hài của OP39 phải đề ra mục đích của SSPL. SSPL đang đấu tranh vì cái gì và hy vọng đạt được gì? Là một tổ chức của những người dân tộc chủ nghĩa, SSPL tuyên bố chống lại sự ảnh hưởng của nước ngoài ở Việt Nam, bất kể là sự giúp đỡ bạn bè, chiếm đóng trên thực tế hoặc cường quốc nước ngoài muốn thống trị Việt Nam dưới hình thức tinh vi nào đó. Vì vậy, trong tuyên truyền, SSPL tuyên bố tất cả quân đội, cố vấn và ảnh hưởng của nước ngoài phải bị loại bỏ khỏi cả Bắc và Nam Việt Nam. SSPL phê phán lãnh đạo Đảng Cộng sản ngả theo Trung Quốc. Họ đang trở thành bù nhìn của cựu thù mà trong suốt chiều dài lịch sử đã tìm mọi cách biến Việt Nam thành chư hầu. Trung Quốc ngày nay cũng vậy, họ đang sử dụng chủ nghĩa quốc tế vô sản làm bình phong che đậy âm mưu thực sự buộc Việt Nam lệ thuộc vào trung Quốc. Cộng sản, nhà Minh, hoặc ai chăng nữa đều là người Trung Quốc và đều có chung ý đồ đó. Phải không cho họ đụng đến Việt Nam.6

Trung Quốc đang sử dụng Việt Nam là lực lượng xung kích chống Mỹ. Cộng hoà nhân dân Trung Hoa có bài học cay đắng ở Triều Tiên. Trung Quốc đã nếm trải khó khăn và thiệt hại trong cuộc chiến trực tiếp, mặt đối mặt với quân đội Mỹ. Do vậy tốt hơn cả là có ai đó chiến đấu và chết thay cho mình. SSPL tuyên truyền rằng Trung Quốc quá sung sướng khi chiến đấu với Mỹ cho đến người Việt Nam cuối cùng. Hà Nội đã làm Việt Nam bị cuốn vào cuộc xung đột Trung - Mỹ. Đối với Trung Quốc, đó là hành động nhất cử lưỡng tiện. Mỹ thì bị sa lầy vào cuộc chiến tranh kéo dài hao tốn tiền của. Còn Việt Nam thì bị suy yếu đến mức không còn con đường nào khác ngoài việc trở thành chư hầu của Trung Quốc. SSPL tuyên bố Hà Nội cần phải thay đổi chính sách.

Trong tuyên truyền, SSPL khoe rằng các chi bộ bí mật đang phát triển nhanh chóng vì thu hút được những người theo chủ nghĩa dân tộc. Năm 1965, SSPL tuyên bố có 10.000 thành viên, trong đó có "1.600 quân chính quy".7

Sau đó, Weisshart quyết định đã đến lúc truyền đi thông điệp của SSPL. Weisshart cần một đài phát thanh và tháng 4-1965 đài tiếng nói của Gươm thiêng ái quốc ra đời tại “vùng núi tỉnh Hà Tĩnh", căn cứ của Lê Lợi. OP39 bắt đầu sản xuất truyền đơn, tờ rơi để tung vào miền Bắc qua đường không. Để rải số truyền đơn này, SOG thuê nhân viên của nước thứ ba thực hiện các chuyến bay xâm nhập miền Bắc. Phi công của Quốc dân đảng Trung Quốc, với danh nghĩa người làm thuê, lái những chiếc máy bay không số hiệu để thả truyền đơn. Trước khi thực hiện những phi vụ này, họ đã hợp tác với CIA ở châu Á từ đầu thập kỷ 50.

Thông qua những phương tiện tuyên truyền trên, SSPL bắt đầu tuyên bố duy trì tổ chức bí mật ở miền Bắc không chỉ với nhiệm vụ phát triển tổ chức, rải truyền đơn mà còn giải phóng lãnh thổ. SSPL nói rằng hoạt động giải phóng này diễn ra bên dưới vĩ tuyến 19, nơi SSPL duy trì "an toàn khu”.8

Vào cuối năm 1964, hoạt động SSPL đã bắt đầu khởi động. Weisshart và OP39 đã tạo ra lý lịch của SSPL dựa trên truyền thuyết và sự thực lịch sử của Việt Nam. Họ đã chơi con bài Trung Quốc để làm giảm uy tín các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản và làm suy yếu việc tiến hành chiến tranh. Đó là sự khởi đầu tốt đẹp. Bước tiếp theo là làm cho câu chuyện giả này đáng tin hơn. Để làm điều đó, SSPL cần một vùng giải phóng nơi OP39 có thể đưa công dân miền Bắc tới tuyên truyền. Tuy nhiên đó là công việc không mấy dễ dàng.

Đảo Thiên Đường

Làm thế nào SOG có thể tạo ra một vùng giải phóng cho SSPL khi mà Washington cấm giải phóng bất kỳ một phần lãnh thổ của miền Bắc và bác bỏ đề nghị được tạo dựng phong trào chống đối chống lại Hà Nội nêu trong kế hoạch 34A? OP39 phải nghĩ ra cách để lách qua những điều cấm đoán của Washington.

Ở phía Nam vĩ tuyến 17, dọc theo bờ biển phía ngoài Đà Nẵng có một hòn mang tên là "Cù Lao Chàm" - được biết đến dưới một cái tên khác: "Đảo Thiên Đường".

Hòn đảo này sẽ trở thành vùng giải phóng, nơi các công dân miền Bắc bị bắt cóc được đưa đến để "cải huấn". Dường như là ý tưởng ngớ ngẩn. Làm sao một hòn đảo phía Nam vĩ tuyến 17 lại có thể trở thành vùng giải phóng bên trong miền Bắc? Làm thế nào OP39 có thể biến ý tưởng đó thành một công việc tỷ mỷ và có thể tin được?

Trước hết, trên chính hòn đảo, OP39 tạo ra những làng giống hệt như các làng xóm nằm dọc theo bờ biển miền Bắc. Về hình thức bề ngoài, chúng không khác gì nhau vì SOG để ý đến từng chi tiết nhỏ. Khó khăn ở đây là đưa công dân miền Bắc đến và làm cho họ tin là đang sống ở miền Bắc. Để làm điều này, SOG tạo ra một nhóm hải quân nhỏ của SSPL. Bắt đầu từ tháng 5-1964, các tàu chiến không có số hiệu đi vào hải phận miền Bắc bắt cóc ngư dân rồi đưa về đảo Thiên Đường. Những nhân viên trên các con tàu này đều nói tiếng Việt với giọng đặc trưng của miền Trung và, trong nhiều trường hợp, là người vùng này di cư vào Nam năm 1954.1 Những chiếc tàu này mang cờ của SSPL và thuỷ thủ thì xưng là thành viên của tổ chức.

Hoạt động của tàu chiến là sự kết hợp giữa OP37 và OP39. Bộ phận cố vấn hải quân phối thuộc -NAD- mật danh của OP37 được đóng tại Đà Nẵng. Bộ phận này duy trì tàu và thuỷ thủ thực hiện các chuyến bắt cóc sử dụng nhân viên của SSPL thuộc OP39. Thiếu tá Roger McElroy là một trong số ít nhân viên Mỹ thực sự xâm nhập miền Bắc. Ông nhớ lại các con tàu "làm bằng gỗ nên có thể tránh được ra đa. Các con tàu tập trung ở Đà Nẵng... Đôi khi tôi cùng đi với một chiếc và phải ngụy trang... Tôi mặc bộ quần áo rằn ri (không số hiệu hoặc phù hiệu của nước nào cụ thể), phủ tấm lưới lên mặt và đeo găng tay". Khi xâm nhập biển miền Bắc, McElroy thường "ở bên dưới".2 Ông cùng đi là để liên lạc với các tàu hải quân ngoài khơi để "cho họ biết là chúng tôi đang ở vùng biển đó nếu không họ sẽ bắn chìm chúng tôi mất. Tôi có mặt để liên lạc với người Mỹ. Tôi không tham gia vào hoạt động. Những việc đó do đối tác hoặc ai đó chỉ huy tàu thực hiện".3

Một khi bị bắt cóc, ngư dân hoặc những công dân Bắc Việt Nam được thông báo họ đang ở trong tay tổ chức Gươm thiêng ái quốc, một tổ chức yêu nước bí mật và sẽ được đưa đến vùng giải phóng ở ven biển. Những người bị bắt cóc được thông báo là họ sẽ bị bịt mặt và đưa xuống khoang dưới vì lý do an ninh. Họ cũng được cho biết là chuyến đi bị cố tình kéo dài để giữ bí mật địa điểm của các làng SSPL. Sau đó, chiếc tàu hướng về đảo Thiên Đường, chuyến đi thường kéo dài trong nhiều tiếng đồng hồ. Khi cập đảo, những người bị bắt được đưa lên boong, bỏ khăn bịt mặt và trước mắt họ là một làng giải phóng ở một nơi nào đó dọc bờ biển miền Bắc. Đây mới chỉ là màn dạo đầu, sau đó là quá trình tuyên huấn.

Mục đích của kịch bản tỷ mỷ này, theo Don Blackburn là "làm cho họ tin là đang ở một vùng giải phóng ven biển. Khi họ được trả về, họ sẽ lan truyền tin là có một phong trào chống đối và vùng giải phóng thực sự ở miền Bắc.4 Những người này ở trong làng khoảng 3 tuần. Trong thời gian này, họ chỉ gặp người Việt.Nam nói giọng Bắc. Họ cùng nhau ăn uống, nói chuyện về đời sống dưới chế độ Hà Nội và tìm hiểu về SSPL. Một số người còn được đưa vào núi tới những làng nhỏ "giống như các làng ở vùng núi miền Bắc. Mục đích dựng lên các địa điểm này là... tạo thêm độ tin cậy đối với lời tuyên truyền một mật khu của SSPL là ở vùng núi cao miền Bắc".5

Jack Singlaub, người thay thế Blackburn, mô tả chương trình ba tuần như sau: "Chúng tôi cho họ ăn uống tốt, làm cho họ lên cân, chữa bệnh cho họ, bất kể bệnh gì. Điều này chứng minh đời sống ở khu giải phóng tốt hơn đời sống ở làng quê của họ. Chúng tôi thu thập tin tức đồng thời cho họ biết thông tin về chính phủ Hà Nội, v.v... Chúng tôi cho họ thức ăn có lượng calo cao. Đồng thời chúng tôi dành nhiều thời gian nói về nhược điểm của chủ nghĩa cộng sản và họ cho chúng tôi biết về sự tham nhũng và thiếu thành thật của cán bộ miền Bắc. Trên cơ sở đó, chúng tôi làm chương trình phát thanh về những trường hợp cụ thể để tạo ra sự lủng củng từ bên trong nội bộ của miền Bắc".6

Vào những ngày cuối cùng trước khi rời đảo, họ được thông báo về các chi bộ SSPL đang hoạt động ở nơi họ cư trú và cách bí mật để liên hệ với các chi bộ này. Dĩ nhiên, điều này là để cho lực lượng an ninh miền Bắc tìm hiểu vì chắc chắn họ sẽ thẩm vấn số người trở về. Cuối cùng, họ được tặng một món quà để mang về gồm xà phòng, vải vóc và các thứ khác đang khan hiếm ở miền Bắc. Trong bộ quà tặng còn có đài bán dẫn đã cố định sóng của đài Gươm thiêng ái quốc mà họ nghe suốt ngày trong thời gian ở trên đảo Thiên Đường. Khi trở về, họ lại bị bịt mắt và đưa trả lại miền Bắc theo đúng như cách họ được đưa đến đảo.

Năm 1966, năm hoạt động mạnh nhất, 353 người Bắc Việt Nam được đưa đến đảo Thiên Đường. Từ năm 1964 đến 1968 có tất cả 1.003 người được "cải huấn" trên đảo.7 OP39 kiến nghị nhiều biện pháp để mở rộng đề án và tạo nên độ tin cậy cao hơn nữa. Họ cho rằng chỉ có thể duy trì sự "giả hiệu” này trong một thời gian nhất định mà thôi. Nếu không bổ sung thêm điều gì đáng tin, Hà Nội sẽ phát hiện ra ngay sự giả tạo.

OP39 đã nêu lên nhiều cách để làm cho hoạt động của SSPL giống như thật và được Washington phê chuẩn một số kiến nghị đơn giản nhất. Ví dụ: khi một người bị bắt trong các cuộc đụng độ giữa tàu của SSPL và của ngư dân, người đó bị xét xử bởi toà án của SSPL, bị kết tội chống lại tổ quốc và tuyên án tử hình nhưng sau đó được hưởng ân xá vì SSPL là tổ chức vì hoà bình. Sau đó người bị bắt phải trải qua một đợt học tập tập trung, và "trước khi trở về họ có bản thu hoạch, lên án hoạt động của chính mình và tuyên thệ trước SSPL".8 Bản thu hoạch này sẽ được sử dụng trong chương trình phát thanh tuyên truyền của SSPL. Ví dụ thứ hai liên quan tới "người tỏ ra chân thành trong việc giúp đỡ sự nghiệp của SSPL". Một số họ "được tuyển làm điệp viên"... và huấn luyện cách làm tờ rơi, truyền đơn ở dạng đơn giản và cách tuyên truyền cho SSPL. Ngoài ra, những người này còn được giao nhiệm vụ thu thập tình báo đơn giản". Số ít được đưa trở về để "tổ chức cho số bạn bè đào nhiệm chạy vào Nam". Cuối cùng, người muốn đào nhiệm sẽ được đưa vào nam tái định cư sau khi câu chuyện của họ được đưa lên "truyền hình và tờ Tin Sài Gòn hàng ngày".9

Những hoạt động to tát hơn để làm cho dự án đảo Thiên Đường của SSPL có vẻ thực tế hơn lại bị bác bỏ. Ví dụ: một cách là động viên dân chúng miền Bắc - thông qua đài tiếng nói Gươm thiêng ái quốc, khởi sự hoạt động vũ trang thông qua việc "ám sát một số chọn lọc các cán bộ miền Bắc bị căm ghét".10 Một kiến nghị có liên quan khác là xúi giục những người được huấn cải tại đảo Thiên Đường trở về ám sát cán bộ. SSPL sẽ cung cấp cho họ những phương tiện cần thiết. Cả hai kiến nghị trên đều bị Washington bác bỏ. Sau đó, do sự hối thúc của lãnh đạo SOG, đầu năm 1968, MACV đề nghị cho phép chuyển SSPL từ một tổ chức giả sang một tổ chức thật sự. Đề nghị này cũng không được chấp nhận- Bản thẩm định của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân về các đề nghị nói trên "nhắc đi nhắc lại là việc chuyển từ SSPL giả hiệu sang một mô hình SSPL thật sự sẽ không được các cấp ở Washington chấp thuận".11

Các thành viên của OP39 không hề biết tại sao những đề nghị của mình lại bị gạt bỏ. Các tài liệu đã được giải mật cho thấy Washington có bốn lo ngại. Thứ nhất, mở rộng hoạt động của đảo Thiên Đường sẽ trái với chính sách công khai của Hoa Kỳ vốn cam kết không gây bất ổn hoặc lật đổ chính phủ Hà Nội. Washington cho rằng hoạt động ngầm phải phản ánh chính sách công khai. Thứ hai, các nhà vạch chính sách lo rằng các hoạt động nêu trong đề nghị có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, thực sự gây ra vấn đề nội bộ ở miền Bắc làm cho tình hình trở nên không thể kiểm soát được (cứ như là Washington có thể kiểm soát được những việc Hà Nội làm). Ba là, các nhà vạch chính sách sợ rằng gây tình hình bất ổn ở miền Bắc có thể làm cho Hà Nội đẩy mạnh chiến tranh ở miền Nam. Cuối cùng, nếu như Hà Nội đổ vỡ, Trung Hoa cộng sản có thể can thiệp như đã từng xảy ra trong chiến tranh Triều Tiên.

Hoạt động phát thanh đen

Ngoài Tiếng nói SSPL, OP39 còn điều hành các hoạt động phát thanh đen khác với nhiệm vụ riêng biệt. Một là, bắn tin cho nhân dân miền Bắc biết ngoài SSPL còn có các nguồn chống đối chính quyền Hà Nội khác đang tích cực hoạt động tại miền Bắc. Hai là, tạo ra một đài Hà Nội giả hiệu bằng biện pháp trùng sóng - tạo ra chương trình phát thanh giả có tần số ngay cạnh đài chính thức.

Lãnh đạo của Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ ở Việt Nam, Barry Zorthian nhận ra rằng sự phối hợp là tối quan trọng nên đã đề xuất và được chấp nhận thành lập một cơ quan hỗn hợp. Tháng 5-1965, Văn phòng Truyền thông hỗn hợp Hoa Kỳ - JUSPAO - được thành lập theo một chỉ thị của Nhà Trắng để phối hợp mọi hoạt động tâm lý chiến của Mỹ ở Việt Nam, trong đó có hoạt động tâm lý chiến bí mật chống miền Bắc. Giám đốc của JUSPAO đề ra phương hướng cho một số cơ quan quân, dân sự tham gia vào hoạt động tuyên truyền "đen", "xám", "trắng” và giám sát việc thực hiện thông qua bộ phận kiểm soát chất lượng. Về mặt tổ chức, một trong năm phòng của JUSPAO được giao chuyên trách về các vấn đề miền Bắc. Phòng này điều hành việc tuyên truyền vào miền Bắc và dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh ở Lào và Campuchia.

Trong hoạt động chống miền Bắc, JUSPAO có nhiệm vụ chỉ đạo hoạt động của đài Tiếng nói tự do - VOF. VOF là một đài phát thanh "xám", nghĩa là "chuyển tải thông tin không cần che đậy kỹ lưỡng... Tuyên truyền xám chỉ giấu được nguồn tin đối với người ít quan tâm chứ không phải những người nghe tinh tế". Đài phát thanh bí mật là một trong những kênh thông thường cho tuyên truyền xám.1 VOF chủ yếu phát tin tức thời sự, chương trình văn hóa và giải trí vào miền Bắc. Những chủ đề chính bao gồm: chống lại sự tuyên truyền của Hà Nội; cung cấp thông tin cho dân chúng miền Bắc về cuộc sống ở thế giới tự do; đưa tin tức chính xác về chiến tranh; và cung cấp cho dân chúng miền Bắc cơ sở để so sánh điều kiện sống của họ với miền Nam. Năm 1968, đài này phát tổng cộng 75 tiếng một ngày bằng năm thứ tiếng.2

Một nhân viên cơ quan thông tin Hoa Kỳ chỉ đạo hoạt động của VOF. Nhân viên này còn được cử tới SOG và đưa ra định hướng chính sách cho các hoạt động phát thanh đen và tâm lý chiến khác của bộ phận chiến tranh tâm lý của SOG. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các hướng dẫn của Washington thường mập mờ: Các đài phát thanh đen của SOG không được đưa nội dung kích động hoạt động lật đổ hoặc sử dụng vũ trang chống chính quyền Hà Nội. Những người điều hành hoạt động tâm lý chiến đã thực hiện hướng dẫn này đúng đến từng từ một.

Các đài phát thanh đen của SOG bao gồm: Đài cờ đỏ, tiếng nói của một bộ phận ly khai giả hiệu của Đảng Cộng sản Việt Nam- Đài này chỉ trích Hà Nội về sự quá ngả sang Trung Quốc và cho rằng Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã đẩy Việt Nam vào cuộc chiến tranh. Cờ đỏ có xu hướng thân Liên Xô hơn.3

Đó chính là thủ đoạn mà CIA đã từng áp dụng ở nơi khác. Trên thực tế, Phil Adam, người được CIA cử đến SOG mùa hè năm 1966 để hình thành Đài phát thanh Cờ đỏ đã từng chỉ đạo hoạt động tương tự chống Anbani đầu thập kỷ 50. Hồi tưởng những ngày đó, Adam kể: "ở đài phát thanh của chúng tôi, tôi thuê năm hoặc sáu người Anbani có học thức. Chúng tôi giả làm những người bất đồng chính kiến với Đảng Cộng sản Anbani đang ẩn náu ở vùng núi. Mới nghe thì có vẻ không đáng tin, nhưng ý đồ ở đây là nhằm vào những người cộng sản bất mãn và thuyết phục họ rằng chính quyền không xây dựng một thứ chủ nghĩa cộng sản đích thực và đang gây tội ác đối với đảng viên. Hay nói cách khác, chúng tôi cố tạo ra sự bất mãn trong Đảng Cộng sản Anbani".4

Mặc dù chịu thất bại ở Anbani, các nhân viên CIA được cử đến SOG đều nghĩ rằng hoạt động phát thanh đen rất đáng được thử nghiệm một lần nữa. Khi Adam đến, đài phát thanh Cờ đỏ đang được xây dựng cách Sài Gòn khoảng năm dặm. "Vì vậy, trong năm tháng đầu tiên, tôi làm người giúp việc cho kỹ sư. Chúng tôi phải tự làm lấy bởi vì chúng tôi chỉ có hai kỹ sư người Phillipines, nhưng họ gần như vô dụng. Cuối cùng thì đài cũng được lắp đặt xong vào đầu năm 1967; sau đó công việc của tôi là thuê người vận hành. Tôi tìm được hai hạ sĩ quan Mỹ đã từng vận hành đài phát cỡ nhỏ ở Mỹ. Thế là chúng tôi cho đài phát hoạt động, có lẽ vào quãng giữa năm 1967, và câu chuyện ngụy trang vẫn là những người cộng sản bất đồng chính kiến cùng với một số nhà văn đã từng là đảng viên Cộng sản nhưng đảo ngũ”.5

CIA cũng chỉ đạo một đài phát thanh riêng chống lại Việt Cộng ở miền Nam mang tên Ngôi sao đỏ. "Đài phát thanh lấy danh nghĩa của một nhóm cộng sản bất đồng chính kiến ở Nam Việt Nam cho rằng Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, hay Việt Cộng, là bù nhìn của Hà Nội. Luận điểm chính là Nam Việt Nam là của người miền Nam".6

Hoạt động chèn sóng của SOG cũng là một thủ đoạn cũ của CIA. William Colby đã sử dụng biện pháp này đầu những năm 1960 ở miền Nam, tạo ra đài giải phóng giả "phát chương trình trên tần số kề sát với đài phát thanh giải phóng thật, do vậy thính giả không để ý sẽ nghe nhầm đài".7 Đài phát thanh giả của Colby nghe hệt như đài thật, trừ một số phần giả nhất định với hy vọng gây ra ấn tượng xấu về Việt Cộng trong đầu óc của người nghe".8 ví dụ, đài đưa tin về một trận đánh theo cách tạo ra ấn tượng là Việt Cộng phung phí sinh mạng bộ đội.

SOG tạo ra đài Hà Nội giả. Ý tưởng ở đây giống hệt như ý đồ của Colby trước đây. Weisshart nhớ lại rằng vấn đề "đài Hà Nội giả và các máy thu thanh bán dẫn cố định sóng được thảo luận và vạch kế hoạch tại thời điểm tôi vẫn còn ở SOG".9 Đài này bắt chước mọi chi tiết của đài Hà Nội, trừ việc thay thế một số phần quan trọng của chương trình. Một cựu nhân viên của SOG đã nêu hai ví dụ về cách hoạt động của đài: "một bài phỏng vấn với bác sĩ Hà Nội khen ngợi sự cải tiến trong việc sản xuất chân tay giả và tự hào công bố số lượng chân tay giả sẽ được tăng lên gấp 3 lần vào cuối năm", bản tin khác mô tả một thắng lợi lớn của đơn vị quân đội theo cách mà mặc dù có nhiều huy chương và lời khen ngợi của Đảng, người nghe không thể không kết luận “thật là đẫm máu”.10 Có rất nhiều mẩu tin và chủ đề tương tự như vậy.

Kỹ thuật đánh lừa điện tử cuối cùng trong hoạt động đài phát thanh đen của OP39 liên quan đến một thủ đoạn mà thuật ngữ tình báo gọi là đài "ma". Thủ đoạn này là "bí mật chặn đài phát thanh của đối phương và phát chương trình của mình thay vào tín hiệu của đài phát thật".11 Các Chương trình phát thanh của miền Bắc và các kênh thông tin điện tử chính thức bị ngăn chặn và thay thế bằng các chương trình khác. Ví dụ như gây nhiễu chương trình thời sự của đài phát thanh Hà Nội và thay vào đó bằng các thông tin mâu thuẫn nhau. Tương tự, những chỉ thị giả cho các đơn vị bộ đội cũng được đưa vào các kênh liên lạc điện tử.

Thách thức lớn nhất đối với hoạt động phát thanh đen của OP39 là phần lớn dân chúng miền Bắc không có đài thu thanh. Vì vậy, SOG phải cung cấp cho họ. Thông qua một hoạt động có mật danh Peanuts, SOG đặt hàng sản xuất đài bán dẫn từ Nhật Bản.

Những chiếc đài này được cố định tần số và do vậy chỉ nghe được các đài phát thanh của SOG. Hàng ngàn chiếc máy thu thanh kiểu này được đưa vào miền Bắc dưới dạng các gói quà được thả từ máy bay xuống hoặc thả nổi từ biển vào. Chúng được coi là quà của SSPL. Một số khác "được các toán thám báo đưa vào vùng căn cứ của đối phương (ở Lào hoặc Campuchia). Những chiếc đài này được đựng trong hộp có ghi tên thật hoặc giả của bộ đội".12 Tại thời điểm năm 1968, chương trình Peanuts đã tung đi trên 10.000 đài thu thanh.

Truyền đơn và gói quà

OP39 sử dụng truyền đơn và gói quà để làm tăng độ tin cậy của phong trào Gươm thiêng ái quốc. Do có trong tay máy bay C130, SOG có thể dễ dàng tung hàng chục ngàn truyền đơn và đã làm đúng như vậy. Ngoài truyền đơn của SSPL, một số lượng lớn truyền đơn không ghi nguồn gốc hoặc ghi nguồn gốc giả được chở bằng đường hàng không thả vào miền Bắc. Ví dụ, nhóm cộng sản ly khai của Đảng Cộng sản Việt Nam điều hành đài phát thanh Cờ đỏ cũng tuyên truyền về mình qua truyền đơn. Nội dung là sự sao chép những thông tin phát trên đài Tiếng nói tự do, đài SSPL và Cờ đỏ.

Các loại truyền đơn khác nhau được Weisshart mô tả là "một số tuyên truyền trực tiếp... ủng hộ SSPL" và số khác thì nhằm vào những thành phần cụ thể trong nhân dân miền Bắc.1 Một trong những thành phần này là cộng đồng công giáo. Theo Weisshart "chúng tôi cố gắng tiếp cận với người theo đạo Thiên chúa bằng truyền đơn và chương trình phát thanh. Chúng tôi rải ở Vinh và những nơi khác ở miền Bắc... Có một số truyền đơn cụ thể nhằm vào họ, thu hút sự quan tâm, và tác động lên họ".2

Truyền đơn còn được sử dụng kết hợp với hoạt động chống phá đường mòn Hồ Chí Minh của SOG ở Lào. Các toán thám báo của SOG trực tiếp hoặc sử dụng máy bay rải truyền đơn.

Việc sản xuất truyền đơn được giao cho OP39 và do một sĩ quan trẻ chỉ huy. Theo John Hardaway, người phụ trách hoạt động truyền đơn năm 1964, nhân viên của cơ quan thông tin Hoa Kỳ được cử tới SOG sẽ đưa phương hướng chung và nội dung chủ đề của truyền đơn. Sau đó John Hardaway sẽ sản xuất truyền đơn và đưa cho đối tác Việt Nam đọc, tham gia ý kiến trước khi dịch sang tiếng Việt. Ông kể lại trong năm 1964, Washington rất chú ý đến hoạt động truyền đơn: "một đêm tôi phải ngồi chuẩn bị báo cáo lên cho McNamara về số lượng truyền đơn đã thả ở miền Bắc".3

Tương tự như truyền đơn, gói quà được gửi từ nguồn không ghi địa chỉ hoặc địa chỉ giả. Trong trường hợp ghi địa chỉ giả, đó là từ SSPL. Theo Welsshart, gói quà bao gồm: "giấy viết, xà phòng, bút chì, nến, khăn tắm, vải vóc, sách vở... Đó là những món quà hữu ích nhằm tác động thuận lợi đến người nhận về một phong trào chống Hà Nội chưa rõ tên hoặc về SSPL. Món quà nhằm dẫn dụ họ thảo luận về SSPL với bạn bè thân thích". Túi quà không bao giờ có thực phẩm. Weisshart nhận xét "vì Hà Nội có thể dùng chính thực phẩm đó chống lại chúng ta.4

Cũng như truyền đơn, OP39 đã rải một số lượng lớn gói quà vào miền Bắc. Thành tích của OP39 được đánh giá bằng số lượng được chuyển đi hàng năm. Năm 1967, chỉ riêng qua đường hàng không, 22.000 gói quà được rải khắp miền Bắc vào ban đêm.5
Thư đen và giấy tờ giả

Việc làm giả có vai trò trọng yếu trong công việc của SOG, bao gồm sản xuất và lưu hành thư từ, tài liệu giả có vẻ bề ngoài giống như thật. Đối tượng chủ yếu của hoạt động làm giả là quan chức của chính phủ. Tuy nhiên cũng có thể nhằm vào đông đảo quần chúng. "Người làm giả gán một nội dung không có thật cho người khác hoặc tự mình tạo ra thông tin giả".1

OP39 làm giả cả giấy tờ và tài liệu. CIA rất giàu kinh nghiệm trong loại hoạt động này, và không có gì ngạc nhiên là thư từ và tài liệu giả ở SOG được giám sát bởi một nhân viên CIA, người thường xuyên liên hệ với các chuyên gia làm giả của CIA.

Hoạt động thư từ đen của SOG bao gồm nhiều biến thể khác nhau và có thể được chia làm hai dạng chính. Dạng thứ nhất liên quan tới thư "bút độc”. Trong chiến tranh Việt Nam, CIA xây dựng những cơ sở dữ liệu đặc biệt về Bắc Việt Nam, trong đó có thông tin về cán bộ trung cao cấp trong chính quyền, quân đội, và đảng. Thông tin này bao gồm địa chỉ cơ quan hoặc nhà riêng của họ. Và thế là số cán bộ này trở thành đối tượng lý tưởng của các thư "bút độc" gửi từ Paris, Hồng Kông, Tokyo hoặc Băngkốc.2

Tương tự như các hoạt động khác của SOG, nội dung của những lá thư này là nhằm đánh vào ý thức cảnh giác của chính phủ Hà Nội. Ví dụ, trong một lá thư gửi cho một cán bộ miền Bắc từ một người Việt sống ở nước ngoài, tác giả làm như thể là đang trả lời một số băn khoăn của người nhận được giãi bày trong thư gửi ra nước ngoài trước đó, chỉ trích cách tiến hành chiến tranh của Đảng. Ở miền Bắc sự chỉ trích này là một hành vi phản bội và cơ quan an ninh, ít nhất, sẽ để mắt theo dõi cán bộ đó.

Dưới đây là một ví dụ. Trong thư, tác giả, người viết lá thư từ Hà Lan, nhắc đến lá thư mình nhận được từ cán bộ nọ. Tác giả viết thư để đáp lại những thông tin về sự đối xử hà khắc đối với tù binh chiến tranh Mỹ và cuộc tập kích Sơn Tây năm 1970 để giải cứu họ. Những lời lẽ trong thư nhằm tạo ra câu hỏi về sự trung thành của người cán bộ này.

Anh Tình thân mến,

Hai tuần trước đây tôi nhận được thư của anh... tình hình miền Bắc của chúng ta đã trở nên căng thẳng, nhất là sau khi Mỹ hạ cánh xuống tỉnh Sơn Tây tháng 11 vừa qua đế giải phóng số tù binh phi công bị bắt giũ. Trước đây tôi không tin lời đồn đoán. Nhưng mối nghi ngờ của tôi đã được giải toả sau ghi nhận được thư của anh...

Người Mỹ và bọn phản bội ở miền Nam rất quan tâm đến số phận binh sĩ của họ. Vì vậy, khi được nghe kể về sự đối xử tồi tệ đối với số phi công bị bắt giũ, họ không thể giữ im lặng. Họ phản ứng mạnh mẽ đối với các hành vi xấu xa và tìm mọi cách đề nghị chính phủ chúng ta trao đổi tù binh chiến tranh… Nhưng chính phủ chúng ta đã bác bỏ thẳng thừng đề nghị này...

Không chỉ Hoa Kỳ mà nhiều nước khác trên thế giới cũng lên tiếng phê phán sự đối xử tồi tệ đối với binh sĩ Mỹ bị bắt và coi đó là hành vi phi nhân tính. Ngày 2-3-1971, Hội cựu chiến binh Hà Lan đề nghị tổ chức Hội nghị của tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế để yêu cầu chính phủ chúng ta chấm dút những hành động trên. Ngoài ra những người hàng xóm thường hỏi tôi: Tại sao chính phủ miền Bắc không tôn trọng Công ước Giơnevơ về tù binh chiến tranh mặc dù đã tham gia ký kết? Tôi không trả lời được câu hỏi đó một cách đúng đắn. Hãy cho chúng tôi biết quan điếm của anh trong thư tới đề chúng tôi có thể giải quyết được vấn đề khó khăn này.

Thế thôi, vì thư đã dài. cho phép tôi dừng ở đây, chúc anh và gia đình mạnh khoẻ.
Bạn của anh

Trần Văn Toàn


Một ví dụ còn tinh vi hơn là gắn người nhận vào hoạt động lật đổ để các chuyên gia phản gián miền Bắc khi đọc những bức thư được dựng lên này sẽ bị dẫn đến việc cố phát hiện sự liên hệ giữa người nhận và toán biệt kích của SOG, hoặc SSPL, hoặc hoạt động tình báo nước ngoài chống lại miền Bắc, ở trong nước hoặc ở nước ngoài.

Dạng thứ hai của hoạt động thư từ đen là chuyển thông điệp tuyên truyền từ người Việt Nam sống ở nước ngoài tới người sống ở miền Bắc. Những lá thư này bao gồm "từ những thư tình cảm nhẹ nhàng từ các địa chỉ giả gửi cho công dân bình thường ở miền Bắc" cho đến "thư cứng rắn về vấn đề chính trị gửi tới cán bộ và trí thức miền Bắc".3

Ngoài ra còn có thư giả danh số tù binh người Bắc đang bị giam giữ gửi cho gia đình. Những lá thư này có thể chuyển tải một hoặc nhiều thông điệp. Ví dụ, tù binh có thể chỉ trích việc Hà Nội sẵn lòng hi sinh bộ đội và ghi nhận rằng mình được đối xử tốt trong trại. Lá thư tiếp theo có thể cho gia đình biết về quyết định xin được chiêu hồi, một chương trình ân xá dành cho binh sĩ đối phương của chính phủ Sài Gòn. Cuối cùng, anh ta cho biết mình đã gia nhập quân đội miền Nam. Với việc gia nhập này, anh ta có thể giúp các đơn vị quân đội Nam Việt Nam và Mỹ bằng sự thông thuộc với phong trào, chiến thuật và các biện pháp hoạt động của miền Bắc. Dĩ nhiên, chẳng có gì là đúng sự thật và bản thân tù binh cũng không hề biết về những lá thư đó.

Một dạng khác của chương trình thư tù binh chiến tranh người miền Bắc là đề án mang mật danh "Soap-chips". Những lá thư này giả danh thư từ hậu phương gửi đến bộ đội miền Bắc đang chiến đấu ở miền Nam. Các toán thám báo của OP35 sẽ đặt những lá thư này vào xác của bộ đội đã hi sinh mà họ gặp khi hoạt động ở Lào và Campuchia. Thư mô tả tình hình ở hậu phương là rất tồi tệ. Ý tưởng ở đây là khi có người đến di chuyển thi thể, họ sẽ đọc thư. Thư còn có thể chơi con bài Trung Quốc, cáo buộc các sĩ quan Trung Quốc làm nhục phụ nữ Việt Nam mà chẳng có ai làm gì họ cả. SOG còn gửi những giấy báo tử giả cho gia đình có bộ đội chiến đấu ở miền Nam.4

Theo Bob Andrews, công tác tại bộ phận chiến tranh tâm lý của SOG năm 1968, có rất nhiều chương trình thư đen khác nhau và có nhiều cách để đưa thư ra Hà Nội. Andrews mô tả sự việc sử dụng địa chỉ ở Băng Kốc như sau: "Lúc bấy giờ có rất nhiều kho chứa thư quốc tế trên khắp thế giới. Một trong số đó là ở Băng Kốc. Chúng tôi gửi hàng túi thư kiểu này tới Băng Kốc và Trung tâm CIA ở đây có một cơ sở người Thái ở ngành bưu chính và anh ta sẽ ném túi thư đó vào số thư từ đi Việt Nam".5 Ở thời kỳ cao điểm, hàng năm có 7.000 bức thư đen được chuyển qua Băng Kốc và các thành phố khác đến miền Bắc.6

SOG dùng "tài liệu, vật liệu giả gửi miền Bắc để thể hiện sức mạnh của tổ chức, nhóm người, hoặc cá nhân có thực hoặc giả mạo"7. Thật khó có thể nêu ra được dẫn chứng vì CIA vẫn chưa giải mật những tài liệu này với lý do sẽ làm lộ kỹ thuật và biện pháp nghiệp vụ. Với những gì được biết thì CIA thu thập một số lượng lớn tài liệu thu giữ hoặc có được từ nguồn khác. CIA có kỹ thuật chuyên môn để làm giả các tài liệu đó đúng đến từng chi tiết nhỏ. Văn phòng hậu cần tuyệt mật Viễn Đông của CIA đặt tại Okinawa chuyên sản xuất ra các sản phẩm giả phục vụ cho hoạt động của SOG. Những tài liệu giả này "được các toán hoạt động của SOG, tiểu đoàn không quân 101 (của Mỹ), lực lượng đặc nhiệm hải quân-SEAL, và các đơn vị quân đội Việt Nam cộng hoà đưa vào Lào, Campuchia và Nam Việt Nam"8.

Các hoạt động tâm lý chiến đen khác

SOG thực hiện hàng loạt hoạt động chiến tranh tâm lý có quy mô nhỏ hơn và mang tính chiến thuật. Nhiều hoạt động trong số này thuộc loại thủ đoạn "bẩn thỉu" và thường có sự giúp đỡ của Văn phòng hậu cần Viễn Đông của CIA. Hai cơ quan này cho phép SOG có sự tiếp cận độc nhất vô nhị với hàng loạt thiết bị đặc chủng như vũ khí đã bị han gỉ của đối phương, các loại bẫy, thiết bị nghe trộm điện thoại đặc biệt và chất làm nhiễm bẩn gạo.

Phần lớn nhất của các hoạt động này là cài bẫy vào vũ khí của đối phương. Ý tưởng này là của Singlaub, vị chỉ huy thứ ba của SOG năm 1967. Singlaub còn nhớ Eldest Son, mật danh của hoạt động này, là "nhạy cảm tôi phải xin sự phê chuẩn của Westmoreland và CIA vì chúng tôi sử dụng thiết bị của họ. Trợ lý đặc biệt về chống bạo loạn và hoạt động đặc biệt - SACSA- chuyển số vũ khí này qua người của CIA ở Sài Gòn và Okinawa".1 Các vũ khí bị sửa đổi bao gồm đạn AK47 và cối 82 do Cộng hoà nhân dân Trung Hoa sản xuất mà CIA có được qua một nước thứ ba. Các chuyên gia của CIA tháo rời đạn ra, gài bẫy vào trong, sau đó lắp lại như cũ, cho vào băng hoặc thùng đạn để không ai biết chúng đã bị sửa đổi. Những viên đạn này sẽ nổ tại chỗ khi được sử dụng và có thể gây ra chết người.

Việc đưa vũ khí này tới tay của quân đội miền Bắc là trách nhiệm của các toán thám báo thuộc OP35. Họ mang số đạn AK47 đã bị cài bẫy vào Lào và Campuchia đặt bên cạnh thi thể của bộ đội miền Bắc hoặc rải xung quanh nếu các toán thám báo gặp đối phương. (Quân đội miền Bắc thường chịu khó thu nhặt vũ khí, đạn dược và các thiết bị quân sự khác để lại sau trận đánh). SOG còn tạo ra kho đạn giả của đối phương ở những nơi có hệ thống kho tồn tại.

Việc nghe trộm đường dây liên lạc của bộ đội miền Bắc cho thấy số đạn bị cài bẫy này gây hoang mang trong bộ đội. Để khuếch trương tác động, SOG đưa lên đài phát thanh hoặc đưa tin trên báo chí của quân đội Mỹ nhắc nhở nhân viên Hoa Kỳ không được sử dụng vũ khí của đối phương. Ngoài việc đánh lừa, sự nhắc nhở này là cần thiết vì có trường hợp nhân viên Mỹ bị thương vong vì loại vũ khí này.

Bob Adrews liên hệ tới một ví dụ liên quan tới một sĩ quan hải quân bị mù mắt vì bắn súng AK47. "Vào khoảng mùa thu 1968, chúng tôi đang tìm cách để đối phương quan tâm hơn đến đề án Eldest Son và chuyển cho họ thông điệp là số đạn AK47 hỏng này là do người Trung Quốc gây ra. Chúng tôi muốn làm lớn chuyện này… chúng tôi biết về vụ một sĩ quan hải quân đã nhặt khẩu AK47 và cầm đúng băng đạn đã cài bẫy, khi bắn, do đạn nổ về hướng mặt nên anh ta bị mù. Tôi nảy ra ý tưởng là cần phải tuyên truyền mạnh trong quân đội Hoa Kỳ về việc MACV cấm tàng trữ và sử dụng vũ khí của đối phương. Vì vậy, chúng tôi đưa tin lên đài nói rằng: đây là câu chuyện đã xảy ra với một người của chúng ta vì đã vi phạm quy định và nguyên nhân là do đạn hỏng".2

Để kích động sự thù hằn đối với Trung Quốc, Andrews "đến Trung tâm khai thác vật liệu hỗn hợp" của MACV và thoả thuận với giám đốc trung tâm tạo ra một bản phân tích giả về khẩu súng mà người sĩ quan nọ đã sử dụng. Bản phân tích cho biết vũ khí đó không đạt tiêu chuẩn và có vẻ như bị cố ý làm như vậy, và toàn bộ lô AK47 có khả năng bị kém chất lượng. Tay giám đốc còn đóng dấu "mật" vào bản báo cáo và "vô tình" để quên tại một quán bar, ngay sau đó tài liệu bị biến mất".3 Tài liệu giả cũng được sử dụng để nói xấu người Trung Quốc và làm cho bộ đội Bắc Việt Nam ngại không muốn sử dụng vũ khí của họ. Thủ đoạn này được thực hiện dưới dạng một thông báo của Tổng hành dinh quân đội Bắc Việt Nam gửi các tư lệnh ở miền Nam xác nhận vấn đề và giải thích là các đồng chí Trung Quốc đang áp dụng mọi biện pháp để xử lý khó khăn trong chế tạo vũ khí và chấn chỉnh dư luận cho rằng Trung Quốc cố ý gài bẫy vũ khí, đạn dược. SOG có một số lượng lớn các bẫy nổ ngụy trang rải dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh để bộ đội Bắc Việt Nam thu nhặt. Phần lớn số bẫy này lại là loại vật dụng dùng trong quân đội đang khan hiếm, thường là pin và đài thu thanh.

Các loại tài liệu giả khác cũng đánh vào sự nghi ngại truyền kiếp của Bắc Việt Nam đối với Trung Quốc. William Rydell, một nhân viên CIA chuyên về chiến tranh tâm lý và chỉ huy OP39 năm 1970, kể lại thủ đoạn sử dụng thiếp chúc tết để đạt mục đích trên. Hàng năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường gửi thư chúc tết cho bộ đội ở miền Nam. Hồ Chủ tịch đã mất năm 1969 và dĩ nhiên là không thể gửi thư chúc tết cho bộ đội được nữa. Vì vậy chúng tôi chọn ra một người.lãnh đạo thân Trung Quốc nhất để làm giả thư chúc tết của người đó gửi bộ đội ở miền Nam (năm 1971).

Rydell chọn Trường Chinh, một lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam - người trên thực tế cũng ngả mạnh theo Trung Quốc. Rydell giải thích "những người Việt Nam cùng làm việc với tôi cho đây là ý tưởng tuyệt vời (thiếp chúc tết) rất hiệu quả". Và Hà Nội đã "tổ chức họp báo tại Lào và ở Paris lên án hoạt động bí mật này".4 SOG phân phát hơn 22.000 thiếp ở Lào, Campuchia và miền Nam.5

Cuối cùng, có một đề án nhỏ về làm tiền giả. Tuy nhiên Washington rất e ngại dự án này đi quá xa. Theo Bob Andrews, "tôi biết việc làm tiền giả được thảo luận, nhưng cấp trên bảo chúng tôi : "Không được làm như vậy. Đó là điều không thể được về mặt chính trị.6

CHUƠNG TRÌNH TÂM LÝ CHIẾN:
KHÔNG PHẢI HOẠT ĐỘNG ĐẦY SỨC MẠNH

Chương trình chiến tranh tâm lý chống Hà Nội kết hợp nhiều công cụ và thủ đoạn. Những kỹ thuật và chiến thuật này là một nỗ lực tinh vi, nhưng đó mới chỉ là một phần của câu chuyện. Vấn đề quan trọng là liệu nó có phục vụ mục tiêu chiến lược không.

Sự không ổn định chiến lược

Liệu các chiến thuật chiến tranh tâm lý có đủ mạnh để giúp thực hiện các mục tiêu chiến lược của SOG không? Họ muốn đánh lừa Hà Nội bằng cách nào và nhằm mục đích gì? Những cố gắng của chiến tranh tâm lý có mang tính thực tiễn không? Cũng có những câu hỏi được đặt ra về nhân dân miền Bắc. Những hoạt động tâm lý chiến chống lại họ có một mục tiêu chiến lược không? Nếu có, thì mục tiêu đó có thể đạt được với những hạn chế áp đặt cho SOG không?

Mục tiêu chiến lược của chương trình chiến tranh tâm lý là làm cho giới lãnh đạo Hà Nội tin rằng an ninh ở hậu phương đang trở nên xấu đi. Thách thức ở đây là làm cho Hà Nội tin rằng mọi hoạt động giả tạo là công việc của những phần tử chống đối thật sự trong lòng miền Bắc. Liệu SOG có thể tiến hành chiến thuật tung hoả mù để đánh lừa miền Bắc trong bao lâu? Một khi Hà Nội nhận ra rằng mọi thứ chỉ là đồ giả thì SOG sẽ làm gì?

Trên thực tế, bản chất giả tạo hoàn toàn chính là nhược điểm lớn nhất của chương trình tâm lý chiến do SOG thực hiện. Các chỉ huy cao cấp của SOG và cấp trên nhận ra điều này vào năm 1966. Khi hồi tưởng về chương trình, Don Blackbum nhận xét: (hoạt động này) chỉ gây chút ít phiền toái cho người Bắc Việt Nam, còn ngoài ra "chẳng đạt được cái gì cả" Blackburn so sánh với hoạt động của đối phương và cho rằng điều khác biệt chủ yếu là "triển khai việc tuyên truyền bằng cách kèm theo nhiều hoạt động khác nữa".1 Hà Nội không chỉ đạo phong trào giả ở miền Nam mà đó là một bộ máy tổ chức phát triển đầy đủ. Chiến tranh tâm lý là một yếu tố không tách rời của chiến lược chung của Hà Nội.

Blackburn đã nêu đúng vấn đề mà các chuyên gia xem xét chương trình chiến tranh tâm lý đã nhận ra. Cần phải làm thêm điều gì đó nữa nếu muốn giới lãnh đạo Hà Nội tin rằng họ đang gặp phải sự chống đối nghiêm trọng. Bắt đầu từ 1967, sau khi đánh giá lại chương trình tâm lý chiến. SACSA và SOG đã đệ trình nhiều đề xuất tập trung vào yếu tố cốt lõi của OP39: phong trào Gươm thiêng ái quốc. Để gia cố hình ảnh của SSPL, cần có thêm các hoạt động bên trong và bên ngoài miền Bắc.

Những đề nghị này bao gồm: thành lập đại diện của SSPL ở miền Nam; đưa những lời kêu gọi đề nghị Hà Nội chấm dứt chiến tranh mang lại hoà bình của SSPL ra diễn đàn quốc tế; khuyến khích số ngư dân bị giữ tại đảo Thiên Đường ở lại và đưa họ về miền Nam phục vụ mục đích tuyên truyền; và cho SSPL có động thái mở cơ quan đại diện ở Liên hợp quốc.2 Bằng việc đưa SSPL ra sân khấu quốc tế thông qua tổ chức bình phong, SOG có thể làm tăng độ lo lắng của Hà Nội về một phong trào chống đối có tổ chức. Nhưng không một sáng kiến nào được Washington chấp nhận.

Đối với các hoạt động bên trong miền Bắc, các kiến nghị bao gồm "bổ sung thêm nhiều chi tiết vào hoạt đông của SSPL. Ví dụ như tăng cường các bức điện đài gửi cho các đơn vị ma của SSPL; mở rộng chương trình phát thanh của Tiếng nói Gươm thiêng ái quốc; thông báo về các hoạt động như các cuộc gặp của trung ương, chương trình công tác mới và số lượng người gia nhập SSPL ngày càng tăng". Nhiều nội dung trên đây đã được thực hiện.3

Những kiến nghị thay đổi nêu trên có tác dụng làm tăng độ tin cậy của SSPL nhưng, nếu như được cho phép thực hiện, liệu chúng có tác động đến việc tiến hành chiến tranh ở miền Nam của Hà Nội không? Vì đó chính là mục tiêu cuối cùng của Kế hoạch 34A mà chiến tranh tâm lý là một bộ phận cấu thành. Mặc dù cuộc chiến tranh bí mật do SOG tiến hành có gây khó chịu cho Hà Nội, vì Hà Nội coi việc chấm dứt hoạt động này là một trong những điều kiện cho đàm phán hoà bình, hoạt động của SOG không hề làm thay đổi sự hỗ trợ của miền Bắc đối với miền Nam.

Cần phải bổ sung cái gì đó, và những gì tiếp theo cũng không có gì huyền bí. Cả ba chỉ huy đầu tiên của SOG, Russell, Blackburn và Singlaub, đều có chung kiến nghị: SOG phải thúc đẩy việc xây dựng một tổ chức chống đối thực sự trong lòng miền Bắc. Phong trào chống đối giả tạo và hoạt động của các điệp viên ma có thể làm Hà Nội lo ngại, nhưng chỉ được đến thế mà thôi. Đó là kết luận của Báo cáo đánh giá được hoàn thành tháng 2-1968 do nhóm đánh giá của MACV, đứng đầu là chuẩn tướng A.R.Brownfield, người từng giữ chức phó SACSA, thực hiện. Ông phê phán chương trình chiến tranh tâm lý là "không rõ ràng và quá rộng”. Nhiệm vụ của hoạt động này cần được thay đổi nếu như muốn phục vụ các mục tiêu của Kế hoạch 34A.4 Vấn đề là ở chỗ các nhà vạch chính sách ở Washington không cho phép SOG thành lập một tổ chức chống đối thực sự cũng như khuyến khích nhân dân miền Bắc đứng dậy hoạt động.

Dư âm Hungary

Khi Colby tái tập trung nỗ lực chống Hà Nội của CIA vào chiến tranh tâm lý, các quan chức CIA tại Sài Gòn rơi vào tình huống phải vạch ra một ranh giới mỏng manh như đã từng làm ở Đông Âu tiếp theo sau cuộc nổi dậy ở Hungary năm 1956. Washington coi mục đích của chiến tranh tâm lý là cung cấp thông tin chứ không phải khuyến khích nổi dậy. Cuộc phiêu lưu tâm lý chiến của SOG chống miền Bắc cũng không được giải thoát khỏi hạn chế này. Nhớ lại những ngày còn lãnh đạo OP39 năm 1966, Al Mathwin nhận xét: "Mục tiêu không phải là xúi giục dân chúng dùng bạo lực. Chúng tôi không được giao làm việc đó", ông giải thích "bởi vì chúng tôi không hỗ trợ những người nổi loạn".1

Tác động của "bài học Hungary" đối với việc hình thành hoạt động tâm lý chiến của SOG là rất sâu sắc. Không nghi ngờ gì nữa, kết quả của cuộc cách mạng Hungary đã làm chấn động các cơ quan an ninh quốc gia của Mỹ nói chung và CIA nói riêng. Năm 1956, Hoa Kỳ có cơ hội hỗ trợ một nỗ lực lật đổ chính phủ cộng sản. Bộ trưởng Ngoại giao John Forster Dulles vận động cho chiến lược "lăn trở lại"- Roll back - hay lật đổ chế độ Cộng sản với hàm ý Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ các hoạt động đó. Thực ra, "Roll back" và nhu cầu giải phóng Đông Âu là chủ đề đã được Dwight Eisenhower trình bày chi tiết trong chương trình tranh cử tổng thống 1952. Tuy nhiên, khi người Hungary bạo loạn, tổng thống Eisenhower và chính quyền của ông nhắm mắt làm ngơ không có sự giúp đỡ nào giành cho dân Hungary, mặc dầu chương trình phát thanh của đài châu Âu tự do, RFE, do CIA chỉ đạo đã tiến sát đến việc khuyến khích nổi dậy. Khi cuộc nổi dậy mạnh lên, thậm chí RFE đã phát lại chương trình phát thanh của đài địa phương kêu gọi giúp đỡ và lời đồn đoán rằng Mỹ chuẩn bị can thiệp. Những chương trình phát thanh này là để duy trì hy vọng của những người xuống đường ở Hungary rằng nước Mỹ sẽ cứu họ. Nhưng chính quyền Elsenhower không hành động.2

CIA rút ra những bài học quan trọng từ Hungary. Bill Rydell, người chỉ đạo hoạt động tâm lý chiến và gián điệp chống lại địa bàn bị từ chối từ những năm 1950, giải thích như sau: "Bạn chẳng cần có hiểu biết gì lắm cũng có thể hình dung ra là sau năm 1956 chúng ta sẽ không thể tiến hành công việc theo kiểu đó nữa vì có thể gây ra chiến tranh nguyên tử", Rydell nhắc lại: "Trước năm 1956, chính sách của chúng ta là giải phóng". Tuy nhiên sau Hungary, việc "kích động dân chúng ở các địa bàn bị từ chối nổi dậy bị cấm... chúng ta sẽ không đi vào giúp đỡ hoặc khuyến khích hoạt động này... Tôi biết rằng sau năm 1956, chúng ta rất thận trọng về các hoạt động tương tự... Chúng ta sẽ không tiến hành hoạt động xúi giục nổi dậy".3 Tại CIA. Rydell cho biết "bạn có thể nhìn thấy sự thay đổi về nhiệm vụ hoạt động ở địa bàn bị từ chối, trước 1956 họ thúc đẩy một việc mà sau 1956 lại rút lui khỏi việc đó".4

"Bài học Hungary” trở thành nỗi ám ảnh của CIA. Do đó mọi ý tưởng dự định xúi giục nổi dậy đều bị cấm từ khi còn manh nha. Trong khi vào thời điểm 1961, Kenedy mong muốn thực hiện tại miền Bắc những gì họ đang tiến hành ở miền Nam thì vào lúc MACVSOG thành lập năm 1964, mục tiêu chính sách đó nhanh chóng bị mờ nhạt. Trong lĩnh vực chiến tranh đặc biệt, Hoa Kỳ sẽ ủng hộ và trợ giúp chính phủ bị đe doạ bởi bạo loạn cách mạng nhưng không cổ vũ những cố gắng chống quốc gia cộng sản bằng vũ trang.

Tác động chiến lược của bài học Hungary đối với OP39 là rõ ràng. Hậu quả là hoạt động tâm lý chiến của OP39 chống nhân dân miền Bắc thiếu mục đích chiến lược. Trên thực tế, ranh giới mà SOG cố vạch ra giữa những gì SOG muốn dân chúng miền Bắc làm và không làm có lẽ chỉ tồn tại trong đầu các nhân viên của SOG. Điều chắc chắn là, những hoạt động này mang rất ít ý nghĩa chiến lược. Hậu quả không tránh khỏi là toàn bộ nỗ lực tâm lý chiến chống miền Bắc bị làm cho rối beng.

Nhiều người từng điều hành hoạt động tâm lý chiến cũng san sẻ quan điểm trên. Có lẽ Bob Adrews là người đã khái quát tốt nhất những ảnh hưởng của quy định cấm đoán đối với hoạt động và mục tiêu chiến tranh tâm lý như sau:"Chúng tôi phải lên tận SACSA để xin ý kiến về mọi vấn đề lớn, tại đây họ phải xin ý kiến của Lầu Năm Góc và chỉ có Chúa mới biết là cán bộ ở cấp thực hiện cần phải làm gì. Sau một thời gian, tình trạng đó buộc anh phải tự xác định "hãy làm việc gì nhỏ thôi, đừng làm lớn vì nếu muốn làm điều gì to tát, bạn sẽ chẳng bao giờ được làm". Do đó, chỉ nên làm những việc "dưới xà”- dưới mức phải báo cáo cho SACSA, có nghĩa là bạn phải làm những việc vụn vặt tầm thường". Andrews cho rằng "mối đe doạ mà người miền Bắc không thể dung thứ là mất sự kiểm soát... Rất nhiều thứ chúng tôi làm lẽ ra có hiệu quả nếu như được tiến hành thích đáng".5 Ý kiến này có thể đúng hoặc sai, nhưng những hạn chế áp đặt cho OP39 không cho phép kiểm định giả thuyết đó.

Với việc hình thành Chương trình đánh lạc hướng (Forae) cuối 1967, OP39 có cơ hội điều chỉnh tình trạng thiếu mục tiêu chiến lược khi được giao nhiệm vụ hỗ trợ OP34 tiến hành trò chơi ba mang với Hà Nội. Sự giúp đỡ này có nhiều dạng. Thứ nhất, Gươm thiêng ái quốc được điều chỉnh hoạt động và sáp nhập vào Forea, kéo theo sự thay đổi nội dung cải huấn ở đảo Thiên Đường. Hai hoạt động này trực tiếp gắn với và hỗ trợ Chương trình đánh lạc hướng. Thứ hai, OP39 triển khai một số dạng thư giả đặc biệt để hỗ trợ Forae. Đó là việc lồng vào trong thư giả những thông tin về điệp viên là cán bộ miền Bắc đã được đề án Borden và Urgency dựng lên.

Những bước trên chỉ là sự khởi đầu. Cần phải làm nhiều hơn để hoà nhập chiến tranh tâm lý vào Forae. Rất nhiều dự định khác đang được "hình thành" khi SOG nhận được chỉ thị từ Washington tháng 11-1969 ra lệnh chấm dứt mọi hoạt động bên kia giới tuyến của miền Bắc. Đối với chương trình đánh lạc hướng, điều đó tương đương với việc đóng cửa gần như hoàn toàn chương trình ngay khi mới bắt tay thực hiện. Vì vậy, OP39 mất cơ hội hình thành mục tiêu chiến lược cho chương trình tâm lý chiến.


Các thiếu sót khác của chương trình tâm lý chiến

Trong khi việc thiếu mục đích chiến lược là nhược điểm chủ yếu của chương trình tâm lý chiến do SOG tiến hành và là nguyên nhân làm cho hoạt động đó không có khả năng tác động đến Hà Nội như mong muốn, còn có một số thiếu sót khác nữa. Có thể nêu ra ba thiếu sót nổi lên và góp phần đáng kể vào những thành quả rất hạn hẹp của SOG. Một là, sự khép kín trong từng bộ phận của các thành tố tổ chức của SOG dẫn đến việc thiếu phối kết hợp với nhau. Theo Phil Adams, người được CIA cử đến SOG năm 1966, "Tôi không nhớ là có bất kỳ kế hoạch tổng thể nào. Tôi không nhớ ai có ý tưởng cụ thể về nhiệm vụ chính xác của chúng tôi và chúng tôi phải thực hiện nhiệm vụ đó như thế nào. Mọi thứ đều mơ hồ".6 Không một sĩ quan quân đội hoặc một nhân viên CIA nào nhớ lại rằng mình nhìn thấy hoặc tham gia soạn thảo kế hoạch hành động tổng thể cho chiến tranh tâm lý. Đó là cái giá của việc khép kín trong từng bộ phận một cách quá mức.

Hai là, vấn đề nhân sự, căn bệnh mãn tính trong suốt thời gian tồn tại của SOG, cũng ảnh hưởng đến bộ phận tâm lý chiến. Chuyên gia trong hoạt động chiến tranh tâm lý đen thật thiếu thốn, như Russell phát hiện ra năm 1964, khi ông bắt đầu xây dựng SOG. Vấn đề nhân sự cũng không được cải thiện tốt hơn trong những năm tiếp theo. Theo Phil Adams, bộ phận tâm lý chiến chịu đựng tình trạng thiếu chuyên môn trong nhiệm kỳ của ông. Adams kể: "Đối với nhân viên quân đội tôi không nhớ có ai đã từng trải qua hoạt động tâm lý chiến hoặc được đào tạo về chuyên môn này".7 Adams nói thêm “tôi không tin là có nhân viên Mỹ được đào tạo về văn hoá Việt Nam. Tất cả số nhân viên quân đội là sĩ quan bộ binh hoặc pháo binh”. Thế còn số nhân viên của CIA ở SOG thì sao "Người của CIA cũng chẳng hơn gì mấy", Adams nhận xét.8 Tình trạng này vẫn tiếp diễn ngay khi Adams rời SOG cuối 1967.

Cuối cùng là vấn đề đánh giá tác động của chiến tranh tâm lý đối với các mục tiêu Bắc Việt Nam. Một chi nhánh của OP39 có tên “nghiên cứu và phân tích” có chức năng thu thập, so sánh đối chiếu, và phân tích các thông tin từ các nguồn về miền Bắc nhằm hai mục đích: Chỉ ra những điểm yếu về tâm lý miền Bắc để xác định đối tượng và sử dụng chính những nguồn đó để đánh giá tác động của chương trình tâm lý chiến.

Mục tiêu thứ hai này không được chi nhánh nghiên cứu và phân tích theo đuổi. John Harrell, người chỉ huy đầu tiên của chi nhánh, nhận định là không có “hành động nào để phát triển một cơ chế đánh giá. Tôi không có đủ điều kiện làm việc đó”.9 Richard Holzheimer, người thay thế Harrell năm 1965, cũng kể lại câu chuyện tương tự. Holzheimer không "nhớ là được giao nhiệm vụ hoặc một điều gì đó tương tự… Không, chúng tôi không làm việc đó". Khi được hỏi hàng năm có đánh giá về hoạt động tâm lý chiến không, Holzheimer trả lời “tôi không nhớ có việc như vậy”.10 Theo Derek Theissen, người làm tại chi nhánh vào cuối năm 1960, OP39 cho đánh giá tính hiệu quả của hoạt động tâm lý chiến. Tuy nhiên, "hiệu quả được đánh giá chủ yếu bằng số lượng hiện vật được chuyển đi chứ không phải theo phản ứng của Hà Nội. Trong năm 1969 -1970, chúng ta mắc phải hội chứng "đếm hạt đậu” - thiên về số lượng- trái ngược hẳn với sự phân tích chi tiết về tác động”.11

Thật khó có thể tin là SOG không tiến hành đánh giá một cách có hệ thống tác động và hiệu quả của chiến dịch chiến tranh tâm lý. Khi được hỏi tại sao lại như vậy, Bill Rydell, nhân viên CIA, sếp của OP39 năm 1970 - 1971, trả lời: "trong một xã hội mở làm điều đó đã rất khó. Còn trong một nhà nước sau bức tường sắt thì điều đó là điều không thể. Đối phương ít khi, nếu không muốn nói là không bao giờ, cho bạn biết các dấu hiệu về tác động của hoạt động tâm lý chiến. Bạn đọc nát báo chí để tìm ra từng dấu hiệu nhỏ nhất, đọc thư từ hay bất kể thứ gì có thể cho bạn một chỉ dẫn. Bạn không thể tiến hành một cách có hệ thống theo kiểu thăm dò ý kiến, đó chính là vấn đề. Và cũng không có sự chống đối công khai nào... không! Bởi vì đó là dấu hiệu tốt nhất".12 Đó là câu trả lời có sẵn về khó khăn trong việc đánh giá hoạt động chiến tranh tâm lý chống lại các địa bàn bị từ chối. Tuy nhiên, Hà Nội không phải yên lặng về các hoạt động tâm lý chiến của SOG, mà ngược lại.

CÓ LẼ COLBY ĐÃ ĐÚNG

Tương tự như hoạt động biệt kích, chương trình chiến tranh tâm lý nhận được sự chú ý của Hà Nội. Bản báo cáo phản gián của OP34 đầu 1968 hé cho thấy miền Bắc tuyên bố bắt giữ được số biệt kích nhiều hơn số SOG xâm nhập. Sự ước tính quá mức này và những báo động về an ninh nội bộ về các toán biệt kích ma và hoạt động liên quan tới gián điệp không chỉ xuất hiện trên báo chí, đài phát thanh mà còn trong các tài liệu nội bộ. Tương tự, dấu hiệu đó còn thể hiện dưới dạng áp dụng biện pháp tổ chức, bảo vệ và truy tìm gián điệp, biệt kích cả thật lẫn giả của đối phương. Hoạt động phản gián và cảnh sát như bắt, điều tra, xâm nhập, khiêu khích, cài bẫy... đều gia tăng. Cuối cùng, những hình phạt mới và nghiêm khắc hơn, kể cả tử hình, được ban hành và áp dụng đối với tội hoạt động phản cách mạng và gián điệp.

Việc đánh giá quá mức và báo động có tính quy luật trên còn được phản ảnh trong cách Hà Nội đối phó với chương trình chiến tranh tâm lý. Điều này bắt đầu từ năm 1965 và là vấn đề được nhắc nhở nhiều trong các bài báo và chương trình phát thanh của miền Bắc. Ví dụ, tờ Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản, cảnh báo rằng "để làm nhụt ý chí chiến đấu của miền Bắc , Hoa Kỳ coi "chiến tranh tâm lý, chiến tranh chính trị, hoặc dạng chiến tranh thứ tư (sau chiến tranh quân sự, kinh tế, ngoại giao) là chính sách quốc gia”.1 Nhân Dân và các cơ quan chính thức của miền Bắc thường xuyên lặp đi lặp lại lời cảnh báo trên và tuyên truyền trong nhân dân "đế quốc Mỹ đang dốc sức thực hiện chiến tranh gián điệp và chiến tranh tâm lý nhằm phá hoại hậu phương của ta".2 Hay nói cách khác, đó là dạng lật đổ tương tự như Hà Nội đang tiến hành ở miền Nam.

Khi hồi tưởng lại, Hà Nội chỉ đúng có một nửa. Chắc chắn, chiến tranh tâm lý cũng như các hoạt động ngầm của SOG là nhằm vào hậu phương, một trung tâm trọng lực của Hà Nội. Hà Nội thể hiện sự lo ngại sâu sắc về an ninh ở hậu phương vì an ninh nội bộ là tối quan trọng cho phép Hà Nội đối đầu với siêu cường ở miền Nam. Tuy nhiên, những gì mà Hà Nội không biết là có những giới hạn trong hoạt động tâm lý chiến của SOG, nhất là khi đến lúc cần khuyến khích bạo lực và nổi dậy. Có lẽ, miền Bắc giả định rằng việc thúc đẩy trình trạng mất trật tự và nổi loạn là mục tiêu rõ ràng của hoạt động đó. Nếu không, làm việc đó làm gì?

Các chương trình phát thanh và ấn phẩm báo chí của Hà Nội đưa tin khá cụ thể về các loại kỹ thuật, chiến thuật do OP39 sử dụng. Lý do thật rõ ràng. Hà Nội cho rằng điều cơ bản là phải vạch trần và tố cáo hoạt động này để nhân dân khỏi tin chúng là sự thật. Nếu không, nhân dân có thể có thái độ cảm thông với SSPL, thậm chí muốn tham gia tổ chức được dựng lên này. Mọi việc sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát.

Thời gian qua đi, những công bố công khai càng trở nên chính xác hơn. Ví dụ, tạp chí lý luận hàng tháng của Đảng, tạp chí Học tập, số tháng 6-1967 đăng bài lột mặt nạ của tổ chức Gươm thiêng ái quốc. Bài báo cho rằng thông qua đài phát thanh của SSPL và các hoạt động khác, Mỹ muốn làm cho nhân dân miền Bắc tin là “phong trào này, vốn chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng, đã thành công trong việc tổ chức căn cứ chống chính quyền nhân dân tại một số tỉnh và thành phố ở miền Bắc".3 Hà Nội cũng đưa tin về số ngư dân đã qua cải huấn. Mỹ đang "bắt cóc ngư dân và người đi biển để thẩm vấn, dụ dỗ hoặc cưỡng ép họ tham gia vào tổ chức Gươm thiêng ái quốc, chúng đã lựa chọn một số, giao nhiệm vụ trở về miền Bắc bí mật phát triển điệp viên cho chúng".4 Toàn bộ ý tưởng về phong trào chống đối trong nội bộ là không thể chấp nhận được đối với các nhà lãnh đạo Hà Nội và phải bị vạch trần. Hà Nội đã giành thời gian và sức lực để làm điều đó.

Ngoài SSPL và chương trình cải huấn, Hà Nội còn đưa ra công khai hoạt động tâm lý chiến của SOG, bao gồm các đài phát thanh đen, trong đó có đài Cờ đỏ. Hà Nội cho rằng đài Cờ đỏ nhằm "làm cho thính giả tin rằng đó là cách mạng, rằng họ đương đầu với đế quốc Mỹ...". Tuy nhiên, Hà Nội tố cáo "đây chỉ là luận điệu lẩn tránh che đậy âm mưu đen tối, đó là nhằm gây mất đoàn kết trong nội bộ đảng, chia rẽ đất nước ta với các nước xã hội chủ nghĩa. Chúng xuyên tạc phong trào yêu nước ở miền Bắc, bịa ra thiệt hại của lực lượng giải phóng miền Nam...".5 Nhiều bài báo tương tự đã lên án hoạt động thư đen, quà tặng và truyền đơn của OP39, tất cả đều được mô tả rất chi tiết để phơi bày nguồn gốc và mục đích thật sự.

Tuy nhiên vạch trần hoạt động không thôi thì chưa đủ. Hà Nội còn chú ý hướng dẫn cho cán bộ và nhân dân biện pháp vô hiệu hoá chiến tranh tâm lý và các hoạt động bí mật khác do SOG thực hiện. Có nhiều hình thức làm việc này, bao gồm các "câu chuyện cảnh giác" trong đó cán bộ hoặc nhân dân địa phương bắt giữ được gián điệp hoặc lột mặt nạ hoạt động của SOG. Các phương tiện truyền thông của Hà Nội chuyển tải nhiều ví dụ về hành động đó. Ví dụ, một bài báo trên tờ Quân đội nhân dân, tờ nhật báo của quân đội miền Bắc đưa tin về việc "chiến sĩ an ninh biên giới ở Quảng Bình đã xoá bỏ toàn bộ toán biệt kích trên núi Don Pu”.6 Tương tự như vậy, tờ nhật báo Nhân Dân, tờ báo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đăng câu chuyện cơ quan an ninh địa phương đã thuyết phục được một "ngư dân từ tỉnh Hà Tĩnh ra đầu thú với chính quyền địa phương, khai nhận là gián điệp cho Mỹ". Anh ta bị một tàu địch bắt và dụ dỗ làm tay sai cho chúng".7

Đảng Cộng sản Việt Nam còn đề ra "đường lối và biện pháp" để hướng dẫn cán bộ địa phương cách tốt nhất để vô hiệu hoá các hoạt động trên. Theo một bài báo tháng 6- 1967, "để đối phó có hiệu quả chiến tranh tâm lý của địch, chúng ta phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và quần chúng về tình hình và nhiệm vụ... bằng nhiều biện pháp khác nhau”.8 Điều này được biến thành các hoạt động giáo dục và huấn luyện rộng rãi ở cấp cơ sở.

Việc đánh giá mức độ báo chí, đài phát thanh của Hà Nội đưa tin, bài tương tự như nêu trên cho thấy có sự lo ngại đang tăng lên trong giai đoạn 1965 -1967. Hơn nữa, với cách tiếp cận vấn đề của Hà Nội trong đó nhấn mạnh việc hướng dẫn và các biện pháp thiết thực để đối phó với hoạt động ngầm, dường như có thể kết luận một cách thoả đáng là hoạt động tâm lý chiến của SOG đang có hiệu quả. Nhưng, ở đây để hoạt động đánh lừa có kết quả phải cần có hai người: người lừa và bị lừa. Chứng cứ cho thấy chương trình tâm lý chiến của SOG đã thu hút sự chú ý của lãnh đạo Hà Nội.

Năm 1968, sự quan tâm lo ngại của Hà Nội về những hoạt động này lan truyền nhanh chóng. Hà Nội cho rằng Mỹ đang tăng cường hoạt động chiến tranh tâm lý và gián điệp chống lại miền Bắc để “kích động các phần tử phản cách mạng ở miền Bắc nổi loạn chống chính quyền. Chúng âm mưu gây rối vùng hậu phương của ta”.9 Dẫn chứng về nhận thức cho là Mỹ đang gia tăng hoạt động ngầm chống lại miền Bắc có thể tìm được trong tài liệu của các cơ quan ở Hà Nội. Đây không phải chỉ thuần tuý là sự lo ngại của Hà Nội đối với vấn đề an ninh mà phản ánh thực tế. Những gì làm cho Hà Nội có phản ứng trên, một phần là "Chương trình đánh lạc hướng" của SOG, trong đó hoạt động chiến tranh târn lý của OP39 là bộ phận cấu thành.

Tuy nhiên, sự phản ứng của Hà Nội không dừng ở chỗ tăng cường đưa ra công khai hoặc bổ sung hướng dẫn biện pháp để vô hiệu hoá một cách hữu hiệu những hoạt động của SOG. Hà Nội ban hành hình phạt mới nặng hơn đối với bất kỳ ai có dính líu đến hoạt động phản cách mạng. Tất cả có 15 tội danh được quy định và mỗi tội danh có khung hình phạt tù lâu năm, chung thân hoặc tử hình.10 Chi tiết của các hình phạt mới này được đưa tin rộng rãi ở miền Bắc. Những điều đó cho thấy Hà Nội thực sự chú ý đến hoạt động của Chương trình đánh lạc hướng và muốn chuyển tải bức thông điệp đó đến nhân dân. Báo Nhân Dân đưa tin: Các hình phạt nghiêm khắc là "cần thiết" để "làm cơ sở cho công tác đấu tranh chống hoạt động của gián điệp và bọn phản cách mạng khác".11

Những điều trình bày trên đây cho thấy gì về chương trình tâm lý chiến của SOG? Câu trả lời ngắn gọn là khi được gắn kết với chương trình đánh lạc hướng, nó cho thấy có vẻ như William Colby đã đúng. Colby đã nói như sau: Chiến tranh tâm lý có thể "có tác động bởi vì người cộng sản rất nhạy cảm đối với sự nguy hiểm của chống đối nên nếu tạo cho họ có suy nghĩ là có nhóm chống đối trong hàng ngũ, điều đó sẽ làm họ phát điên". Vì vậy, vượt lên những hạn chế, việc thiếu mục tiêu chiến lược và những vấn đề khác tác động tiêu cực đến OP39, trong những năm 1965-1967, hoạt động của OP39 rõ ràng có hiệu quả mà Colby mong muốn. Thành quả này không được SOG nhận ra vì không có cơ chế đánh giá một cách có hệ thống tác động của chiến dịch chiến tranh tâm lý. Điều đó vượt quá khả năng của SOG.

Trong năm 1968, phản ứng của Hà Nội đối với hoạt động của OP39 ở miền Bắc trở nên rõ ràng hơn đối với SOG mặc dù tác động đó vẫn chưa được định lượng một cách có hệ thống. Cần nhắc lại rằng hoạt động đánh lừa nhằm làm cho Hà Nội tin là họ chỉ phát hiện ra một phần nhỏ của tảng băng chìm và rằng tổ chức chống đối đã "ăn rất sâu” và chính Hà Nội cũng thừa nhận như vậy. Hà Nội càng trở nên nhạy cảm hơn với nguy cơ lật đổ.

Nhưng tháng 11-1968, có chỉ thị chấm dứt chương trình vì chính quyền Johnson quyết định chấp nhận yêu cầu của Hà Nội để bắt đầu đàm phán hoà bình. Đối với OP39, điều đó có nghĩa chấm dứt hoạt động ở đảo Thiên Đường và các hoạt động khác. Tất cả hoạt động tâm lý chiến tích cực cũng như phần lớn chương trình đánh lạc hướng đều phải ngừng lại. Một ngày đầu tháng 11-1968, thiếu tá Bob Andrews và các nhân viên quân, dân sự của OP39 nhận được chỉ thị ngừng hoạt động. Andrews nhớ lại, "Chúng tôi ngừng mọi hoạt đồng ra Bắc. Ngừng ngay lập tức. Tất cả những gì có thể dùng để chứng minh cho sự dính líu của Mỹ đều bị quăng qua cửa sổ. Có lệnh chấm dứt công việc từ cấp trên, và tất cả chỉ có vậy. Chúng tôi tiếp tục tập hợp nhau để duy trì một số hoạt động nhưng không, không được Đó là mệnh lệnh".12

Những gì còn lại của OP39 chỉ là một số hoạt động kém hiệu quả và thụ động. Với việc chấm dứt chương trình đánh lạc hướng, OP39, cũng giống như OP34, bị !oại khỏi cuộc chiến.

No comments:

Post a Comment