Thursday, July 2, 2009

X. Khả Năng Phòng Duyên Bắc Việt


X. Khả Năng Phòng Duyên Bắc Việt

Hệ thống phòng duyên của Bắc Việt gồm các tầu Hải Quân, ghe đặc công, các giàn radar và đại bác đặt dọc theo duyên hải.

Các tầu của Hải Quân Bắc Việt chỉ có khả năng hoạt động trong vùng "nước nâu" dọc theo duyên hải. Theo tin tức tình báo, vào thời đó, Hải Quân Bắc Việt có 4 Hộ Tống hạm loại SO1, 12 Ngư Lôi Đĩnh P4 và mộ số Khinh Tốc Đĩnh loại Swatow.

Hộ Tống Hạm SO1, trọng tải chừng 250 tấn, do Nga Sô viện trợ, 2 chiếc vào năm 60-61 và 2 chiếc nữa vào năm 64-65. Tầu dài 140 ft, rộng 20 ft, máy loại diesel, vận tốc tối đa 28 gút, thủy thủ đoàn 30 người. Vũ khí gồm 2 giàn đại bác 25 ly đôi đặt trước mũi và sau lái, ngoài ra còn có 4 giàn thủy lựu đạn dùng để chống tầu ngầm. Vào ngày 1/2/66, một chiếc SO1 bị phi cơ Hoa Kỳ đánh chìm, 3 chiếc còn lại bị hư hại hay bất khiển dụng nên không thấy xuất hiện. Đối với các PTF nhẹ nhàng hơn, loại chiến hạm cũ kỹ tuy có hỏa lực khá mạnh nhưng với vận tốc tương đối kém này không phải là mối lo ngại.

Ngư Lôi Đĩnh loại P4 có thể coi là lực lượng chính đáng kể nhất của Hải Quân Bắc Việt, có thể gây thiệt hại cho địch thủ lớn hơn. Chính ngư lôi đĩnh loại P4 này đã đụng độ với Khu Trục Hạm Mađox vào ngày 2/8/64. Đây là loại tầu nhỏ, trọng tải chừng 50 tấn, dài 85 ft, rông 20 ft máy Diesel, vận tốc tối đa 40 gút. Vũ khí gồm 1 giàn thượng liên đôi đặt sau lái và 2 ống phóng ngư lôi đôi đặt hai bên hông tầu. Mỗi quả ngư lôi mang đầu nổ 550 lbs TNT có thể đánh chìm chiến hạm lớn. Tuy nhiên, tầm hữu hiệu của ngư lôi rất ngắn khiến ngư lôi đĩnh phải vào các mục tiêu không quá 1 cây số. Radar thuộc loại 253 còn có tên là "Skinhead", tầm rất ngắn chừng 15 hải lý trong thời tiết tốt. Thông thường, P4 phải chạy với vận tốc cao để phóng ngư lôi nên ăng ten radar phải hạ xuống để bớt cản gió và cũng để khỏi bị hư hại khi tầu nhảy sóng. Tuy P4 có vận tốc khá cao nhưng vẫn còn kém xa PTF; hơn nữa vũ khí chính là ngư lôi coi như không có hiệu quả đối với khinh tốc đĩnh vừa nhỏ vừa nhanh, radar lại có tầm hoạt động ngắn hơn, hỏa lực chỉ có thượng liên, vì vậy P4 không phải là đối thủ của PTF. Đa số các P4 đề đã bị phi cơ Hoa Kỳ đánh chìm trong các cuộc oanh tạc.

Khinh Tốc Đĩnh Swatow trọng tải 67 tấn, dài 83.5 ft, rộng 20 ft, vận tốc tối đa 40 gút. Vũ khí trang bị gồm 2 khẩu đại bác 37 ly đôi. Đây là một đối thủ khá ngang tay với PTF, nhưng PTF có vận tốc cao hơn nên Swatow khó lòng theo kịp. Một số khá lớn Swatow cũng đã bị phi cơ Hoa Kỳ đánh chìm.

Trong những năm hoạt động, các vụ đụng độ giữa PTF và tầu phòng duyên Bắc Việt rất hiếm, nghe đâu chỉ có vài vụ. Một phần vì tiểu đĩnh Bắc Việt không giám ra xa bờ vì sợ bị phi cơ oanh tạc, phần khác vì thấy yếu thế. Một Hạm Trưởng PTF kể lại một vụ đụng độ hiếm có như sau:

" Trong suốt 5 năm hoạt động, chúng tôi chỉ chạm trán với các chiến đĩnh BV một lần vào đầu năm 1968. trong một chuyến công tác do anh X. khóa 9 làm Phân đội trưởng, tôi đi vị trí 2, Y. khóa tôi đi vị trí 3. Trên đường về đến Mũi Đào phía bắc Đồng Hới khoảng 3 giờ sáng, radar phát hiện 3 đối vật từ trong bờ đang tiến đến gần chúng tôi với vận tốc cao. Lập tức, anh X. báo cáo ra Đệ Thất Hạm Đội, cho phân đội vào đội hình chiến đấu và tăng vận tốc lên 55 gút. Theo đúng chiến thuật hải Quân, chúng tôi cố gắng vận chuyển vào đầu chữ T để các khẩu trọng pháo có thể đồng loạt khai hỏa về phía hữu hạm. Địch cũng cố gắng chiếm thế thượng phong. Cuối cùng, hai bên ở thế cài răng lược. Địch khai hỏa trước, còn chúng tôi chỉ tác xạ khi còn cách độ 1000 yards.

Trong cuộc giao tranh ngắn ngủi, chiến đĩnh của anh X. bị trúng đạn hư hại nhẹ, một số nhân viên bị thương. Hai chiếc chúng tôi hộ tống chiến đĩnh bạn về hậu cứ an toàn, Trong những ngày sau đó, tin tình báo cho biết lực lượng địch bị thiệt hại khá nặng vì họ khai hỏa quá sớm, lại tập trung hỏa lực vào chiếc anh anh X. nên bị hai chiến đĩnh của tôi và Y. bắn trúng."

Ghe đặc công: Vì thấy các PTF thường xuyên xét và bắt người trên các ghe đánh cá, Việt Cộng lợi dụng cơ hội này dùng các loại ghe đặc công, bố trí sẵn vũ khí và chất nổ trà trộn trong đám ghe đánh cá để phục sẵn. Khi PTF đến gần, địch bất thần bắn B40 hay liệng chất nổ lên PTF. Tuy chiến thuật này đã vài lần gây thiệt hại cho PTF, nhưng các tên đặc công đều bị bắn chết và thuyền bị đánh chìm ngay tại chỗ.

- Radar duyên phòng: Bắc Việt đặt một số các đài radar dọc theo duyên hải để theo dõi các PTF hoạt động ngoài biển. Nhưng về sau, các đài radar này đều bị phá hủy hoặc bị phi cơ oanh tạc thường xuyên nên không còn hoạt động hữu hiệu.

- Đại bác phòng duyên: Đây là những giàn đại bác đặt trên đỉnh những hải đảo hay mũi đá cao dọc duyên hải để bắn ra ngoài biển. Tầm bắn của những đại bác này khá xa, khoảng 15 hải lý. Tuy bị bắn khá thường xuyên nhưng không có PTF nào bị trúng đạn. Đôi khi, địch còn neo sẵn những ghe khá lớn ngoài biển tại những mục tiêu đã được chấm sẵn tọa độ để làm mồi nhử. Khi các PTF tiến gần để chận xét, pháo binh địch lập tức khai hỏa. Nhưng chiến thuật này cũng không mang lại kết quả cụ thể nào. Tuy không bắn trúng PTF, nhưng đại bác phòng duyên đã bắn trúng một số chiến hạm Hoa Kỳ là mục tiêu lớn hơn.


No comments:

Post a Comment