Monday, May 16, 2011

KHÔNG LỰC DO THÁI / ISREAL AIR FORCES Section 3


 KHÔNG LỰC DO THÁI
ĐƠN VỊ THƯỢNG HẠNG BẢO VỆ QUỐC GIA
(Phần 3: TRẬN CHIẾN TIÊU HAO - 1967-1973)


VI. TRẬN CHIẾN TIÊU HAO
        Ủy ban trung ương Tổ Chức Giải Phóng Palestine (PLO) họp trong thủ đô Damascus của Jordan, hai tuần lễ sau trận chiến Sáu Ngày (6-6-1967). Dân tộc Palestine được khối Ả Rập yểm trợ tổ chức các hoạt động trong những vùng bị Do Thái chiếm đóng sau trận chiến. Quân khủng bố được tuyển mộ từ những trại tỵ nạn dành cho người Palestine và trong những khu vực nghèo khó thuộc sắc dân Ả Rập. Họ được huấn luyện căn bản quân sự trong các căn cứ quân sự ở Syria, sau đó được quân đội Iraq giúp đỡ đưa qua Jordan hoạt động trong vùng West Bank.
        Những toán quân khủng bố đặt dưới quyền chỉ đạo của El Fatah, một ban trong Tổ Chức Giải Phóng Palestine. Sự khủng bố kinh hoàng của Fatah đã xâm nhập vào đất Do Thái trước năm 1967, tuy nhiên lúc đó vẫn chưa có gì nổi bật, đáng chú ý cũng như tổ chức Fedayeen trước đây. Fedayeen nhồi sọ các cảm tử quân rằng, nếu hy sinh trong trận Thánh Chiến sẽ được lên Thiên Đàng.
        Sau trận chiến Sáu Ngày, Do Thái lui về thế thủ giữ những vùng đất tạm chiếm trong khi chờ đợi quyết định của Liên Hiệp Quốc cũng như những thoả thuận đối với khối Ả Rập. Tiếng còi báo động rú lên phá tan sự yên lặng trong phi đoàn trực thăng. Vị sĩ quan hành quân trong phi đoàn ra lệnh cho một phi đội bay lên bộ chỉ huy “Charoov” biệt kích quân Do Thái gần Ramallah. “Một toán lớn quân khủng bố đã xâm nhập Do Thái, đang trên đường đến Jerusalem. Chúng ta phải thanh toán bọn nó trước khi đến thủ đô”.
        Ngay tức khắc, bốn trực thăng Sikorsky 58 loại cũ có thể chở từ 10 đến 12 binh sĩ bay đi Ramallah. Trên lộ trình bay, các phi công đã làm việc với bộ chỉ huy quân biệt kích Charoov.
-           Blossom! Bird gọi. Chúng tôi sẽ đến gia đình bạn trong vòng năm phút nữa. Bạn có chỉ thị gì cho chúng tôi không?
-           Bird! Đây là Blossom. Chúng tôi tìm thấy dấu vết toán khủng bố khoảng hai tiếng đồng hồ. Bạn phải đem chúng tôi đến vị trí ngăn chặn chúng trên đường đi Jerusalem.
-           Nhận rõ! Đánh dấu vị trí của bạn bằng lựu đạn khói.

        Viên sĩ quan chỉ huy toán biệt kích Charoov tóm tắt tình hình cho các phi công trực thăng và sẽ đi lùng quân khủng bố trong những ngọn đồi nơi hướng đông nam Samaria. Bốn chiếc trực thăng chia làm đôi chở quân biệt kích đến khu vực hành quân. Những hướng đạo viên (dò tìm dấu vết quân khủng bố) sẽ dẫn đường cho toán biệt kích cùng các phi hành đoàn trực thăng vừa đến.
        Người hướng đạo đã theo dấu vết nhiều tiếng đồng hồ, cho biết toán khủng bố chỉ cách họ khoảng hai giờ di chuyển. Sĩ quan lái trực thăng cùng viên sĩ quan trưởng toán biệt kích quyết định để một chiếc theo sau hướng đạo viên, hai chiếc khác sẽ lục soát cả khu vực để tránh trường hợp đi sai đường. Chiếc còn lại sẽ nhẩy lên cuối lộ trình mà tiên đoán rằng toán khủng bố Palestine sẽ đi qua, trên con đường nối Ramallah và Jerusalem, không xa những đỉnh đồi mà Vua Hussein đang cho xây lâu đài.
        Khoảng một tiếng đồng hồ sau.
-           “Bird (trực thăng) số 3” báo cho “Bird số 1” biết, đã trông thấy năm bóng đen đang chạy ở dưới đất để trốn tránh trực thăng.
-           Đánh dấu vị trí của bạn bằng lựu đạn khói và di chuyển ra chỗ khác. Bọn chúng sẽ khai hỏa khi biết bị bao vây.

        Trực thăng số 3 làm đúng theo lệnh trực thăng chỉ huy và các trực thăng khác theo sau, bay đến những ngọn đồi bao quanh chỗ có lựu đạn khói, đổ quân biệt kích Charoov xuống. Người quân nhân biệt kích hướng đạo đã nói đúng. Quân biệt kích Do Thái tìm được toán khủng bố Ả Rập cách khởi điểm khoảng ba cây số. Phi đội bốn chiếc trực thăng tức tốc bay trở lại căn cứ của đơn vị biệt kích để đưa thêm quân biệt kích vào vùng hành quân. Ba mươi phút sau, lính biệt kích Do Thái giết chết hai tên khủng bố, làm bị thương một và bắt sống hai tên còn lại trong toán năm người.
        Sau khi đem toán biệt kích về lại căn cứ, phi công trực thăng cùng viên sĩ quan chỉ huy đơn vị biệt kích phải thuyết trình, làm báo cáo chi tiết để nghiên cứu, học hỏi thêm. Chiến thuật hành quân trực thăng vận đưa quân Dù vào tấn công cao nguyên Golan Heights trong trận chiến Sáu Ngày bước qua giai đoạn mới. Việc xử dụng trực thăng sẽ đóng góp một vai trò quan trọng trong quân sử của Do Thái.

        Những tháng theo sau trận chiến Sáu Ngày, khoảng từ 3000 đến 4000 quân khủng bố võ trang vào “nằm vùng” nơi khu vực phiá đông thung lũng sông Jordan. Trong những tuần lễ đầu, họ băng qua sông nơi chỗ cạn, núp trong bụi lau sậy bên bờ sông, dùng B-40, B-41 bắn phá những toán tuần tiễu Do Thái. Đuổi theo bọn khủng bố vô ích, hoài công vì họ rất rành đường đi nước bước trong khu vực.
        Đến khi Do Thái tìm được giải pháp, xử dụng trực thăng săn đuổi, xe bọc sắt tuần tiễu trên bộ, quân khủng bố chơi trò khác, hoạt động về ban đêm, thường xuyên khuấy phá đất Do Thái. Ngay cả trong mùa đông khi mực nước sông Jordan dâng cao và giòng nước chẩy siết, quân khủng bố dùng bè vượt sông hoặc cột dây rồi nương theo. Mỗi chuyến vượt sông như vậy có tới 30 hoặc 50 tên chia ra thành nhiều toán. Có toán thi hành những nhiệm vụ bên trong đất Do Thái, toán khác làm nhiệm vụ liên lạc, chuyển vận vũ khí, chất nổ và lệnh lạc từ bộ chỉ huy bí mật trong những làng định cư Ả Rập dọc theo biên giới Do Thái và trong khu vực West Bank.      
        Quân đội Do Thái trao nhiệm vụ “trông nom” đám khủng bố xâm nhập vào đất Do Thái cho lữ đoàn Dù đóng trong vùng thung lũng sông Jordan và đơn vị biệt kích Charoov. Cho đến những tháng đầu năm 1968, phi đoàn trực thăng Thanh Kiếm Ngược có những phi vụ săn đuổi quân khủng bố, mỗi tuần một hai lần. Các phi công phải làm nhiệm vụ cho đến khi nào bắt sống hơạc giết được quân khủng bố. Những toán quân khủng bố này có nhiệm vụ duy nhất là giết hại thường dân kể cả đàn bà trẻ con, gây kinh hoàng trong dân chúng Do Thái.
        Tình báo Do Thái biết được, quân khủng bố Ả Rập thường xâm nhập từ khoảng 2 hoặc 3 giờ sáng. Binh sĩ hướng đạo, dò tìm dấu vết thường khám phá sự hiện diện của các toán khủng bố khi trời sáng khoảng 6 giờ, sau khi tìm kiếm dấu vết chỗ hàng rào dựng nên nơi giòng sông Jordan. Mỗi buổi chiều, trước khi trời sập tối, lính Do Thái làm phẳng vùng đất cát dọc theo bờ sông, do đó họ biết ngay, đêm qua có toán khủng bố vượt sông, xâm nhập vào đất Do Thái và nửa tiếng đồng hồ sau, trực thăng chở quân biệt kích hoặc trinh sát Dù đến mở cuộc truy kích.
        Trong những cuộc hành quân chống khủng bố, thường sĩ quan phi công lái trực thăng chỉ huy. Họ bay ở trên cao tìm quân khủng bố và ra lệnh cho toán quân Dù hoặc biệt kích ở dưới. Khi đã đoán được vị trí và lộ trình di chuyển của toán khủng bố, trực thăng sẽ đổ quân xuống chặn đường đi của địch. Do Thái có thể bắn súng cối vào chỗ ẩn náu của quân khủng bố, xử dụng trực thăng tác xạ không cho địch chạy trốn, trong khi đốc thúc binh sĩ Dù hoặc biệt kích tiến dần đến mục tiêu. Thường quân khủng bố chiến đấu đến người cuối cùng.
        Đến đầu năm 1968, biên giới dọc theo bờ sông Jordan tạm coi như đã khép kín. Quân đội Do Thái đã giết, bắt sống hàng trăm tên khủng bố. Do Thái lập thêm nhiều làng chiến đấu dọc theo biên giới và xây hàng rào điện, thiết lập bãi mìn chống xâm nhập. Quân khủng bố Ả Rập phải chuyển qua một thế trận mới và phi đoàn  Thanh Kiếm Ngược theo sau.
        Loại trực thăng Sikorsky 58 đã hết thời gian phục vụ (lỗi thời) trong không lực Do Thái. Không lực Do Thái mua loại trực thăng mới Sikorsky CH-53 có thể chở một đại đội lính võ trang, lập thêm một phi đoàn trực thăng nữa. Khi hết trận chiến Tiêu Hao, không lực Do Thái có thêm trường huấn luyện phi công trực thăng.

        Mây nhiều che phủ bờ biển Do Thái sáng ngày 21 tháng Ba năm 1968. Lần đầu tiên sau trận chiến Sáu Ngày, nhiều trực thăng thuộc phi đoàn Thanh Kiếm Ngược đưa đơn vị biệt kích Dù đi hành quân. Trong số trực thăng có bốn chiếc Super Frelon chở theo xe Jeep. Đoàn quân này sẽ đột kích căn cứ chính của quân khủng bố ở Karameh nằm phiá bên kia thung lũng sông Jordan. Căn cứ này là một ngôi làng lớn, có thể được trông thấy từ thành phố cổ Jericho. Dân số trong làng đã tăng lên gấp ba với số lượng dân tỵ nạn từ các thành phố khác đổ về. Quân khủng bố đến Karameh tuyển mộ, huấn luyệnï, ngụy trang như những thường dân sống trong làng. Karameh trở nên một trong những căn cứ xuất phát cho những toán khủng bố xâm nhập vào Do Thái, tổ chức mạng lưới khủng bố trong vùng West Bank và trong những cộng đồng người Ả Rập - Do Thái.
        Những “vố” khủng bố đầu tiên xẩy ra trong tháng Chín năm 1967. Chất nổ được gài trong rạp ciné, ngoài đường phố, nơi công xưởng trong thành phố Jerusalem. Đầu năm 1968, năm mươi vụ khủng bố xẩy ra trong đất Do Thái. Tình báo Do Thái biết được, quân khủng bố trong Karameh đang soạn thảo kế hoạch khủng bố để phá ngày lễ Độc Lập của quốc gia và đặc biệt cuộc diễn hành chiến thắng mừng thành phố Jerusalem được thống nhất sau trận chiến Sáu Ngày (Trước đó, người Do Thái được Liên Hiệp Quốc chia cho một nửa).
        Theo kế hoạch trong hành quân Hỏa Ngục (Operation Inferno) tấn công Karameh, một đơn vị thiết giáp sẽ vượt qua cầu Allenby gần Jericho san bằng căn cứ điạ của quân khủng bố, đốt phá nhà cửa, giết càng nhiều quân khủng bố càng tốt. Quân Dù sẽ “đợi” những tên sống sót, chạy thoát ra ngoài trên những ngọn đồi xung quanh.
        Trong trận này, không lực Do Thái có hai nhiệm vụ. Từ sáng sớm, các phản lực cơ chiến đấu sẽ oanh kích các vị trí pháo binh Jordan trong thung lũng, khoá các họng súng của địch. Một phi đội trực thăng sẽ đưa quân Biệt Kích Dù đến thiết lập vị trí nút chặn những cửa ngõ vào làng từ hướng đông. Cùng lúc, các chiến xa sẽ vượt cầu Allenby. và mười lăm phút sau vào đến làng Karameh để bắn phá.
        Đoàn trực thăng chở quân biệt kích dù gặp phải sương mù nên phải đình lại. Súng đã nổ trong làng nhưng đoàn trực thăng đổ quân vẫn chưa xuống được. Chiếc đầu tiên do viên phi công phi tuần trưởng bay thật nhanh vào bãi đáp bỗng nhìn thấy ở dưới, quân khủng bố có võ trang đang chạy xung quanh bãi đáp. Tim anh ta đập mạnh, có nên đáp xuống hay không? Quyết định nằm trong tay vị sĩ quan Dù Matan Vilnai và cấp chỉ huy quân trên bộ. Bằng một giọng rất bình tĩnh, uy quyền, Matan ra lệnh cho phi công “Cheetah, đáp xuống”.
        Đám quân khủng bố đang trên đường chạy trông thấy trực thăng đáp xuống và quân biệt kích nhẩy ra. Thay vì bắn vào trực thăng cùng binh sĩ Dù, đám kủng bố hoảng hốt bỏ chạy lấy thân. Quân biệt kích bắn gục tại chỗ 12 tên. Các trực thăng Super Frelon đem mấy chiếc xe Jeep xuống bãi đáp cho quân Dù, biến họ thành đơn vị lưu động dùng xe Jeep săn đuổi quân khủng bố đang chạy tản mác khắp nơi. Họ cũng phải di chuyển ra khỏi bãi đáp vì lúc đó pháo binh Jordan bắt đầu pháo kích lên bãi đáp trực thăng.
        Đến tối, các phi công trực thăng đã bay nhiều phi vụ đổ quân trong vùng phụ cận làng Kamadeh và tải thương. Phiá Do Thái tổn thất nhiều hơn dự trù, 30 binh sĩ tử trận và 90 bị thương. Đám khủng bố bị kẹt trong làng, kháng cự rất mãnh liệt. Binh sĩ Do Thái được lệnh lùng bắt cho được tay trùm khủng bố Yasser Arafat, một kỹ sư bí mật chưa được biết nhiều trên thế giới. Trong tháng Bẩy năm 1967, Arafat lập bộ chỉ huy ở Nablus và thường qua Syria nhận chỉ thị, sau đó dời bộ chỉ huy đến Karameh tổ chức việc khủng bố.
        Quân Nhẩy Dù, bộ binh, thiết kỵ Do Thái phá hủy làng Karameh, loại khỏi vòng chiến các hoạt động của nhóm khủng bố El Fatah trong vùng thung lũng sông Jordan. Tuy nhiên họ đã thất bại trong việc “tóm cổ” trùm khủng bố Yasser Arafat.

        Sáu tháng sau hành quân Hỏa Ngục, phi đoàn Thanh Kiếm Ngược thay loại trực thăng mới Bell 205, gọn gàng, có thể chở 10 quân nhân trang bị đầy đủ hoặc một tấn đồ tiếp vận. Loại trực thăng này xử dụng phản lực bay nhanh hơn, dễ bay lượn hơn loại cũ Sikorsky.
        Buổi sáng ngày 1 tháng Mười Hai năm 1968, phi đoàn được lệnh chuẩn bị tám trực thăng để hành quân đêm. Một đoàn quân xa chở đồ tiếp vận, bảo trì đã sẵn sàng đi Biển Chết (Dead sea). Quân khủng bố đã bắt đầu tấn công trở lại bằng hỏa tiễn Katyusha do Nga Sô chế tạo vào những mục tiêu gần biên giới, nơi chúng dễ ẩn trốn. Đêm hôm trước chúng bắn hỏa tiễn vào mấy nhà máy phân bón ở Sodom. Hành quân Sắt Thép (Iron operation) như một thông điệp đến cho Vua Hussein rằng dân Jordan cũng phải chịu cảnh lầm than, nếu nhà vua không từ bỏ dung dưỡng quân khủng bố.
        Phi đội trưởng phi đội trực thăng được lệnh vào họp hành quân ngay trong bộ chỉ huy lữ đoàn Dù, ông ta khen kế hoạch hành quân được soạn thảo nhanh chóng, và có 12 tiếng đồng hồ để chuẩn bị. Mục tiêu chính là con đường từ Amman đi Aqaba chạy song song với đường rầy xe lửa. Đơn vị hành quân được lệnh phá hủy tất cả mọi chướng ngại vật trong hẻm núi nằm nơi hướng đông những nhà máy phân bón của Do Thái, do đó họ cần đem theo toán chuyên viên bảo trì cùng với bom “Sprinkler” trên những xe vận tải hướng về Biển Chết (Dead sea). Toán chuyên viên kỹ thuật đã nhận được lệnh gắn những quả bom này dưới bụng trực thăng trông như thùng xăng phụ.
        Ba trực thăng chở quân Dù đáp xuống trên đường Dimona-Sodom để nhận lệnh cùng với không ảnh. Trong bộ chỉ huy tiền phương ở Sodem, các sĩ quan cao cấp họp tham mưu, nghiên cứu lại kế hoạch. Đúng 7 giờ tối trực thăng đưa quân Dù vào vị trí nơi cây cầu, lục xoát và làm thành phần an ninh, bảo vệ không cho bất cứ xe cộ nào của Jordan đi vào vùng hành quân. Ba chiếc trực thăng khác chở bom “Sprinkler” dự trù theo sau khoảng 15 phút. Sĩ quan công binh đã đi theo binh sĩ Dù vào trước đánh dấu yếu điểm trên cầu để đặt bom.
        Bỗng đơn vị Dù vào trước báo cáo về đừng đem bom vào vội. Lập tưcù hai trực thăng võ trang bay vào bắn đại liên vào bánh xe để cho xe cộ Jordan không vào được khu vực, lính Do Thái có lệnh không được giết hại thường dân. Sau đó trực thăng mới đem bom “Sprinkler” vào đặt trên cầu cho tay súng thiện xạ bắn nổ tung qủa bom làm xập cây cầu.
    
        Gần hai năm sau, Vua Hussein cảm thấy sự hiện diện của quân khủng bố là một mối đe dọa cho nền an ninh quốc gia. Ông ta ra lệnh cho quân đội tiêu diệt các căn cứ điạ của họ. Trong khi đó, quân khủng bố mở một mặt trận mới bên Âu châu. Ngày 23 tháng Bẩy năm 1968, ba tên không tặc lên chiếc máy bay của công ty hàng không Do Thái El Al ở Rome, cướp chiếc phi cơ, ép buộc phi công bay đi Algiers. Phi hành đoàn cùng hành khách bị bắt làm con tin. Bộ trưởng quốc phòng Moshe Dayan chịu thua phải trả tự do cho 12 tên khủng bố đồng bọn đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Do Thái. Tổ Chức Giải Phóng Palestine (PLO) đã thành công trong phương thức đấu tranh khác. Năm tháng sau, hai tên khủng bố từ Beirut qua Athens để phá hủy một chuyến bay của El Al chở đầy hành khách cất cánh đi New York. Họ đến phi trường ngày 26 tháng Mười Hai năm 1968,ø tấn công bằng tiểu liên, lựu đạn khi chiếc máy bay đang cất cánh. Sau khi bị vố thứ nhất, Do Thái đã đề phòng cho nhân viên an ninh đi theo bảo vệ máy bay, kết qủa chỉ có một kỹ sư bị trúng đạn chết, Do Thái bắt sống được cả hai tên khủng bố.
        Đó là những “cú” đầu tiên trong một loạt đánh cướp, tấn công máy bay do Mặt Trận Nhân Dân Giải Phóng Palestine (PFLP), một nhánh quá khích trong tổ chức PLO làm cả thế giới kinh hoàng, nhất là ngành hàng không.
        Sau khi bị Vua Hussein đuổi ra khỏi Jordan (Tháng Chín Đen – Black September), quân khủng bố di chuyển qua Beirut thiết lập căn cứ. Một ngày sau vụ tấn công phi cơ hãng hàng không El Al trong phi trường Athens, bộ chỉ huy tổng quát quân lực Do Thái soạn thảo kế hoạch tấn công trả đũa các phi cơ hành khách thuộc các quốc gia Ả Rập trong phi trường Beirut. Kế hoạch hành quân được đặt tên là “Quà Tặng – Gift”, tuy nhiên thủ tướng Levi Eshkol giới hạn chỉ phá ba hoặc bốn phi cơ hành khách của công ty hàng không Middle East Airlines của Lebanon và không được đụng tới thường dân cũng như phi cơ của các công ty hàng không ngoại quốc. Raful Eitan, tư lệnh đơn vị Dù được lệnh chỉ huy cuộc hành quân.
        Đơn vị hành quân ra đi tối thứ Bẩy ngày 26 tháng Mười Hai, hai hôm sau vụ khủng bố tấn công phi trường ở Athens. Ba cánh quân biệt kích dù cùng với ban chỉ huy trận tấn công được trực thăng Super Frelon dưới quyền Chaim Naveh đưa đến mục tiêu. Loại trực thăng Super Frelon lớn hơn loại Bell được xử dụng để tấn công vào những mục tiêu nằm sâu trong đất địch, sau này được thay thế bằng CH-53. Hai trực thăng Bell 205 bay trước đem theo Naveh cùng các sĩ quan Dù kể cả Raful. Sau khi thả ban chỉ huy đơn vị tấn công xuống một khu vực gần cổng ra máy bay trong phi trường Beirut, một trực thăng được lệnh bay về Do Thái, chiếc còn lại do Naveh lái bay bao vùng trên xa lộ vào phi trường. Nhiệm vụ ngăn không cho thướng dân vào trong phi trường, ngã ra vẫn để trống cho thường dân chạy ra.
        Trận đột kích được dự trù kéo dài khoảng 30, 40 phút. Chiếc trực thăng chỉ huy có một tiếng đồng hồ để bay, chiếc này võ trang thêm đại liên, dầu nhớt và những thùng đinh để rải trên xa lộ làm cho xe chở thường dân không chạy được vào trong phi trường. Trên tần số làm việc, Naveh nghe được những lời báo cáo cuối cùng.
-           Gia đình Uzi đã sẵn sàng cho nổ...
-           Gia đình HaNegbi đã sẵn sàng cho nổ...
-           Gia đình Digli đã sẵn sàng cho nổ...
-           Nổ đi!    Raful ra lệnh cho các toán xung kích hành động.

        Từ trên trực thăng, Naveh trông thấy các binh sĩ biệt kích dù triệt thoái ra chỗ tập trung để trực thăng bốc về sau khi đã kích hỏa các bánh chất nổ. Bốn chiếc máy bay của công ty hàng không Middle East nổ tung lên. Tướng Ezer Weizman, cựu tư lệnh không quân, lúc đó là trưởng phòng hành quân trong bộ tư lệnh quân lực Do Thái lên máy ra lệnh cho Naveh báo cáo kết quả, sau đó ra lệnh “Thế là đủ! Tôi không muốn cho nổ thêm một chiếc nào nữa”
        Từng chiếc Super Frelon đang đậu ở một vị trí bí mật nằm chơ,ø được lệnh bay vào bốc từng toán một. Sau khi bốc được hai toán, bỗng một xe bọc sắt quân đội Libanon tiến vào chỗ các binh sĩ biệt kích dù đang bố trí đợi trực thăng. Naveh từ trên cao trông thấy trước, bay tới ra lệnh cho người xạ thủ tác xạ vào chiếc xe bọc sắt ngăn cản, sau đó ra lệnh các trực thăng Super Frelon tiếp tục vào bốc quân biệt kích dù. Chiếc cuối cùng Bell 205 đáp xuống đón ban chỉ huy đơn vị tấn công cùng Raful, sau đó đoàn quân bay về lại Do Thái.

        Ba tuần lễ sau trận chiến Sáu Ngày, chiến trường nơi biên giới Ai Cập lại bùng nổ. Một đơn vị biệt kích Ai Cập, vượt kênh đào Suez qua phần đất Do Thái chiếm đóng. Đơn vị này bị đẩy lui sau một ngày chiến đấu. Không lực Do Thái bắn hạ thêm một MIG-21 trong một trận không chiến. Không đầy hai tuần sau, ngày 11 tháng Bẩy năm 1967 hai tầu phóng thủy lôi Ai Cập bị bắn chìm gần hải cảng Port Said. Ba tháng sau, quân Ai Cập phục hận, ngày 21 tháng Mười, dùng hỏa tiễn đánh chìm chiến hạm Eilat của hải quân Do Thái trong lúc đang tuần tiểu ban đêm. Các phi cơ Nord bay bao vùng thả hỏa châu, xuồng cao su cấp cứu. Trực thăng Sikorsky 58 trong phi đoàn Thanh Kiếm Ngược vớt được 135 thủy thủ, trực thăng Super Frelon kéo lên thêm 50 thủy thủ khác.
        Gần một năm sau, trận pháo kích đầu tiên của Ai Cập bắt đầu từ tháng Chín năm 1968 và ngày 26 tháng Mười, 10 binh sĩ Do Thái tử trận, 18 quân nhân khác bị thương. Tiếp theo sau lễ “Black Sabbath”, pháo binh Ai Cập nhắm pháo binh vào sân đá banh trong lúc binh sĩ Do Thái đang chơi banh giết hại 15 binh sĩ. Đội quân vừa mới chiến thắng thần tốc lúc đó phải nằm sâu dưới hầm, họ đào hầm xây dựng một phòng tuyến gọi là phòng tuyến Bar Lev (Chaim Bar Lev sau này lên làm Tổng Tham Mưu Trưởng quân lực Do Thái)
        Bộ tư lệnh quân lực Do Thái quyết định mở trận đột kích, phá hoại những mục tiêu chiến lược của Ai Cập trong vùng thung lũng sông Nile. Điều này làm cho địch phải đưa quân về giữ những vị trí chiến lược nằm sâu trong đất Ai Cập. Tình báo Do Thái đưa ra ba mục tiêu trong khu vực thượng lưu giữa thủ đô Cairo và Aswan, bao gồm đập nước ở Nag Hamadi, cây cầu bắc qua sông Nile ở Qena. Đập nước Nag Hamadi cung cấp năng lượng chạy nhà máy điện cho Cairo và vùng phụ cận, ngoài ra còn kiểm soát hệ thống dẫn thủy nhập điền. Chiếc cầu bắc qua sông Nile dài 700 thước được coi như một công trình đứng thứ hai ở Ai Cập chỉ thua đập Aswan. Tình báo Do Thái cũng cho biết độ dầy của chiếc cầu cũng như lớp bê tông của đập nước cho sĩ quan công binh có thể ước tính số lượng chất nổ cần thiết để phá hủy hai công trình xây cất.
        Đơn vị biệt kích Dù được trao cho nhiệm vụ đột kích, Matan Vilnai có năm ngày để soạn thảo hành quân Shock (Chấn Động) và ngày tấn công là 31 tháng Mười. Bộ tư lệnh dự trù cho quân biệt kích nhẩy dù xuống tấn công mục tiêu, sau đó trực thăng sẽ xuống đón về Do Thái. Matan trình bầy, đó là điều nguy hiểm nếu phải nhẩy dù xuống mục tiêu nằm sâu trong đất địch, đơn vị biệt kích dù không hy vọng có ngày về. Matal xin trực thăng cho cả hai chuyến. Trong không lực Do Thái lúc đó chỉ có loại trực thăng Super Frelon mới đủ khả năng bay đoạn đường xa đưa quân biệt kích dù đi tấn công.
        Vào giữa trưa, đoàn trực thăng bay đến phi trường Ofir của Do Thái trong bán đảo Sinai làm tuyến xuất phát. Bộ trưởng quốc phòng Moshe Dayan, tổng tham mưu trưởng Chaim Bar Lev cùng với tướng Ezer Weizman có mặt để tiễn đưa đoàn quân ra đi. Sự hiện diện của các nhân vật cao cấp trong quân đội làm tăng vẻ nghiêm trọng. Bữa cơm tối diễn ra trong im lặng, binh sĩ biệt kích dù có cảm tưởng họ đang dùng bữa cơm cuối cùng trước khi lao đầu vào chỗ chết. Trong kế hoạch, chuyến bay đi về mất ba tiếng đồng hồ và đơn vị đột kích có 90 phút để hoàn thành nhiệm vụ phá cây cầu và đập nước Aswan.
        Khi trời bắt đầu tối, đoàn quân bay đi, Đoàn trực thăng chở Matan cùng quân biệt kích dù bay trước, trực thăng chở bom “Sprinkler” cất cánh sau ít phút. Chiếc trực thăng do Zevik lái đáp xuống đầu tiên, Matan cùng các binh sĩ trong toán nhẩy ra. Cách nơi bãi đáp không xa, họ có thể nhìn thấy ánh lửa trại của người Bedouin. Matan dùng đèn pin ra hiệu cho phi công trực thăng Shaul đáp xuống thả toán biệt kích thứ hai.
        Lính biệt kích chạy lại trạm kiểm soát đập nước, kéo theo “xe bò” chở chất nổ. Đoạn đường xa, gió sa mạc làm họ đã trễ 15 phút. Matan đứng trên vai một binh sĩ, leo lên cột thang giây vào bức tường hàng rào, chàng trông thấy một binh sĩ Ai Cập đang ngồi canh gác ở dưới. Matan bắt buộc phải giết người lính gác, chàng nhẩy xuống qua phiá bên kia bức tường. Người lính gác lên tiếng “Min hada?” (Ai đó?), Matan trả lời “Ta’al hone” (lại đây). Giọng nói làm người lính gác nghi ngờ, lên đạn khẩu súng. Matan bóp cò súng nhưng không trúng, tên lính gác Ai Cập bỏ chạy vừa la lớn báo động.
        Lính biệt kích dù Do Thái xông vào bên trong bắn chết bốn tên bằng tiểu liên Uzi, sau đó gài chất nổ. Cùng lúc đó, Chaim và Nehemiah chở bom “Sprinkler” đến mục tiêu. Sĩ quan công binh tìm chỗ đặt quả bom để có thể gây thiệt hại nặng nhất cho đập nước. Đúng mười giờ đêm, hai tiếng nổ lớn phá xập cầu và đập nước Aswan. Vài phút sau, trực thăng quay trở lại đưa quân biệt kích dù về, không một tổn thất nào về phiá Do Thái.

        Ngày 10 tháng Bẩy, biệt kích Ai Cập tấn công một trại binh thiết giáp Do Thái gần cửa ngõ vào kênh đào Suez nơi hướng nam ngay bến cảng Port Taufix. Sáu binh sĩ Do Thái bị giết, một bị thương và bị bắt sống đem đi. Vài hôm sau, Ai Cập trả lại xác của người lính thiết giáp. Trận đột kích này được pháo binh Ai Cập bắn yểm trợ. Tổng kết những tấn công vừa qua, phiá Do Thái có 31 binh sĩ bị giết, 81 bị thương. Bộ tư lệnh quân lực Do Thái cho phép tấn công trả đũa trên đảo Green Island, vố đầu tiên trong hành quân “Boxer” mà sẽ bắt đầu từ ngày 20 tháng Bẩy.
        Hôm đó cũng là ngày nhân loại đi bước đầu tiên trên mặt trăng, một đơn vị đặc biệt gồm biệt hải, và biệt kích quân đổ bộ lên đảo Green Island gần thành phố Suez. Đơn vị đặc nhiệm Do Thái phá hủy đài radar của Ai Cập. Đúng 14:00 giờ chiều, các phi tuần phản lực tấn công các căn cứ quân sự bên bờ hướng tây kênh đào Suez. Đủ mọi loại phi cơ của Do Thái được xử dụng trong trận oanh kích này: Mystère, Super Mystère, Vautour và loại A4-E Skyhawk mới mua của Hoa Kỳ. Các phi tuần oanh kích được phản lực cơ Mirage bảo vệ. Trận oanh kích kéo dài ba tiếng đồng hồ, 171 phi vụ. Không quân Ai Cập không lên ngăn cản, chỉ có đại bác phòng không bắn lên. Một phi cơ Do Thái bị trúng đạn cố gắng bay trở về căn cứ, nhưng được lệnh nhẩy dù ra bỏ rơi chiếc máy bay trong sa mạc Sinai. Đến buổi tối, 200 tấn bom kể cả bom Napalm dội xuống các căn cứ quân sự của Ai Cập gồm có hai vị trí hỏa tiễn SA-2, các ổ súng phòng không, căn cứ pháo binh và thiết giáp. Trận oanh kích tấn công kênh đào dẫn nước ngọt từ sông Nile vào cho quân đội Ai Cập gây khó khăn về nguồn cung cấp nước cho các đơn vị Ai Cập đóng quân trong vùng kênh đào Suez.
        Đến buổi chiều, quân đội Ai Cập lấy lại được tinh thần, các phản lực cơ MIG bay qua oanh kích trả đũa, đụng phải các phi tuần Mirage bao vùng bắn rơi năm chiếc, Do Thái bị rớt một chiếc, viên phi công nhẩy dù xuống sa mạc Sinai.
        Hành quân “Boxer” kéo dài đến ngày 28 tháng Bẩy. Không lực Do Thái bay khoảng 500 phi vụ, thêm một tá trận không chiến. Trong những mục tiêu oanh kích có 6 dàn hỏa tiễn và 5 đài radar. Kênh đào dẫn nước ngọt bị tấn công hai lần, khoảng 300 quân Ai Cập bị chết, thêm 10 phản lực cơ MIG bị bắn hạ trong các trận không chiến.
        Trong tháng Tám, không lực Do Thái xử dụng phần lớn phản lực cơ A4-E Skyhawk tấn công bộ binh Ai Cập, các căn cứ quân sự dọc theo kênh đào Suez, nơi tập trung chiến xa, pháo binh và các kho vũ khí đạn dược. Các trận oanh kích gây kinh hoàng thường dân Ai Cập sống trong vùng, họ phải tản cư về sống trong vùng thủ đô Cairo để được bảo đảm sinh mạng, làm xáo trộn nếp sống sinh hoạt trong thủ đô, vốn đã đông dân cư.
        Ngày 9 tháng Chín, không lực Do Thái bay yểm trợ hành quân “Drizzlei”, phối hợp giữa hải quân và thiết kỵ, tấn công bờ biển phiá tây vịnh Suez. Đơn vị thiết giáp xử dụng chiến xa, thiết vận xa tịch thu được của Ai Cập trong trận chiến Sáu Ngày để đánh lừa địch quân. Trong ngày đầu, Do Thái tiến quân dễ dàng 50 cây số dọc theo bờ biển giữa Ras Zaafrana và Abu Darag, thanh toán các tiền đồn, vọng gác, trại lính, đài radar và nhiều xe cộ của Ai Cập. Một trăm năm mươi quân nhân Ai Cập bị giết, trong đó có một Thiếu Tướng và một cố vấn Nga Sô cấp bậc Chuẩn Tướng.
        Hai ngày sau, không quân Ai Cập đưa 16 phản lực cơ MIG, Sohoi lên nghênh chiến, oanh kích đơn vị thiết giáp Do Thái. Kết quả 8 chiếc MIG bị bắn rơi, 3 Suhoi bị trúng hỏa tiễn Hawk và đạn súng phòng không. Một phi cơ Mirage do Giora Rom, người hùng bắn rơi nhiều phi cơ Ai Cập trong trận chiến Sáu Ngày bị bắn rớt và bị bắt sống.
        Trận không tập dữ dội nhất của Do Thái xẩy ra khoảng hai tháng sau, khi một máy bay tuần tiễu bị hỏa tiễn điạ-không SA-2 bắn rơi. Một trăm chiến đấu cơ Do Thái cất cánh oanh kích 8 vị trí đặt hỏa tiễn ở Abu Suweir, giữa Islamia và Cairo. Trận oanh kích kéo dài tám tiếng đồng hồ, thả 240 tấn bom. Ai Cập bắn lên ít nhất 24 hỏa tiễn nhưng chỉ có một phản lực cơ A4-E trúng mảnh hỏa tiễn, tuy nhiên phi công vẫn bay về được căn cứ.
        Tuần lễ cuối cùng trong tháng Chín, đêm giao thừa Rosh Hashanah tết của người Do Thái, bốn chiếc Phantom F4E đầu tiên cất cánh từ Hoa Kỳ đến Do Thái. Loại phản lực cơ này tối tân nhất vào thời đó, trên chân rõ ràng loại MIG-21 do Nga Sô chế tạo. Trước đó phi cơ A4-E Skyhawk được coi như “cách mạng” trong không lực Do Thái, phản lực cơ Phantom F4-E kể như “cách mạng” của thế kỷ.
        Trong trận Đệ Nhị Thế Chiến, khi hệ thống báo động, radar vẫn còn trong giai đoạn phát triển, 115 biệt kích Ăng Lê đột kích một dàn radar của Đức đặt bên bờ biển La Manche Canal vào tháng Hai năm 1942 và đem dàn radar về nước Anh. Quân lực Do Thái dựa vào chuyện này tổ chức hành quân “Rooster 53” ngày 24 tháng Mười Hai năm 1969. Tình báo Do Thái ước lượng dàn radar của Ai Cập nặng khoảng bẩy tấn, chỉ có loại trực thăng Sikorsky CH-53 (trên chiến trường Việt Nam tên nickname là Green Jolly) mới đủ khả năng chuyên chở qua kênh đào Suez về Do Thái.
        David Ivri, trưởng phòng hành quân trong bộ tư lệnh đã có trên bàn giấy bản báo cáo của phòng nhì về đài radar Ai Cập. Hứng thú, Ivri đã nghĩ ra kế hoạch sơ khởi cho trận đột kích. Một đơn vị biệt kích dù sẽ được trực thăng Super Frelon đưa đến mục tiêu đài radar. Họ sẽ phải làm chủ tình hình, xem xét đài radar, nếu có thể đem cả dàn về, trực thăng CH-53 sẽ được điều động vào đem về. Nếu không, sẽ tháo những cơ phận quan trọng đem về Do Thái. Tướng Moti Hod tư lệnh không quân, Chaim Bar Lev tổng tham mưu trưởng quân lực đều chấp thuận và ra lệnh ban tham mưu không trợ làm việc với vị tư lệnh đơn vị Nhẩy Dù Raful.
        Nehemiah Dagan, chỉ huy trưởng phi đoàn trực thăng CH-53 báo cáo, loại này có thể chở một cân nặng từ ba đến bốn tấn. Như vậy phải cần hai chiếc, một chiếc chở máy móc, chiếc khác chở dàn antena. Để chuẩn bị cho cuộc hành quân, các trực thăng CH-53 phải thực tập chuyên chở dàn radar P-10 tịch thu được của Ai Cập trong trận chiến Sáu Ngày. Quân biệt kích dù đã tập dợt, chuẩn bị xong hôm 26 tháng Mười Hai.
        Theo kế hoạch, chiến đấu cơ Do Thái sẽ oanh kích một căn cứ Ai Cập gần dàn radar để đánh lạc hướng địch quân. Trước buổi trưa, lệnh hành quân được ban ra, các đơn vị tham dự hành quân sẽ di chuyển đến phi trường Ofir lúc mười giờ đêm thứ Sáu, rồi từ đó ra căn cứ hành quân tiền phương bên bờ kênh đào Suez, đối diện với Ras A’rab. Đúng 9 giờ tối, các phi tuần phản lực Do Thái cất cánh đi oanh kích để đánh nghi binh cho toán quân biệt kích.
        Tiếng động cơ của ba trực thăng Super Frelon chở quân biệt kích được tiếng gầm thét của phản lực A4-E thêm tiếng bom nổ che dấu. Chuyến hành quân này, binh sĩ biệt kích dù phải mang thêm nhiều thứ dụng cụ, “đồ nghề” nặng nề hơn những lần trước, ngoài dự đoán của các sĩ quan soạn thảo kế hoạch hành quân.
        Một toán biệt kích 15 người dưới quyền Hod án ngữ chặn đường tiếp viện của địch. Một toán khác 12 người lãnh nhiệm vụ thanh toán đám lính Ai Cập canh gác đài radar. Ba toán chuyên viên cơ khí không quân dưới quyền Nehemiah làm nhiệm vụ “Mechanic – Cơ Khí”, tháo gỡ dàn radar chất lên trực thăng.
        Ai Cập bị thêm một vố bất ngờ, đám lính canh gác ít hơn, chỉ có mười mạng. Do Thái bắn chết mấy người và bắt sống số còn lại. Việc tháo gỡ dàn radar mất hơn một tiếng đồng hồ, họ không đem đủ dụng cụ, hoặc không vừa, cuối cùng phải dùng tới dụng cụ hàn, cưa. Khi xong việc gọi hai chiếc CH-53 đến, chất “hàng” lên bay về căn cứ. “Mượn đỡ” món hàng của Ai Cập, các binh sĩ biệt kích dù reo mừng, nhẩy múa. Trong căn cứ hành quân tiền phương, mọi người cũng vui mừng, tí nữa quên ra lệnh cho mấy chiếc Super Frelon bay đi đem “phe ta” về căn cứ.
        Chuyện “Mượn đỡ” dàn radar được báo chí bên Âu châu thổi phồng lên. Một tờ báo Tây Đức vẽ bức ảnh trực thăng Do Thái vào đất Ai Cập đánh cắp dinh Tổng Thống trong thủ đô Cairo. Tờ Sunday Times ở London vẽ bức tranh, trực thăng Do Thái đang câu một Kim Tự Tháp của Ai Cập. Sau này, báo chí Hoa Kỳ đăng tin, đài radar đã được chuyên viên Hoa Kỳ xem xét, nghiên cứu như phản lực cơ MIG, hỏa tiễn điạ không SA-2 tịch thu được của Ai Cập trong trận chiến Sáu Ngày.
        Năm 1969, chủ nghĩa quá khích gia tăng cường độ trong khối Ả Rập. Đứng đầu bảng phong thần chống lại người tây phương là Muammar Khaddafi, một lãnh tụ mới ở Lybia. Giới lãnh đạo Hoa Kỳ vẫn cho rằng Gamal Abdel Nasser là người xúi dục các quốc gia trong khối Ả Rập tạo sự bất an trong vùng Trung Đông. Tuy nhiên Hoa Kỳ tiên đoán sai lầm về việc Nga Sô càng ngày càng ảnh hưởng lên Ai Cập.
        Không lực Do Thái tiếp tục mở những trận oanh kích các căn cứ quân sự của Ai Cập. Họ mong rằng điều này sẽ tạo ra thế mất quân bình, ngăn ngừa Ai Cập chuẩn bị cho một trận chiến mới. Moti Hod, tư lệnh không quân trong trận chiến Sáu Ngày, tin rằng các trận không tập sẽ làm nản lòng dân Ai Cập. Tướng Hod phát biểu “Chúng tôi sẽ đưa các bạn đến một điểm mà các bạn sẽ không thể nào sống được nơi quốc gia của các bạn, nếu các bạn còn muốn chiến tranh”.
        Ngày 7 tháng Giêng năm 1970, một loạt hành quân dưới mật hiệu “Blossom” bắt đầu. Những phi công thượng hạng trong không lực Do Thái dẫn đầu bốn chiếc Phantom bay đi tấn công những mục tiêu sâu trong đất Ai Cập. Một cặp Phantom tấn công căn cứ huấn luyện chuyên viên điều hành hỏa tiễn SA-2 và những nhà kho lớn ở Dahshour, hướng tây nam, căn cứ biệt kích của Ai Cập ở Inshas, không xa nhà máy nguyên tử năng và khu vực kỹ nghệ ở Halwan. Aviem không thể nào quên được sức tàn phá của quả bom làm biến mất trung tâm hành quân biệt kích trên mặt đất. Trước giai đoạn Phantom, phải cần nhiều phi vụ mới đánh xong mục tiêu. Bốn chiếc Phantom thả xuống 20 tấn bom được computer hướng dẫn rơi xuống mục tiêu chính xác.
        Trong vòng bốn tháng kế tiếp, các trận oanh kích của Do Thái xẩy ra hàng tuần. Mỗi lần tấn công, không quân chọn ngày giờ khác nhau làm cho quân thù không đoán ra. Không quân Ai Cập cảm thấy bị mất mặt, tổn thương danh dự. Phi công MIG-21 cần hai phút đồng đồ để cất cánh, đủ thời gian cho mấy chiếc Phantom thả bom rồi biến mất. Đôi khi phản lực cơ tối tân nhất của Nga Sô lên kịp, cũng không làm gì được như trận không chiến xẩy ra ngày 9 tháng Hai. Phi công lái Phantom Ehud Hankin bắn rơi một chiếc MIG bằng hỏa tiễn tầm nhiệt Sidewinter. Phi công lái Mirage bắn rơi thêm một chiếc MIG khác. Trận không chiến cho thấy khả năng của Phantom vô giới hạn.
        Trong bốn tháng hành quân “Blossom”, phi đoàn phản lực Phantom thực hiện 118 phi vụ oanh kích và ngăn chặn. Con số này không kể những phi tuần oanh kích hàng ngày các vị trí đóng quân của Ai Cập dọc theo kênh đào Suez. Trong tháng Giêng, phi cơ Phantom thả bom trại lính ở Tel El Kebir, cột khói bốc lên cao có thể nhìn thấy trong thủ đô Cairo. Nhiều mục tiêu trúng bom với đầu nổ chậm vài tiếng đồng hồ làm tăng phần thiệt hại và khủng hoảng cho dân Ai Cập (không biết chừng nào quả bom mới nổ). Trong tháng Hai, các phi tuần Phantom bắt đầu tấn công những dàn hỏa tiễn nằm sâu trong Ai Cập. Trong một trận không tập, phi công Do Thái thả xuống 14 tấn bom tiêu diệt những dàn hỏa tiễn đặt trong Dahshour và Halwan. Ai Cập bắn lên nhiều hỏa tiễn điạ không SA-2 nhưng đều trật mục tiêu. Tổng kết, 24 căn cứ quân sự lớn, 4 đài radar và một tá vị trí đặt hỏa tiễn bị tiêu hủy. Phản lực cơ Phantom chỉ thả bom lầm hai lần rơi vào khu dân cư.
        Chuyện thứ nhất xẩy ra hôm 12 tháng Hai, hệ thống định hướng computer trên một chiếc Phantom bị lệch lạc, thêm vào lỗi không nhận diện được mục tiêu của sĩ quan định hướng. Chiếc máy bay thả bom lầm trúng một nhà máy thép trong Abu Zabel thay vì vị trí pháo binh ở Dahshour, khoảng 70 nhân công bị thiệt mạng và hơn một chục người khác bị thương. Sau khi biết được chuyện xẩy ra, tổng trưởng quốc phòng Do Thái thông báo ngay cho Ai Cập qua trung gian Hồng Thập Tự Quốc Tế rằng bom có gắn đầu nổ chậm lại 24 tiếng đồng hồ để tránh thêm tổn thất cho thường dân Ai Cập. Chuyện thứ hai xẩy ra ba tháng sau, bom rơi vào một trường học gần căn cứ quân sự ở Tzalhiya làm thiệt mạng 47 người. Thủ đô Cairo rúng động, hàng trăm thường dân bị thiệt mạng, bị thương nằm đầy bệnh viện. Hệ thống điện bị hư hại, công việc thường nhật của người dân bị xáo trộn. Bộ tư lệnh quân lực Ai Cập lo âu, xuống tinh thần trong khi phiá Do Thái hài lòng về kết quả loại phi cơ Phantom mang lại, không một chiếc nào bị bắn rơi. Các căn cứ quân sự, trại đóng quân đều bỏ trống phân tán trong sa mạc. Phi cơ Ai Cập phải bay qua Sudan và Libya “tỵ nạn”.

        Vào buổi sáng ngày 22 tháng Giêng, 15 trực thăng Super Frelon thả quân Dù trên đảo Sadouan trong vịnh Suez. Trên đảo này có 60 biệt kích quân Ai Cập bảo vệ đài radar và căn cứ hải quân hoạt động trong vùng biển phiá nam Ai Cập. Đơn vị Dù Do Thái chiếm được hòn đảo sau bẩy tiếng đồng hồ tấn công. Phản lực cơ A4-E Skyhawk yểm trợ bắn chìm hai tầu phóng thủy lôi Ai Cập đến tăng viện từ hải cảng Gardeka. Một tầu chiến khác cũng bị đánh chìm. Hành quân “Rhodes” kéo dài 30 tiếng đồng hồ, 19 binh sĩ Ai Cập và 3 Do Thái tử trận. Quân Do Thái rút đi, đem theo 62 tù binh cùng cơ phận của đài radar.
        Đêm hôm đó, tổng thống Ai Cập bí mật bay qua Moscow. Trước khi đi, trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên tờ Le Monde của Pháp, Nasser thú nhận, không lực Do Thái mạnh gấp ba lần không lực của Ai Cập. Ông ta phải qua Nga cầu viện, để xóa bỏ khoảng cách giữa hai nước về không quân. Không đầy một tháng sau, từng đoàn máy bay vận tải Nga Sô đem chuyên viên, vũ khí tối tân qua Ai Cập. Tình báo Do Thái báo cáo, Nga Sô đem qua nhiều phi đoàn phản lực cùng với chuyên viên kỹ thuật và những dàn hỏa tiễn điạ không. Trong tháng Ba, người Nga vào đóng trong các căn cứ của Ai Cập. Tổng trưởng quốc phòng Moshe Dayan ra lệnh cho không lực Do Thái tránh “đụng độ” trực tiếp với Hồng Quân Nga. Sau đó, Do Thái chú trọng vào việc tận diệt quân khủng bố, đã gia tăng cường độ không tặc, bắt con tin, giết hại thường dân.
        Tướng Moti Hod tư lệnh không quân đề nghị lên tổng tham mưu trưởng quân lực Do Thái, nhân cơ hội có sự hiện diện của người Nga, tấn công một dàn hỏa tiễn gần Cairo. Ông ta muốn cảnh cáo Nga Sô rằng Do Thái không được hài lòng vì sự nhúng tay của người Nga ở Ai Cập và nên ngưng lại.
        Trong khi đó, những phi vụ thám thính, thẩm định kết quả do những trận oanh kích, đem về nhiều tấm không ảnh hấp dẫn. Chuyên viên giải đoán không ảnh cho biết hàng ngàn binh sĩ Ai Cập làm việc với sự chỉ dẫn của các cố vấn Nga, họ mướn kỹ sư đào công sự xây dàn phóng cho hỏa tiễn SA-3 tối tân hơn loại SA-2, có thể bắn rơi những phi cơ bay dưới cao độ thấp hoặc trung bình.
        Ngoài ra Nga Sô còn cung cấp thêm hoả tiễn SA-6 di động gắn trên xe. Trong những ngày sắp tới Do Thái sẽ được biết một hệ thống phòng không dầy đặc, phức tạp được thiết lập bên kia bờ kênh Suez. Hệ thống phòng không mới của Ai Cập được Nga Sô cố vấn, yểm trợ sẽ ngăn cản phi cơ Do Thái xâm phạm không phận Ai Cập và đe doạ luôn vùng Sinai.
        Ngày 30 tháng Sáu năm 1970, hai phản lực cơ Phantom bị bắn rơi trên đất Ai Cập. Ehud Hankin đang bay một phi vụ oanh kích đài radar Jordan ở Ajaloun để theo dõi không phận Do Thái. Chiếc Phantom bị trúng đạn cao xạ phòng không, Hankin cùng viên sĩ quan định hướng nhẩy dù xuống Nablus trong khu vực West Bank. Hai tháng sau, Hankin phục hận bắn rơi một chiếc MIG.
        Trong phi đoàn, chiếc Phantom bị bắn rơi ở Jordan được coi như tai nạn, chuyện xui xẻo, trúng đạn phòng không. Hai chiếc Phantom khác bị hỏa tiễn bắn rơi trong vùng bình nguyên Ai Cập, hai phi công, một sĩ quan định hướng bị bắt sống là một bài học cho không lực Do Thái. Với hệ thống phòng không mới của Ai Cập, Phantom không còn được an toàn nữa.
        Trong tháng Bẩy, tháng cuối cùng của trận không tập, nhiều phản lực cơ Phantom bị bắn hạ. Số tổn thất về phi công, sĩ quan định hướng tài ba trong không lực làm bộ tư lệnh quân lực Do Thái sửng sốt cũng như trong giới chính khách và tinh thần dân chúng xuống thấp. Sĩ quan định hướng Uri Talmor cất cánh hôm 30 tháng Sáu, một trong phi tuần bốn chiếc Phantom bay đi tấn công một vị trí hỏa tiễn SA-2. Vị trí này có tấm bia đánh dấu “101 Kilometer” trên con đường Suez đi Cairo. Ba năm rưỡi sau, chỗ này cũng là nơi gặp gỡ giữa các đại diện hai quốc gia để thương lượng chuyện ngưng bắn sau trận chiến Yom Kippur.
        Talmor trông thấy hỏa tiễn SA-3 bay lên đội hình phi cơ Do Thái, vội la lên báo động cho đồng đội “Break – bay tránh đi”. Các phi công trong phi đội đổi hướng ngay tức khắc tránh được. Sau khi thả bom vị trí hỏa tiễn, họ bay về căn cứ bình an. Vài phút sau, Talmor được biết, một phi tuần Phantom khác do hai phi công Rami Harpaz và Yitzhak lái bị bắn rơi.
        Mảnh hỏa tiễn sau khi phát nổ làm thủng lỗ chiếc máy bay do Yitzhak lái cùng với sĩ quan định hướng David. Lửa bốc ra từ động cơ bên phải, khói tràn đầy buồng lái. Cả hai phải xử dụng ống dưỡng khí. Yitzhak tắt động cơ bên phải, cố gắng lái chiếc máy bay bằng động cơ còn lại. Chiếc máy bay lại bị trúng thêm đạn phòng không, các đồng hồ, máy móc điện tử trong buồng lái hết hoạt động, Yitzhak không còn điều khiển chiếc máy bay được nữa, chàng ra lệnh cho David nhẩy dù ra. David nhẩy ra giữa những tiếng nổ của đạn đại bác phòng không trông như những cây nấm nở ra trong không gian. David trông thấy một hỏa tiễn SA-2 bay ngang qua, chiếc Phantom đâm xuống đất. Chàng không trông thấy viên phi công Yitzhak, nhưng nghe tiếng anh ta trên tần số khẩn cấp liên lạc với trực thăng cấp cứu. Yitzhak báo cáo lính Ai Cập đang tiến lên chỗ anh ta vừa nhẩy dù xuống. David biết số phận dành cho người bạn cũng là viên phi công trưởng, chàng tháo dây dù cho gió cuốn đi, rơi xuống một đụn cát và dùng cát che lấp thân thể đi.
        Đến buổi tối, quân Ai Cập không thèm xem xét mấy chiếc Phantom bị bắn rơi. Họ vui sướng bắt sống được hai phi công Pear, Harpaz và sĩ quan định hướng Achikar Eyal. Quân Ai Cập cũng không thèm đi lùng bắt viên sĩ quan thứ tư (?). David tiếp tục gửi đi những tín hiệu cấp cứu và được Nehemia Dagan trên trực thăng cấp cứu nhận được. Nehemia bay ngang qua kênh đào Suez vẫn không tìm ra vị trí của David. Viên phi công phụ Tron bật đèn lái lên giữa lòng Ai Cập để cho David trông thấy.
        “Chín mươi độ về phiá bên phải”. David vừa gọi chiếc trực thăng, cởi áo lót bên trong ra vẫy qua vẫy lại làm dấu. Vài giây sau, chiếc trực thăng đáp xuống như chớp bốc David lên, sau đó bay qua lại theo hình chữ Chi để tránh đạn phòng không bắn theo. Họ bay trở về căn cứ, trao lại David cho mẹ và vợ của chàng ta. Vợ David lúc đó đang có bầu tám tháng.
        Hai đội hình Phantom bay đi tấn công một dàn hỏa tiễn điạ không. Shmuel một phi đoàn trưởng tương đối trẻ chỉ huy trận oanh kích. Avihu Ben Nun chỉ huy phi tuần thứ hai. Quân Ai Cập phóng hỏa tiễn lên không trúng phi cơ nhưng sau đó các phi cơ Do Thái phải bay ngang qua một màn lưới đạn đại bác phòng không. Khi Shmuel lao xuống thả bom, phi cơ trúng đạn phòng không, có lẽ miểng trúng phi công. Lập tức Shmuel bẻ lái qua hướng đông bay về Do Thái. Vài phút sau, chàng không thể điều khiển chiếc phi cơ được nữa bèn ra lệnh cho viên sĩ quan định hướng nhẩy dù ra. Menachem đáp xuống gần Ismalia, quân Ai Cập tìm được Menachem lúc đó nằm bất tỉnh, bị gẫy xương ở nhiều chỗ. Shmuel người sĩ quan phi đoàn trưởng không muốn bị bắt sống, tiếp tục bay. Chiếc phi cơ mất thăng bằng đâm xuống đất bốc cháy như một qủa cầu lửa. 
        Phi công lái Phantom trong phi tuần dưới quyền Avihu thả bom trúng ngay mục tiêu, phá hủy dàn phóng hỏa tiễn. Phi cơ cũng bị trúng đạn phòng không, chàng bay về hướng Sinai thả hết những qủa bom còn lại để dễ bay về căn cứ. Khi bay ngang qua kênh đào Suez, viên sĩ quan định hướng nói với Avihu.
-           Mình có thể nhẩy dù ra.
-           Tại sao! Mình vẫn còn bay được mà.

        Trong thâm tâm Avihu không muốn bỏ chiếc máy bay, định lết về đến căn cứ không quân tiền phương của Do Thái ở Refidim và chàng đã thành công. Trận tấn công dàn hỏa tiễn vừa qua, không lực Do Thái mất đi một sĩ quan ưu tú Shmuel.
        Bạn của Shmuel là Ran Ronen, cựu chỉ huy trưởng phi đoàn huấn luyện được đích thân tướng Moti Hod trao cho nhiệm vụ mới phi đoàn trưởng phi đoàn phản lực cơ Phantom. Ngày Chủ Nhật 19 tháng Bẩy, Ronen chính thức lên nhận chức vụ, hôm đó cũng là ngày sinh nhật thứ 34 của chàng. Tất cả mọi phi công, quân nhân trong phi đoàn tập họp trước mặt vị phi đoàn trưởng mới. Mọi người vẫn trong quân phục làm việc, mệt mỏi với đôi mắt đỏ vì thiếu ngủ, vì thương tiếc vị phi đoàn trưởng cũ. Ronen lên tiếng “Shmuel đã ra đi. Chúng ta phải cố gắng hơn, chiến đấu trả thù cho anh ta. Đó cũng là niềm ao ước của Shmuel. Chúc các bạn được nhiều may mắn”.
        Ran Ronen chưa từng lái loại Phantom, chàng hứa sẽ học hỏi nhanh chóng cùng với một phi công trong phi đoàn. Chuyến bay Phantom thứ chín, Ran tham dự trận oanh kích dàn hỏa tiễn SA-3. Chỉ huy phó phi đoàn là Yoram Agmon sẽ chỉ huy trận tấn công. Ran Ronen thích thú, không dè loại Phantom có thể đem theo 11 tấn rưỡi bom, 14 vũ khí đủ loại.
        Yoram dẫn đầu, lao xuống trước, Ran theo sau, tiếp theo là David. Đạn phòng không bắn lên như mưa, Ran tập trung vào mục tiêu (phi đoàn trưởng phải đánh đấm cho đẹp), kéo cần thả quả bom, sau đó bay vút lên. Quả bom rơi đúng mục tiêu, dàn hỏa tiễn biến mất thay bằng một lớp khói dầy hình cây nấm.
       
        Trong giai đoạn này, người Nga dần dần thay người Ai Cập nắm quyền chỉ huy mặt trận. Mặc dầu đã che dấu, bằng chứng về sự tham chiến của người Nga được trông thấy qua các trận pháo kích, dùng biệt kích tấn công dọc theo bờ kênh đào Suez. Người Nga điều hành các dàn hỏa tiễn, súng phòng không điều khiển bằng radar bao quanh hai thành phố lớn ở Ai Cập Cairo và Alexandria. Họ yểm trợ, cố vấn cho các đơn vị nằm trong vùng bình nguyên, vùng sông Nile và kênh đào Suez. Phi công Nga lái MIG-21 nằm trong phi trường ở Cairo, Mansura, Kotmiya, Kum Ushim và Beni Suweif.
        Ngày 18 tháng Tư năm 1970, phi cơ Phantom bay thám tính khu vực Cairo, đụng phải phi cơ MIG lên ngăn chặn. Chiếc MIG mang phù hiệu không lực Ai Cập nhưng viên phi công liên lạc với đài kiểm soát không lưu bằng tiếng Nga. Phi công Do Thái được lệnh tránh không chiến, bay về căn cứ. Chuyện này báo chí không được biết vì chiến tranh Việt Nam đang tới hồi quyết liệt. Tổng trưởng quốc phòng Do Thái Moshe Dayan lên tiếng, ám chỉ một thỏa hiệp ngầm với Nga Sô trong đó có đường ranh giới hạn cho không lực Do Thái và sẽ không đụng tới thủ đô Cairo.
        Nhiều lần phi công Nga lái phản lực cơ MIG xuất hiện trên màn ảnh radar như đe doạ rồi biến mất. Ngày 25 tháng Bẩy, phi tuần A4-E Skyhawk oanh kích vị trí Ai Cập dọc theo bờ kênh. Phản lực cơ MIG do phi công Nga Sô lái lên ngăn chặn và một lần nữa phi công Do Thái được nghe tiếng Nga. Phi công Do Thái được lệnh tránh né nhưng chiếc MIG đuổi theo qua kênh đào Suez vào trong sa mạc Sinai bắn hỏa tiễn làm chiếc A4-E trúng mảnh phải đáp khẩn cấp xuống phi trường tiền phương Refidim.
        Do Thái vẫn e ngại một trận thư hùng trực tiếp với Nga Sô, cho đến hơn bốn tháng sau, bộ trưởng quốc phòng và tổng tham mưu trưởng quân lực cho phép tướng Moti Hod, không lực Do Thái soạn thảo kế hoạch trả đũa.
        Trong mấy tuần lễ kế tiếp, không lực Do Thái soạn thảo chi tiết trận không chiến giữa Do Thái và siêu cường Nga Sô. Người Nga đã biết khả năng của các phi công Do Thái qua bài học Ai Cập vừa qua. Theo kế hoạch, Do Thái dự trù trận không chiến sẽ xẩy ra ở khoảng một phần ba đường Suez-Cairo gần căn cứ không quân người Nga xử dụng Kotmiya. Căn cứ không quân này, người Nga hoàn toàn được quyền xử dụng, điều hành với đài radar và kiểm soát không lưu riêng.
        Chuẩn bị cho trận thư hùng với phi công Nga Sô, không lực Do Thái đưa các tay cự phách vào chiến trường với các loại phản lực cơ chiến đấu Phantom và Mirage. Các phi công lão luyện này đã bắn rơi tất cả 59 phi cơ MIG của Ai Cập và các nước trong khối Ả Rập. Trong khi đó Do Thái và các quốc gia tự do trên thế giới không biết mấy về khả năng của các phi công Nga Sô sau trận Đệ Nhị Thế Chiến.
        Ngày 30 tháng Bẩy năm 1970, khoảng hơn 2 giờ chiều, hai phản lực cơ Phantom tấn công một đài radar của Ai Cập ở Sohara gần vịnh Suez. Amos Amir chỉ huy phi tuần bốn chiếc Mirage bảo vệ trận oanh kích. Người Nga vẫn để yên, bốn chiếc Mirage bay rộng ra như muốn vào sâu đất Ai Cập. Người Nga vẫn do dự, các phi cơ Mirage tiếp tục bay vào sâu. Cuối cùng, hai phi tuần tổng cộng 8 chiếc MIG cất cánh từ phi trường Beni Suweif lên nghênh chiến.
        Trận không chiến giữa Do Thái, Nga Sô bắt đầu lúc 2 giờ 20 phút chiều, phi tuần do Amos chỉ huy để cho các phi công MIG đuổi theo về hướng thủ đô Cairo. Tiếp theo, một phi tuần bốn chiếc Mirage khác dưới quyền Yiftah Spector bay theo sau. Lúc đó người Nga chợt nhận ra kế hoạch của Do Thái vội ra lệnh cho tất cả các phản lực cơ MIG từ khắp nơi bay lên tiếp cứu. Trong vòng nửa phút, thêm ba phi đội mười hai chiếc MIG lên trợ chiến. Trên bầu trời, tổng cộng 8 chiếc Mirage chống lại 20 chiếc MIG.
        Do Thái bay lên thêm một phi tuần bốn chiếc Phantom. Phi tuần Phantom do Avihu Ben Nun lãnh đạo gồm có Aviem Sela, Ehud Hankin và “Gal”. Bốn chiếc Phantom tách rời đội hình bay vào vòng chiến làm ngạc nhiên phi công Nga, họ lại phải ra lệnh cho thêm một phi đội bốn chiếc MIG cất cánh từ phi trường Kotmiya lên tham chiến.
        Đó là trận không chiến đầu tiên Aviem tham dự. Tổng cộng 24 phi cơ MIG của Nga Sô, 12 phi cơ Mirage và Phantom của Do Thái. Chiếc này đuổi theo đuôi chiếc kia bắn loạn xạ như trong phim ảnh. Aviem bám được theo đuôi hai chiếc MIG, đúng lúc chàng nghe Snir vui mừng báo cáo đã bắn rớt một chiếc MIG. Aviem cảm thấy căng thẳng, tinh thần thách nhiệm cho chàng biết phải cho phi cơ MIG do phi công Nga lái vào bảng phong thần. “Ben”, viên sĩ quan định hướng, vũ khí “khóa” chiếc MIG vào hỏa tiễn tầm nhiệt Sidewinter rồi “bíp” Aviem, chàng bấm nút phóng hỏa tiễn. Aviem nhìn rõ chiếc hỏa tiễn bay đi như mũi tên, nổ tung nhưng chiếc MIG vẫn còn nguyên, chàng khai hỏa tiếp chiếc hỏa tiễn thứ hai. Lần này chiếc MIG phát nổ, một chiếc dù bung ra. Lên tinh thần, Aviem cùng với “Ben” bay tìm, chiếc khác, rồi trông thấy một chiếc dù khác đang từ từ rơi xuống mặt đất. Avihu Ben Nun đã bắn rơi thêm một chiếc MIG. Tiếng đại bác nổ dòn phát ra từ chiếc Mirage của “Avik” bắn rơi chiếc MIG thứ tư. Bỗng có tiếng ra lệnh “Tất cả mọi người, ngưng tay, ra khỏi vùng không chiến ngay tức khắc”. Người ra lệnh là Tướng Moti Hod. Theo ông ta như thế đã đủ, vả lại nhiên liệu trên các phi cơ Do Thái đã xuống tới mức thấp.
        Asher Snir, người bắn rơi chiếc MIG đầu tiên, chưa chịu về, đuổi theo một chiếc MIG và bắn rơi chiếc phi cơ này trước khi bị một chiếc MIG khác bắn trúng đuôi chiếc máy bay. Snir cố gắng lái chiếc Mirage lết về đến căn cứ không quân tiền phương Refidim. Tờ London Daily Express đăng chuyện này, kết qủa 5-0 về phiá không lực Do Thái. Nga Sô mất 5 phản lực cơ MIG, 3 phi công nhẩy dù thoát nạn, 2 tử trận.

        Ngày 4 tháng Tám năm 1970, tư lệnh phó không lực Do Thái, Tướng Yehezkiel Somech, gọi điện thoại cho phi đoàn Phantom nơi phương nam. Hiệp định ngưng bắn sẽ có hiệu lực trong ngày và phi đoàn có nhiệm vụ thi hành những phi vụ tấn công cuối cùng. Phi công Do Thái liên tục bay những phi vụ oanh kích cho đến chiều tối. Tối hôm đó, họ đã đánh xập cầu Firdan ngay chính giữa kênh đào, gần Ismalia.
        Tối hôm 7 tháng Tám, Thủ Tướng Golda Meir lên hệ thống truyền hình Do Thái tuyên bố, ngưng chiến sẽ có hiệu lực vào lúc nửa đêm dọc theo biên giới Ai Cập. Trận Chiến Tiêu Hao hay “Trận Chiến tiếp theo Trận Chiến” chấm dứt. Tổng kết, Do Thái có 594 binh sĩ tử trận, trong đó có 33 phi công và phi hành đoàn, 2659 người bị thương.

KHÔNG LỰC DO THÁI
ĐƠN VỊ THƯỢNG HẠNG BẢO VỆ QUỐC GIA
(Phần 4: TRẬN YOM KIPPUR - 1973)


V. TRẬN CHIẾN YOM KIPPUR
        Đầu năm 1972, ngày 1 tháng Giêng, quân lực Do Thái có vị tổng tham mưu trưởng mới, đó là Trung Tướng David “Dado” Elazar. Một năm sau, gần hết các sĩ quan cao cấp trong quân đội đều mãn thời gian phục vụ và được thay thế. Thiếu Tướng Benny Peled lên thay Moti Hod làm tư lệnh không quân.
        Phiá bên kia bờ kênh đào Suez cũng có sự thay đổi lớn, Anwar Sadat lên thay Nasser chết vì lên cơn đau tim trong tháng Chín năm 1970. Sadat cũng trưởng thành từ một làng nhỏ như Nasser nhưng hai người có nhiều điểm khác nhau. Nasser lúc nào cũng tìm cách trả thù, muốn làm lãnh tụ trong khối Ả Rập và cả châu Phi. Sadat hiểu biết nhiều hơn, lúc lên nắm quyền tổng thống, ông ta phải đối phó trước nguy cơ xụp đổ của Ai Cập và vấn đề gia tăng dân số nhanh chóng.

        Trong mùa hè năm 1973, Ai Cập chuẩn bị cho trận chiến sắp tới. Tại phi trường quốc tế Lod, quân khủng bố người Nhật làm việc cho PLO giết hơn một chục hành khách cùng với những người đi đón thân nhân. Nhóm khủng bố Palestine giết 11 lực sĩ Do Thái trong kỳ Thế Vận Hội ở Munich, Tây Đức. Ở London, một viên chức ngoại giao Do Thái bị đặt bom nổ giết chết. Cũng trong năm đó, cơ quan tình báo Do Thái trả đũa giết nhiều tay lãnh tụ trong hàng ngũ PLO trong các thủ đô của các quốc gia bên Âu Châu. Chuyện rõ ràng nhưng phiá Do Thái vẫn chối cãi ... “Em chả ...”

        Sáng ngày 6 tháng Mười năm 1973, Avi Lanir, phi đoàn trưởng Phantom ra lệnh cho phi công Michael “Mickey” Katz vào trình diện trong văn phòng của ông ta. “Anh sẽ là người duy nhất đi bay trong ngày lễ Yom Kippur (Tết Do Thái). Chuyến bay thám thính này rất quan trọng, để kiểm chứng lại những bản báo cáo về một trận chiến sẽ bùng nổ vào ngày mai. Mục tiêu là Ai Cập. Đem Yair theo, khi đã sẵn sàng, gọi điện thoại cho tôi biết”
        Mới 26 tuổi, Mickey đã có nhiều giờ bay thám thính, chàng cũng là phi công đầu tiên lái phản lực Mirage và một phi công trong phi đoàn biểu diễn. Trên đường ra máy bay, bỗng nhiên Avi ra lệnh đổi phi trình qua Syria chứ không khải Ai Cập. Điều này làm Mickey băn khoăn “Có chuyện gì ghê gớm sắp xẩy ra? Không khéo ... vỡ mặt hết cả đám!”. Vị phi đoàn trưởng gọi lại lần nữa “Nghe đây. Tôi cũng chưa biết chuyện gì sắp xửa xẩy ra. Anh phải bay đi Ai Cập ... Đi ngay không được chậm trễ”
        Vài phút sau, với tấm bản đồ mới, Mickey cất cánh bay lên cao độ sáu mươi ngàn bộ. Lúc đó đúng 10 giờ sáng, trong tất cả các ngôi đền Do Thái (Synagogue), người đi lễ ngạc nhiên sao ngày lễ Yom Kippur, ngày linh thiêng nhất trong năm lại có tiếng máy bay. Sau khi xong nhiệm vụ bay về căn cứ, phi hành đoàn trên chiếc máy bay thám thính ngạc nhiên khi nhìn xuống dưới đất. Thay vì quân nhân trong ban không ảnh chờ để lấy cuộn phim, các sĩ quan cao cấp Do Thái đang nôn nóng chờ lấy cuộn phim rồi đem đi ngay. Vài ngày sau, Mickey mới biết những không tấm ảnh chàng đem về được đặt trên bàn vị tổng tham mưu trưởng. Tướng Moshe Dayan bộ trưởng quốc phòng được xem và thuyết phục chính quyền rằng quân đội Ai Cập đã tập trung bên kia kênh đào Suez, sẵn sàng băng qua.
        Tư lệnh không lực Do Thái Benny Peled nhận được cú điện thoại ở nhà lúc 5 giờ sáng. Dado báo cho ông ta biết, tin tình báo chắc chắn quân Ai Cập và Syria sẽ liên minh tấn công Do Thái đêm nay, sau lễ Yom Kippur. Benny và Dado đồng ý sẽ xử dụng không lực tấn công phủ đầu hệ thống hỏa tiễn của Syria trước. Thanh toán xong các dàn hỏa tiễn của Syria sẽ bảo đảm an toàn không phận trong giai đoạn kế tiếp, bẻ gẫy trận tấn công bằng thiết giáp của Syria. Đe dọa của địch từ cao nguyên Golan Heights (Syria) gần những thành phố đông dân cư của Do Thái hơn những đe dọa từ phiá Ai Cập. Benny xin vị tổng tham mưu trưởng cho 5 tới 6 tiếng đồng hồ để chuẩn bị. Dado đồng ý, giờ tấn công sẽ là 11 giờ sáng, khi có sự chấp thuận của chính phủ. Vị tư lệnh không quân vội vã rời nhà đi vào bộ tư lệnh. Trước khi ông ta đến, lệnh hành quân đã được đem ra trong trung tâm hành quân không quân.
        Đối với các vị sĩ quan phi đoàn trưởng Phantom, Skyhawk lãnh nhiệm vụ đánh phủ đầu, công điện hành quân mới nhận được buổi sáng là kết luận cho một đêm không ngủ. Ngày hôm trước, họ đã được lệnh đem kế hoạch tấn công đã soạn thảo từ trước ra, sửa đổi lại theo những tin tức tình báo mới nhất. Các phi công đã được thuyết trình lần cuối về nhiệm vụ và mục tiêu, chuyên viên làm việc dưới đất đã được lệnh chuẩn bị cho máy bay, trang bị bom đạn. Họ đã trải qua mấy lần báo động lầm, mong rằng lần này sẽ đúng.
        Tình trạng căng thẳng đã kéo dài ba tuần lễ, từ 30 tháng Chín khi không lực Syria bị bắn rơi 12 chiếc MIG-21 khi muốn ngăn chặn phi cơ thám thính của Do Thái. Phi cơ thám thính bay từ biển vào, dọc theo bờ biển Syria nơi phiá bắc Lebanon. Trong khi đó phản lực cơ Mirage bay từ trên một độ cao bảo vệ chiếc máy bay thám thính, lao xuống bắn hỏa tiễn, đại bác vào mấy chiếc MIG của không lực Syria. Các phi công Do Thái bắn rơi 8 chiếc trong trận không chiến đầu tiên. Một phi cơ Mirage bị rớt, viên phi công nhẩy dù xuống biển. Trong khi trực thăng Do Thái bay vào cứu, quân Syria nổi điên bắn người phi công lâm nạn, bất chấp một phi công Syria cũng ở gần đó. Các phi cơ Mirage lại lao xuống tấn công, bắn rơi thêm bốn chiếc nữa.
        Trong tuần lễ giữa hai ngày lễ Rosh Hashanah và Yom Kippur, nhiều tin tình báo cho biết địch đã tăng cường thêm quân ở cả hai chiến trướng Ai Cập và Syria. Dân Do Thái lúc đó chỉ để ý đến tin tức ở nước Áo, quân khủng bố đã cướp một chuyến xe lửa chở người Do Thái-Nga đang trên đường di dân về cố hương.
        Buổi sáng ngày 5 tháng Mười, bộ tư lệnh không lực Do Thái nhận được báo cáo, một cầu không vận của Nga Sô đến Cairo và Damascus để di tản thường dân, cố vấn Nga cùng vợ con đang sinh sống, làm việc trên hai quốc gia này. Benny họp với các sĩ quan cao cấp ra lệnh tấn cống trước 25 vị trí hỏa tiễn SA-2, SA-3 và SA-6 của Syria nằm trên cao nguyên Golan Heights khi chiến tranh bộc phát.
        Đúng 7 giờ sáng, sĩ quan thời tiết báo cáo trời có nhiều mây thấp bao phủ vùng cao nguyên Golan Heights cho đến giữa trưa, sẽ gây trở ngại cho việc tấn công các dàn hỏa tiễn. Tuy nhiên các phi trường bên trong nội điạ, thời tiết vẫn quang đãng. Các phi công lại được lệnh oanh kích các phi trường trước và thời gian được dời lại một giờ để thay đổi loại bom tấn công. Bà nữ Thủ Tướng Golda Meir gọi điện thoại cho tổng trưởng quốc phòng biết là không đồng ý việc tấn công, đánh phủ đầu địch quân trước khi địch nổ tiếng súng đầu tiên, không muốn dư luận thế giới cho rằng Do Thái khai chiến.
        Trong bộ tư lệnh không quân, Đại Tá Rafi Har Lev, trưởng phòng Nhì  đang cố gắng giải đoán kế hoạch hành quân của Syria, rồi thì đúng 13 giờ 15 phút, những chấm sáng phi cơ địch xuất hiện trên màn ảnh radar. Phi cơ địch phát xuất từ Syria, Benny lập tức ra lệnh cho phi cơ bay lên bảo vệ không phận vùng phiá bắc Do Thái. Bị tấn công trước bất ngờ, nhiều phi cơ Do Thái vẫn còn mang bom để đi oanh kích Syria, nên phải bay ra biển thả qủa bom trước khi bay lên tìm phi cơ địch.

        Lúc đó vào giữa trưa, trước khi Mickey thuyết trình xong chuyến bay thám thính bên bờ kênh đào Suez, chàng được gọi đi họp hành quân, oanh kích các phi trường ở Syria. Buổi họp vừa xong đúng lúc lệnh hủy bỏ đến, làm các phi công ngơ ngác. Sau đó lệnh báo động, cùng với còi hụ vang lên “Scramble! Scramble!”
        Các phi công trong phi đoàn vội vã cất cánh. Mickey bay về hướng sa mạc Sinai như trong lệnh hành quân, bỗng có tiếng sĩ uan kiểm soát không lưu ra lệnh “Bay lên cao, bảo vệ không phận vùng trung tâm quốc gia”
        Mickey rất ngạc nhiên, lần này Do Thái phải bảo vệ không phận quốc gia. Chàng nhìn xuống đất, quả thực chiến tranh đã tới trên đất Do Thái, đường xá đúng ra vắng tanh trong ngày lễ Yom Kippur, bây giờ xe cộ đã tràn đầy, kẹt cứng. Không phải chỉ có mình Mickey cùng với Uri, nhiều phi tuần phản lực Do Thái đã bay lên theo đội hình tác chiến. Mấy phi tuần bay lên hướng bắc ngăn chặn phi cơ Syria, những phi tuần khác bay về hướng nam đối đầu với Ai Cập. Mickey không ngờ cả Syria lẫn Ai Cập cùng đồng loạt tấn công. Giọng nói của viên sĩ quan trên đài kiểm soát không lưu lại vang lên.
        “Hướng hai-bẩy-không, ngăn cản phi tuần của địch vừa thả bom xong đang bay về hướng tây. Khoảng cách 15 dặm ... Khoảng cách 10 dặm ... Cao độ thấp trên mặt nước biển ... Hướng hai-bốn-không ...”
        Mickey đã trông thấy bốn chiếc MIG, không phải đã thả bom xong. Bọn này mới xâm nhập không phận, hai cánh vẫn còn đầy bom, và bình xăng phụ vẫn còn. Mickey lên tiếng trên hệ thống truyền tin, liên lạc.
        -     Đã trông thấy.         Và nghe người phi công thứ hai nói.
-           Tôi sẽ lo cho cặp máy bay phiá bên phải.
-           Số Hai. Giữ vị trí của bạn.   Mickey ra lệnh

        Mickey đã đoán đúng, khi họ bay gần tới mới nhận ra đó là bốn chiếc Super Mystère của phe ta. Sĩ quan trực đài kiểm soát không lưu mất tinh thần, chàng cảm thấy có sự giao động trong nội bộ. Mickey vòng trở lại, nhìn xuống căn cứ, đàn bà trẻ con trong khu gia binh đang chạy xuống hầm trú ẩn tránh bom. Khung cảnh ở dưới đang hỗn loạn.

        Trong căn cứ không quân tiền phương Refidim của Do Thái.
-           Số Một. Cầm điện thoại khẩn cấp (hotline) lên ngay.

        Giọng nói anh ta run bị xúc động.
-           Báo cáo chính thức! Báo cáo chính thức! Nhiều đội hình phi cơ địch trên đường tới các đơn vị của quân lực Do Thái trong vùng Sinai. Mấy đội hình đến chỗ bạn, một đến chỗ tôi. Tất cả mọi phi lên bảo vệ không phận trung tâm. Bạn được lệnh bắn hạ tất cả mọi phi cơ đến tấn công...

        Dorit, một nữ trung sĩ có nhiều kinh nghiệm làm việc trong đài kiểm soát không lưu lên máy.
-           Chiến tranh đã bắt đầu! Chiến tranh đã bắt đầu!
-           Mình sẽ bị tấn công trong vòng vài phút nữa, Mở tất cả các hệ thống báo động. Ban lệnh làm việc khi bị tấn công. Ưu tiên cho máy bay cất cánh lên chiến đấu 
       
        Bốn đội hình 16 phản lực cơ MIG bay tới căn cứ không quân tiền phương Refidim của Do Thái.
-           Xác định rõ! Phi cơ Sohoi SU-7 của Ai Cập!
-           Cho lệnh bắn tự do!   Tiếng vị chỉ huy vang lên trong máy.

        Tiếng đại bác phòng không L-70 40 ly do radar điều khiển rống lên từng chập. Vài ổ súng đặt dưới chân đài kiểm soát không lưu. Phi cơ Ai Cập bay thấp cách mặt đất khoảng 300 bộ, thả bom ngay trên phi đạo chính. Một tiếng nổ lớn, theo sau là một loạt tiếng nổ nhỏ trong phi trường. Tiếng đại bác phòng không tiếp tục nổ dòn và các phi cơ Ai Cập tiếp tục đợt bắn phá. Một phi đội bốn chiếc khác thả bom làm hư hại thêm phi đạo chính, rồi phi tuần thứ ba tiếp theo, sau đó các phi cơ Ai Cập biến mất, không một chiếc nào bị rơi.
        Ngày hôm trước, vị chỉ huy trưởng căn cứ yêu cầu Tướng Benny Peled cho đệnh động viên quân trừ bị nhưng Tướng Moshe Dayan vẫn chưa cho lệnh. Lúc đó một chiếc Phantom bay về căn cứ. Viên phi công có hai, ba phút để quyết định có nên đáp xuống phi đạo đã bị oanh kích hư hại hoặc bay đến một phi trường khác.

        Cũng như phi đội của Mickey. Phi đội phản lực Mirage dưới quyền Eitan Carmi nhận được lệnh lên ngăn chặn sau tiếng còi hụ báo động “Hướng hai-bẩy-không. Tốc độ tối đa”.
        Eitan đã có kinh nghiệm bắn rơi mấy phi cơ địch trong trận chiến Sáu Ngày và trận chiến Tiêu Hao. Sau khi đổi hướng bay theo lệnh đài kiểm soát không lưu, Eitan trông thấy mục tiêu trên màn ảnh radar, chàng nhận ra đó là chiếc oanh tạc cơ TU-16. Chiếc phi cơ Ai Cập vừa thả xuống từ dưới bụng một hỏa tiễn không-điạ rồi quay trở về Ai Cập. Loại hỏa tiễn không-điạ Kelt được biến cải từ phản lực cơ MIG-15 trở thành quả bom bay khổng lồ, điều khiển bằng điện tử bay vào làn phát sóng radar từ đài kiểm soát không lưu.
        Khi chiếc Tupolev biến mất trên màn ảnh radar, đài kiểm soát không lưu điều động Eitan bay theo chiếc hỏa tiễn Kelt. Chàng phóng đi hỏa tiễn tầm nhiệt Shafrir do Do Thái chế tạo, nhưng ngạc nhiên chiếc hỏa tiễn đổi hướng đâm xuống biển. Eitan cảm thấy thích thú kỹ thuật của Nga Sô. Chiếc MIG-15 biến cải thành hỏa tiễn Kelt, xử dụng một hỏa tiễn nhỏ để đưa qủa bom bay tới mục tiêu. Chuyên viện kỹ thuật đã lấy động cơ phản lực của chiếc MIG-15 ra để chứa thêm khối lượng chất nổ, do đó chiếc hỏa tiễn Shafrir mất đi nguồn nhiệt để hướng dẫn, bay trật mục tiêu. Eitan bay đến cách chiếc hỏa tiễn Kelt khoảng 300 thước, khai hỏa khẩu đại bác. Chiếc hỏa tiễn bay Kelt bị bắn đứt cánh, lộn vòng, rơi xuống đất gấy một tiếng nổ làm chấn động chiếc phi cơ của Eitan. Chàng học hỏi được bài học mới, cũng may bắn đứt cánh chiếc hỏa tiễn, nếu bắn trúng quả bom, sức nổ có thể làm hư hại chiếc phi cơ do mình lái.

        Khoảng giữa trưa trong căn cứ không quân Ofir ở Sharm a Sheikh, Amir Nahumi và “Shuki” ngồi trên buồng lái chiếc Phantom trong hangar xây ngầm dưới mặt đất, đợi lệnh cất cánh. Không lực Do Thái vẫn chưa biết trận chiến tranh đã bắt đầu, Cả hai phi công Amir, “Shuki” cũng như hai sĩ quan định hướng ngồi sau buồng lái “Binu”, “Moore” đều chưa có kinh nghiệm, mới tốt nghiệp. Họ đang chuẩn bị chuyến bay tuần tiễu thường nhật.
        Cho đến 9 giờ sáng hôm đó, căn cứ không quân Ofir vẫn chìm trong giấc ngủ. Vợ của Nahumi là Naomi gọi điện thoại cho chàng biết nàng sẽ đi thăm người chị ở Ashkelon. Rồi thì Naomi gọi nữa cho biết xe cộ ngoài đường rất đông, kẹt cứng. Yak Nevo người hùng trong các trận không chiến trước đây, đang nghỉ ở nhà (quân trừ bị) đã được lệnh đến căn cứ làm chỉ huy trưởng.
        Còi báo động vang lên lúc 13 giờ 50 phút. Nahumi, Shuki cùng với hai sĩ quan định hướng, vũ khí liên lạc với đài kiểm soát không lưu, đã sẵn sàng cất cánh. Người sĩ quan trực đài kiểm soát không lưu ra lệnh “Cứ nằm yên đợi lệnh”. Chưa đầy hai giây đồng hồ sau “Tôi thấy nhiều đội hình phi cơ trên màn ảnh radar. Nơi hướng nam Ofir...”
        Nahumi nghĩ thầm, sao họ vẫn chưa cho lệnh chàng cất cánh? Chàng bực tức “quên” thủ tục, ra lệnh cho nhân viên cơ khí tránh ra để chiếc Phantom ra phi đạo. Chiếc Phantom thứ hai do Shuki lái cũng theo sau. Khi hai chiếc Phantom lên vùng, Nahumimở mắt to ra, trên bầu trời đầy phản lực cơ MIG đang bay dưới cao độ thấp để thả bom. Trong giây lát, phi đạo trong phi trường Ofir bị trúng bom nổ lỗ chỗ như những cây nấm nhỏ.
-           Tụi nó đang tấn công căn cứ.  Shuki báo cáo và đài kiểm soát không lưu xác nhận.
-           Số Hai. Mình sẽ lên cao đến đảo Snapir hướng không-bốn-không, rồi từ đó lao xuống tấn công, như vậy có thế thượng phong hơn. Nahumi là phi tuần trưởng ra lệnh cho Shuki.
-           Mình phải bỏ rơi bình xăng phụ. Viên sĩ quan định hướng nhắc nhở Nahumi. 
-           Số Hai. Bỏ bình xăng phụ. Tụi nó đông lắm, mình phải chia ra. Tôi lãnh nhiệm vụ ở phiá đông căn cứ, bạn lo phần còn lại.

        Shuki làm theo, đổi hướng bay. Nahumi bay sau đuôi một chiếc MIG-17 chuẩn bị phóng hỏa tiễn tầm nhiệt Sidewinter. Binu ngồi sau lên tiếng “Chưa vội! Vẫn chưa có tiếng bíp của hỏa tiễn”. Hỏa tiễn Sidewinter khi đã “Nhận diện” được mục tiêu sẽ phát ra tiếng bíp báo hiệu cho phi công cùng người sĩ quan định hướng. Nahumi tin tưởng nơi Binu tiếp tục bay theo sau chiếc phi cơ Ai Cập cho đến khi nhiều tiếng bíp vang dội trong buồng lái. Nahumi khai hỏa, chiếc hỏa tiễn phóng đi phát nổ và chiếc MIG-17 biến thành quả cầu lửa.
        Trong khi Nahumi thích thú, Binu lại báo động “Bẻ cua gấp!”, một chiếc MIG khác đang bám theo đuôi. Nahumi làm theo, đổi hướng bay vòng lại phi trường Ofir, chàng bay giữa hai phản lực cơ MIG đang lao xuống thả bom. Hai viên phi công Ai Cập hốt hoảng, vội bay vút lên tránh chiếc Phantom.
        Lúc đó trên tần số không lục, viên sĩ quan trực đài kiểm soát không lưu la lối um xùm “Báo cáo! Chuyện đi đến đâu? Báo cáo!”. Cả hai phi công Do Thái đều mới, chưa có kinh nghiệm, vẫn lo tìm phi cơ địch tấn công quên báo cáo. Phi cơ MIG vẫn còn nhiều trên bầu trời. Tất cả có bẩy phi đội, tổng cộng 28 chiếc MIG tấn công phi trường Ofir. Shuki báo cho Nahumi biết mình vừa bắn rơi một chiếc MIG làm cho chàng hài lòng, các phi công Ai Cập phải biết có sự hiện diện của phi công Do Thái. Nahumi trông thấy một MIG-17 bay xuống định tấn công dàn hỏa tiễn Hawk, đang nằm chịu trận vì sợ bắn lên trúng phi cơ Do Thái. Chàng bay theo, viên phi công Ai Cập được đồng đội báo động vội bay vút lên để tránh chiếc Phantom, bỏ qua dàn hỏa tiễn Hawk.
        Nahumi tăng tốc độ đuổi theo, chiếc Phantom dễ bay lượn hơn bắt kịp. Buồng lái lại vang lên tiếng bíp, Nahumi siết cò rồi chứng kiến chiếc MIG nổ tung. Hai chiếc MIG khác vội bay trốn, Nahumi đảo mắt xung quanh tìm đồng đội Shuki, định đáp xuống căn cứ, bỗng trông thấy một cặp MIG khác đang tấn công đài truyền tin của Do Thái trong vịnh Suez. Hai viên phi công Ai Cập trông thấy chiếc Phantom phát hoảng, một chiếc bay đi mất, chiếc còn lại bắn hết mấy hỏa tiễn đem theo nhưng không trúng. Nahumi bình tĩnh, đáp lễ phóng đi một hỏa tiễn, chiếc phản lực cơ của Ai Cập bay mất phần trước mũi rồi nổ tung cách chiếc Phantom khoảng 600 thước. Thêm một chiếc MIG vào bảng phong thần.
        Viên sĩ quan định hướng Binu lên tiếng “Ba chiếc MIG-17! Đủ chưa hay mình kiếm thêm chiếc thứ tư?”. Chàng đã làm hết khả năng của một viên sĩ quan điều không, vũ khí. Dưới đất có hai đám cháy của hai chiếc phản lực MIG bị bắn rớt, chứng tỏ chiếc Phantom thứ hai do Shuki lái cũng “làm ăn” khấm khá. Nahumi liên lạc với Shuki hỏi thăm.
-           Chuyện làm ăn tới đâu rồi?
-           Tôi “làm” được ba chiếc. Đang kiếm chiếc thứ tư.

        Shuki bắn rơi hai chiếc MIG-17 khi mới nhập cuộc, sau đó chàng đuổi theo hai chiếc MIG-21, bắn rơi một chiếc, chiếc còn lại đâm xuống biển lúc nhào lộn để trốn tránh. Nghe báo cáo, Nahumi cảm thấy mình cần phải đi tìm thêm một chiếc MIG nữa. Chàng trông thấy hai chiếc MIG cuối cùng bèn đuổi theo. Hai phi công Ai Cập tách ra hai hướng, Nahumi đuổi theo một chiếc, phóng thêm một hỏa tiễn và chiếc MIG rớt xuống đất, chiếc còn lại biến mất. Đúng lúc đó Shuki báo cáo đã gần hết xăng, xin đáp mặc dầu phi đạo đã bị hư hại. Nahumi cảm thấy đã đủ với bốn chiếc MIG cho vào bảng phong thần. Bầu trời trên không phận phi trường Ofir yên lặng trở lại.
        Sau khi liên lạc với đài kiểm soát không lưu, hai chiếc Phantom đáp xuống phi đạo phụ chạy song song với phi đạo chính nhưng ngắn hơn. Mấy anh chàng chuyên viên cơ khí, vũ khí đứng xớ rớ bên cạnh phi đạo, chưa dám chạy lại bơm xăng và trang bị lại bom đạn lại cho chiếc phi cơ, sợ chiếc phi cơ phát nổ bất tử. Nahumi leo ra khỏi chiếc Phantom, kéo xe chở bom ra, tự động gắn bom vào chiếc máy bay. Các chuyên viên kỹ thuật trông thấy lòng can đảm của viên phi công, kéo xe chở hỏa tiễn ra gắn vào máy bay. Bên chiếc Phantom thứ hai, Shuki cũng đứng bơm xăng cho máy bay, giúp các chuyên viên kỹ thuật một tay. Đó là tình chiến hữu, nhiệm vụ trong quân lực Do Thái. Cả bốn người, phi công, sĩ quan định hướng trên hai chiếc Phantom đều được ân thưởng huy chương trong trận này.
       
        Quân đội Ai Cập tràn qua kênh đào Suez với quân số đông đảo, phòng tuyến Bar Lev của Do Thái chống đỡ không xuể. Đêm tấn công, năm sư đoàn bộ binh Ai Cập dàn quân trong khu vực kênh Suez. Mỗi sư đoàn có một lữ đoàn thiết giáp. Ngoài ra còn có thêm hai lữ đoàn thiết giáp độc lập và một lữ đoàn cảm tử quân. Lúc đó Do Thái chỉ có một sư đoàn nằm giữ phòng tuyếb Bar Lev. Ai Cập xử dụng hàng trăm tầu đổ bộ trước sau đó làm cầu nổi cho các đơn vị thiết giáp cùng bộ binh cơ giới tiến qua. Quân đội Ai Cập chọc thủng phòng tuyến Bar Lev tại nhiều vị trí, trong khi đó pháo binh 130 ly vẫn tiếp tục chế ngự không cho binh sĩ Do Thái ngóc đầu dậy. Trước tình thế này chỉ có không quân mới có thể ngăn chặn sức tấn công như nước vỡ bờ của quân đội Ai Cập vào bán đảo Sinai.
        Rút tiả kinh nghiệm từ những bài học trước, Ai Cập đưa vào chiến trường một hệ thống phòng không mạnh mẽ với nhiều dàn hỏa tiễn điạ-không SA-2, SA-3 và SA-6. Trong những giờ phút đầu tiên, các phi công Do Thái phải tránh né hỏa tiễn khi oanh kích phá những chiếc cầu bắc qua kênh đào và những mũi dùi tiến quân của bộ binh, thiết giáp Ai Cập.
        Không lực Do Thái xử dụng loại bom cỡ lớn chứa nhiều chất nổ để phá cầu và loại bom Cluster gồm nhiều quả bom nhỏ thả trên những nơi tập trung quân Ai Cập. Loại bom CBU này được xử dụng trong trận Xuân Lộc gây thiệt hại lớn cho địch quân. Các phi công Do Thái đánh xập một nửa trong số mười bốn chiếc cầu và bom CBU vẫn không cản được mức độ tiến quân của địch.

        Sau khi chiếc phi cơ cuối cùng của Ai Cập ra khỏi bầu trời phi trường Refidim, lối ra phi đạo chính được sửa chữa tức tốc trong vòng một tiếng đồng hồ để tạm thời xử dụng. Khoảng hai tiếng đồng hồ sau, phi đạo chính cũng được sửa xong. Các toán chuyên viên kỹ thuật làm việc không ngừng, di chuyển đài kiểm soát không lưu, trung tâm hành quân đến một vị trí khác và hệ thống báo động được tăng cường. Phi trường Refidim có vị trí chiến thuật quan trọng vì là căn cứ không quân chính trong vùng phiá tây Sinai. Các phi cơ vận tải Do Thái liên tục đáp xuống Refidim, đổ quân tăng viện cùng với quân trang, quân dụng, vũ khí, đạn dược.
        Qua đêm thứ hai khi trận chiến Yom Kippur bắt đầu, đài kiểm soát không lưu báo động cho biết đợt tấn công thứ hai của Ai Cập bắt đầu với nhiều đội hình phi cơ trực thăng xuất hiện trên màn ảnh radar. Trực thăng Ai Cập chở các đơn vị biệt động quân đã tấn công con đường tiếp vận chính của Do Thái nơi phiá bắc Sinai, từ El Arish đi về hướng tây. Họ cũng tấn công đơn vị tiếp viện đang trên đường ra mặt trận.
        Tất cả các đơn vị trong khu vực gần phi trường đều nhận được lệnh báo động, đề phòng biệt động quân Ai Cập tấn công trong đêm và ngày hôm sau. Đích thân vị chỉ huy trưởng căn cứ không quân Refidim thanh tra các ổ súng phòng không đặt rải rác trong phi trường và ra lệnh nếu không bắn rơi được phi cơ địch, bắn vào quân biệt động Ai Cập.
        Tiếng còi báo động lại vang lên, một Phantom và một phản lực Nesher (Do Thái chế tạo loại phi cơ này dựa theo phi cơ Mirage của Pháp) vội vàng cất cánh lên bảo vệ căn cứ. Đài kiểm soát không lưu báo, cáo nhiều phi tuần trực thăng xuất hiện trên màn ảnh radar và một phi tuần xuất hiện gần phi trường. Trên không, chiếc Phantom do Ran lái báo cáo về cho biết đã trông thấy một phi tuần 12 trực thăng chở biệt động quân Ai Cập. Lúc đó mặt trời đã lặn, từ trên nóc trung tâm hành quân, vị chỉ huy trưởng dùng ống nhòm theo dõi chiếc Phantom bay xuống tấn công đoàn trực thăng, hàng loạt đạn đại bác không trúng mục tiêu, nổ khi chạm đất loé lên những tia sáng. Đám trực thăng Ai Cập hốt hoảng bỏ đội hình bay tứ tán, chiêác  dẫn đầu bay tạt qua một bên. Ran Gonen tính nhẩm thật nhanh, nếu mỗi trực thăng chở khoảng 40 biệt động quân, cả một tiểu đoàn quân biệt động Ai Cập đang trên đường đến mục tiêu. Trường hợp Ran bắn trật lần nữa, quân Ai Cập sẽ biến mất vào màn đêm và 15 phút sau sẽ không biết địch đổ quân ở đâu.
        Ran giảm tốc độ chiếc phản lực, bay xuống nhắm vào một đội hình bốn chiếc, khai hỏa đại bác 20 ly. Chiếc bay đầu trúng đạn phát nổ, lính biệt động Ai Cập rơi ra ngoài trong khi chiếc trực thăng rơi xuống đất bốc cháu như một qủa cầu lửa. Ba chiếc còn lại bay tứ phiá trốn tránh. Ran Gonen định bay tìm nhưng trời đã tối, trực thăng bay sát mặt đất khó tìm ra và chàng đã gần hết xăng phải bay về căn cứ.

        Đã hơn hai tiếng đồng hồ, Shlomo Egozi ngồi theo dõi trận chiến trong phòng hành quân phi đoàn phản lực cơ Phantom. Vị phi đoàn trưởng đã bay hành quân, với cương vị sĩ quan phi đoàn phó, Shlomo phải “ở nhà” trực. Khi vị phi đoàn trưởng trở về, Shlomo vội vàng xách chiếc nón bay chạy ra phi cơ, hy vọng “làm được một cú” trước khi trời tối. Chàng được lệnh bay về hướng kênh đào Suez ngăn chặn phi cơ MIG oanh kích các đơn vị bộ binh Do Thái đang củng cố lại cản mức tiến quân của địch qua kênh đào Suez. Những dàn hỏa tiễn Hawk khám phá ra nhiều phi đội trực thăng chở quân Ai Cập bay về hướng Abu Rhodes. Mấy chiếc Phantom lao xuống tấn công, thời gian đối với Shlomo thật là qúy gia, chàng chỉ lo trời tối. Những đơn vị biệt động quân Ai Cập đã xâm nhập nhiều nơi trong phần đất Do Thái. Trường hợp địch thành công trong việc tấn công ban đêm, sẽ gây nhiều thiệt hại cho Do Thái và có thể mất vùng có những giếng dầu hỏa.
        Trong những tia sáng cuối cùng, Shlomo trông thấy khoảng 30 con châu chấu khổng lồ vừa từ biển bay vào đang hạ thấp cao độ xuống vùng khe núi (canyon). Không còn hoài nghi, đó là những trực thăng Mi-8 do Nga Sô chế tạo. Shlomo nhìn thấy đoàn trực thăng địch rất rõ, chàng báo cáo về trung tâm hành quân xin tăng cường. Ai cũng có phần, trong khi chờ phi cơ bạn lên tăng cường, Shlomo cùng với đồng đội bắt đầu tấn công đoàn trực thăng Ai Cập. Phi cơ trực thăng bay sát mặt đất có lợi thế, dễ lẩn tránh các loại phi cơ chiến đấu, thường khó bay lượn dưới cao độ thấp hoặc tốc độ chậm. Trường hợp “nóng mũi” cố tình đuổi theo chiếc trực thăng đang lẩn tránh ở dưới, phản lực cơ có cơ hội đâm xuống đất.
        Shlomo cân nhắc kỹ lưỡng và quyết định tấn công đội hình trực thăng gần nhất. Cùng với đồng đội, hai chiếc Phantom tách rời đội hình, giảm tốc độ, bay xuống mục tiêu. Các trực thăng Ai Cập đã khám phá ra sự hiện diện của hai chiếc Phantom, phân tán ra và hạ thấp cao độ xuống sát mặt đất. Vài trực thăng biến mất vào trong những khe núi. Trước khi cuộc săn đuổi bắt đầu, Shlomo đã biết chỉ hy vọng “làm” được vài chiếc. Những chiếc trực thăng bay loạn xạ làm Shlomo khó theo dõi, một chiếc bay ngang qua tầm tác xạ, chàng khai hỏa chiếc hỏa tiễn trúng mặt đất nổ tung, chiếc trực thăng Ai Cập may mắn thoát chết. Viên sĩ quan định hướng nhắc nhở Shlomo lo việc điều khiển chiếc máy bay, để anh ta lo vấn đề tìm kiếm trực thăng cùng vũ khí. “Bẻ lái gấp chỗ này, bên kia hàng nho có một chiếc trực thăng đang trốn”, Roy người sĩ quan định hướng nói với Shlomo.    
        Shlomo làm theo lời Roy, trông thấy chiếc trực thăng, bắn một tràng đại bác. Chiếc trực thăng nổ tung giữa trời, một chiếc khác chợt bay vào tầm súng, Shlomo lại siết cò súng. Thêm một tràng đạn đại bác khác bắn ra từ chiếc Phantom thứ hai, hai trực thăng Ai Cập trúng đạn đâm xuống đất. Sau đó, viên phi công lái chiếc Phantom thứ hai báo cáo gần heat xăng, Shlomo cho phép chiếc Phantom bay về căn cứ. Còn lại một mình, chàng tiếp tục bay lùng những chiếc trực thăng khác đang bay loạn xạ, trốn tránh trong những hẻm núi.
        Shlomo trông thấy một chiếc trực thăng đang bay sát mặt đất. Viên phi công Ai Cập như cố tình dụ cho chiếc Phantom bay theo vào trong hẻm núi, hy vọng sẽ làm cho chiếc Phantom đâm vào vách núi. Đang bay trên đầu chiếc trực thăng, không thể bắn hỏa tiễn hoặc đại bác, Shlomo nghĩ ra cách hạ chiếc trực thăng, chàng tăng hết tốc độbay dốc ngược lên trời. Sức phụt hậu của động cơ phản lực thổi vào cánh quạt làm chiếc trực thăng chao đi, lật ngửa rồi rớt xuống đất.
        Shlomo là phi công đầu tiên xử dụng động cơ phản lực “bắn rơi” trực thăng. Lúc đó chiếc Phantom cũng đã gần hết xăng, chuẩn bị quay về. Chợt Shlomo trông thấy một trực thăng Ai Cập đang đáp xuống đất để đổ quân biệt động. Chàng siết cò khẩu đại bác bắn chiếc trực thăng nổ tung rồi thẳng đường bay về căn cứ. Tổng kết trận đánh Shlomo bắn rơi tất cả 5 chiếc trực thăng, chiếc Phantom thứ hai bắn rơi thêm một chiếc. Hai phi cơ Nesher lên thay bay bao vùng bắn rơi thêm chiếc thứ bẩy.
        Trong hai ngày liên tục, phi công Ai Cập bay 72 phi vụ trực thăng đưa khoảng 1700 biệt động quân vào đánh phá nhiều mục tiêu trong đất Do Thái, cắt đường tiếp vận đưa quân trừ bị ra tiếp viện chiến trường kênh đào Suez. Vùng sa mạc Sinai quá rộng lớn, gây khó khăn cho đơn vị biệt động quân Ai Cập. Họ chỉ thành công trong việc phục kích đoàn xe tiếp tế, cắt trục lộ nối liền El Arish – Al Qantara. Phi công Do Thái bắn rơi 20 trực thăng, đa số do công của Shlomo Egozi và Ran Goren. Tổng kết Ai Cập mất 750 biệt động quân, 330 bị bắt sống, số còn lại tìm đường thoát về lại Ai Cập.

        Các phi đoàn Mirage, Skyhawk và Phantom mong chờ trận chiến bắt đầu khác nhau. Phi công Do Thái được lệnh tấn công các dàn hỏa tiễn Syria lúc 11 giờ sáng và tiếp theo là những phi trường nằm sâu trong đất Syria. Bất ngờ, buổi sáng hôm đó có nhiều đám mây đen bao phủ bầu trời cao nguyên Golan Heights, đến buổi chiều vẫn chưa có lệnh dứt khoát của chính phủ. Những trở ngại này làm thay đổi cục diện chiến tranh, không lực cũng như quân đội Do Thái bị dồn vào thế phòng thủ xuống tinh thần.
        Ba sư đoàn bộ binh, thiết giáp Syria băng qua biên giới dọc theo cao nguyên Golan Heights. 1500 chiến xa tiến vào vùng phiá bắc cao nguyên và thung lũng sông Jordan dưới sự yểm trợ hỏa lực của 500 khẩu đại bác, phi cơ chiến đấu, pháo binh phòng không cùng những dàn hỏa tiễn điạ-không. Đối diện với Syria, trong vùng này, Do Thái chỉ có 180 chiến xa, hai lữ đoàn bộ binh phân tán mỏng ra những tiền đồn và không quân.
        Không lực Syria gồm có MIG-17, MIG-21, Sohoi SU-7 và Sohoi SU-20, xâm nhập không phận vùng Galilee và thung lũng, oanh kích những nhà kho, nơi được xử dụng làm nơi trình diện quân trừ bị. Phi đoàn phản lực cơ Skyhawk được lệnh lên tấn công những mũi dùi tiến quân thiết giáp Syria, không dè lâm vào những trận không chiến với phi cơ MIG của địch. Một phi công Do Thái kể lại, đang bay trên cao độ 8000 bộ dọc theo biên giới bỗng trông thấy cuộn khói hỏa tiễn từ dưới đất bay lên rồi một tiếng nổ lớn ngay trước mũi phi cơ, cách khoảng 500 thước. Trong khi đó, trên vùng biển Galilee, phi công số Hai trong phi tuần bị trúng đạn đại bác phát nổ. Mảnh vụn chiếc máy bay bắn ra tứ phiá và một chiếc dù bung ra.
        “Có ai nghe tôi không?”, viên phi công vừa nhẩy dù ra lên tiếng gọi trên tần số làm việc. “Tôi bị trúng miểng nơi bàn chân trái. Tôi vẫn còn trong phần đất của mình nhưng gió thổi dạt qua phia đông”. Viên phi công này vẫn còn may mắn, rơi trên khu vực không có địch quân, đến buổi tối bò về đất Do Thái và được cứu thoát. Hai hôm sau làm đám cưới.
        Trên bầu trời Kuneitra, phi cơ đầu tiên của Do Thái bị hỏa tiễn bắn rơi. Bốn hỏa tiễn điạ-điạ “Con nhái - Frog” của Syria rơi vào khu vực Migdal Ha Emeck. Mũi dùi thiết giáp Syria bị chặn đứng lúc xế chiều nhưng tấn công trở lại vào buổi tối.

        Khoảng nửa đêm, Eliezer “Leizik” Prigat, phi đoàn trưởng phản lực cơ Phantom bay phi vụ thứ năm. Cấp chỉ huy hải quân cũng như những đơn vị bộ binh trong vùng cao nguyên Golan Heights yêu cầu không trợ để làm giảm áp lực của liên quân Ai Cập, Syria. Không lực Do Thái không đủ sức đáp ứng nhu cầu không yểm cho mọi chiến trường. Chuyến bay thứ năm, Leizik bay yểm trợ trận hải chiến chống lại tầu phóng thủy lôi Ai Cập nơi hướng bắc dải đất Gaza. Vừa mới cất cánh, chiếc Phantom thứ hai báo cáo trục trặc kỹ thuật phải quay về, còn lại một mình Leizik bay đi yểm trợ.
        Trong ba phi vụ trước, cũng như các phi công khác, Leizik nhận được lệnh hành quân không rõ ràng. Trên tần số liên lạc, chàng biết nhiều phi cơ Do Thái được lệnh lên ngăn chặn các trận không tập của địch và nhiều phi công báo cáo gặp khó khăn trong các trận không chiến, bị bắn rơi. Sau mỗi phi vụ, trong khi chờ đợi lấy thêm xăng, Leizik được trao cho mảnh giấy nhỏ lệnh hành quân với những chi tiết không đầy đủ. Phi vụ thứ ba, yểm trợ cho căn cứ không quân Ofir, khi đáp xuống phi đạo nay hố bom, được nghe chuyện về hai phi công Nahumi và Shuki, Leizik không cần nghe lệnh hành quân từ vị chỉ huy trưởng căn cứ Yak.
        Trên vùng biển Gaza, được hai chiếc Skyhawk thả hỏa châu, Leizik bay xuống thả bom chiếc tầu phóng thủy lôi Ai Cập. Chiếc tầu địch lèo lái tránh được bom và hỏa tiễn bắn đi từ chiến hạm Do Thái. Hai chiếc Skyhawk cũng phải quay về căn cứ lấy thêm nhiên liệu, Leizik quyết định thanh toán chiếc tầu Ai Cập một mình. Thả trái hỏa châu xong, Leizik lái chiếc phi cơ bay về hướng chiếc tầu phóng thủy lôi. Càng gần chiếc tầu càng tốt, nhấn nút thả quả bom rồi kéo cần bay lên. “Trúng mục tiêu” viên sĩ quan định hướng vui sướng reo lên. Đêm đó, ngồi trong phòng làm việc, viên sĩ quan phi đoàn phó đặt lên bàn một chồng giấy lệnh hành quân cho những phi vụ ngày hôm sau. Chàng đã quên mình còn nhiệm vụ chỉ huy phi đoàn.

        Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat sau này viết trong tiềm thức của ông ta rằng chỉ có 5 trong số 222 phi cơ Ai Cập tấn công Do Thái trong đợt không tập đầu tiên bị bắn rơi. Ông tả những thiệt hại nặng nề cho các trung tâm hành quân của quân đội Do Thái. Cairo thường thổi phồng những chiến thắng cũng như trong trận chiến Sáu Ngày năm 1967. Trong bản báo cáo đặt trên bàn làm việc của vị tư lệnh không lực Do Thái, chỉ có các phi đạo trong hai phi trường Ofir và Refidim bị trúng bom, tuy nhiên đã được xửa chữa cấp tốc vài giờ sau đó. Đài kiểm soát không lưu nơi phiá nam Sinai bị thiệt hại nặng nhưng đài kiểm soát không lưu trong phi trường Rfidim không bị gì.
        Bầu không khí nặng nề bao trùm bộ tư lệnh không lực Do Thái trong đêm đầu tiên xẩy ra trận chiến. Mặc dầu đã học hỏi được nhiều qua các trận chiến với khối Ả Rập, phi công Do Thái bị khủng hoảng, mất mặt vì trận tấn công bất ngờ. Các phi cơ Do Thái vội vã cất cánh, bay lên hàng chục phi vụ, hầu hết về hướng Ai Cập và một ít về hường Syria. Họ phải đương đầu với 120 phi vụ của không quân Ai Cập, 60 của Syria và phải chận đứng các mũi tiến quân bộ binh, thiết giáp của địch dưới sự yểm trợ của các dàn hỏa tiễn điạ-không SAM.
        Các đơn vị bộ binh, thiết giáp Ai Cập bị tấn công tại những điểm tập trung để băng qua kênh đào Suez từ Port Said qua Ismailia và hồ Great Bitter. Mặc dầu các cây cầu bắc qua kênh đào bị oanh kích, công binh Ai Cập đã sửa chữa nhanh chóng. Tầu chiến Ai Cập tấn công Ras Zaafrana, dàn hỏa tiễn ở Al Qantara. Hỏa tiễn Syria rơi vào trong Do Thái, tuy nhiên các hỏa tiễn Kelt Do Thái chế tạo đã chống đỡ, bảo vệ không phận hiệu quả. Hỏa lực phòng không và các trận không chiến bắn rơi tất cả 37 phản lực cơ MIG.
        Tại mặt trận Syria, các mũi dùi bộ binh, thiết giáp Syria bị oanh kích trên đoạn đường Damascus – Kuneitra. Phi cơ Do Thái đánh phá đường tiến quân nơi phiá nam cao nguyên Golan Heights, ngăn cản thiết giáp Syria tiến vào vùng thung lũng sông Jordan và biển Galilee. Năm phản lực cơ Syria bị bắn rơi trong các trận không chiến, Do Thái rớt 4 phi cơ nơi kênh đào Suez, 2 trên cao nguyên Golan Heights.
        Vấn đề ra tay tấn công trước nằm trong tay địch quân. Cả hai phòng tuyến Syria, nơi hướng bắc và Ai Cập nơi hướng nam đều bị chọc thủng. Địch vẫn còn tiếp tục đánh sâu vào đất Do Thái. Kế hoạch đánh phá các dàn hỏa tiễn Syria vẫn chưa thực hiện được. Không lực Do Thái vẫn phải bay yểm trợ cho các đơn vị bộ binh đang cầm cự trên các mặt trận.

        Ngày hôm sau, tư lệnh không lực Do Thái Benny Peled gọi điện thoại “hỏa tốc” cho vị chỉ huy trưởng căn cứ không quân Refidim “Cheetah Cohen! Tổng trưởng quốc phòng Dayan (tướng Độc Nhãn) và phụ tá của ông ta, tướng Rehavam Ze’evi đang trên đường tới chỗ anh. Ông ta muốn gặp các vị tư lệnh chiến trường để làm một quyết định quan trọng. Tình hình tại hai mặt trận đều khó khăn. Tôi biết tướng Dayan, ông ra dám vào chỗ nguy hiểm, bộ chỉ huy tiền phương cấp tiểu đoàn, lữ đoàn. Tôi muốn anh đích thân lái máy bay cho ông ta, dùng một trực thăng võ trang nay đủ. Đây là lệnh! Không được đưa ông ta đến chỗ nguy hiểm. Mình không thể để mất ông tổng trưởng quốc phòng ngay từ đầu cuộc chiến. Lệnh chỉ thế thôi…”
        Trong lúc chiến tranh, kỷ luật quân đội vẫn là kỷ luật… vị chỉ huy trưởng căn cứ không quân đi thay bộ đồ bay mới và cúi xuống đánh bóng đôi giầy. Chiếc trực thăng chở tướng Dayan cùng vị tướng phụ tá hạ cánh xuống phi trường Refidim. Tướng Dayan bước ra khỏi máy bay, nhìn phớt qua viên sĩ quan đang đứng nghiêm chào rồi bước ra khỏi bãi đáp. Vị chỉ huy trưởng căn cứ không quân ngạc nhiên, quay sang hỏi vị tướng đi theo “Có chuyện gì vậy? Bộ ông ta mệt mỏi?”. Tướng Ze’evi đáp lại “Không! Ông ta đang bị giao động. Trên đường đến đây cứ nói lảm nhảm về chuyện tàn phá ngôi đền thứ ba (The Third Temple)”

        Làm đúng theo lệnh, đích thân vị chỉ huy trưởng căn cứ không quân lái trực thăng đưa tướng Dayan cùng vị phụ tá đến bộ tư lệnh tiền phương Phương Nam (Southern Front) ở Umm Hashiba. Bộ tư lệnh được xây dựng kiên cố ngầm dưới mặt đất, ăn sâu vào dưới chân vách núi. Trung tâm bộ tư lệnh tiền phương là một hệ thống phòng thủ với trung tâm hành quân, phòng tình báo với máy móc điện tử có thể theo dõi bao quát vùng kênh đào Suez và bên kia phần đất Ai Cập. Bãi đáp trực thăng cũng gần trung tâm hành quân.
        Bỗng có bốn chiếc MIG-17 từ hướng tây nam bay tới tấn công. Tướng Moshe Dayan vẫn bình tĩnh bước đi tới trung tâm hành quân, vị sĩ quan không quân vội chạy lại vừa nói vừa chỉ tay lên trời bốn chiếc MIG-17 đang lao xuống bắn đại bác. Vị tổng trưởng quốc phòng Do Thái vẫn tỉnh bơ như không nghe thấy tiếng gầm thét động cơ phản lực, tiếng đạn đại bác nổ. Tướng Ze’evi cũng cố gắng khuyến khích tướng Dayan nhanh lên. Vị sĩ quan không quân nói thật to rằng trung tâm hành quân vẫn còn cách một quãng, nên nhẩy xuống một giao thông hào gần đó. Trong khi đó tiếng đại bác phòng không bắn lên từng tràng, trúng bụng một chiếc MIG-17, chiếc phản lực quay vòng trên không rồi đâm xuống đất trước mắt mọi người. Rồi thêm một tiếng nổ lớn nữa. Chiếc MIG-17 thứ hai trúng đạn phòng không từ súng cao xạ L-70 đâm vào chân núi sát căn cứ. Hai chiếc MIG còn lại bay về hướng tây. Tướng Ze’evi thích thú vỗ tay, dấu hiệu tốt về sức kháng cự của quân lực Do Thái.
        Tuy vậy, tướng Dayan vẫn không đổi sắc diện, coi như không có chuyện gì xẩy ra. Trong trung tâm hành quân, tướng Shmuel “Gorodish” Gonen tư lệnh mặt trận phương nam, người hùng qua những trận chiến trước đo,ù thuyết trình những khó khăn gặp phải trên chiến trường khi cố gắp lập một tuyến phòng thủ mới chạy song song và cách bờ kênh đào Suez 20 dặm. Tướng Dayan, tổng trưởng quốc phòng e ngại sức tiến quân của địch, muốn bảo tồn lực lượng. Ông ta muốn lùi xa hơn nữa để lấy quân đem lên trám vào phòng tuyến phương bắc, đối đầu với quân đội Syria.
        Tất cả các sĩ quan tham mưu tái mặt. Theo ý định của vị tổng trưởng quốc phòng, nhường cho Ai Cập tất cả phần đất hướng tây bán đảo Sinai. Tướng Gorodish cố thuyết phục sẽ giữ được phòng tuyến khi nhận được quân trừ bị ra tăng cường. Trường hợp phải di tản, quân Ai Cập sẽ tràn vào Sinai, đem theo các dàn hỏa tiễn điạ-không SAM tối tân, gây khó khăn thêm cho không lực Do Thái. Cuối cùng vị tướng tư lệnh phương nam lên tiếng.
-           Thưa ông Tổng Trưởng, đây chỉ là một đề nghị hay là một lệnh hành quân? Nếu là đề nghị tôi từ chối, còn nếu là lệnh… Tôi chỉ nhận lệnh từ vị Tổng Tham Mưu Trưởng.

        Tướng Dayan lẩm bẩm, đó chỉ là đề nghị. Trong khi đó các tướng lãnh khác qua phòng bean cạnh gọi điện thoại “hỏa tốc” cho vị tổng tham mưu trưởng quân lực. Năm phút sau, tướng Gorodish vui vẻ nhận được lệnh từ tướng Dado, giữ nguyên kế hoạch, tử thủ. Tướng Dayan cùng với vị phụ tá tức tốc rời trung tâm hành quân phương nam, bay đi thủ đô Tel Aviv. Ông ta muốn đến bộ tổng tư lệnh nói chuyện với tướng Dado.
        Khi bay trở lại phi trường Refidim, vị chỉ huy trưởng căn cứ không quân đi thẳng xuống hầm trung tâm hành quân để biết những tin tức mới nhất về trận chiến. Vào bên trong, ông ta có cảm tưởng như vào một đám ma. Mặt các sĩ quan dài ra, mệt mỏi. Trên tấm bản đồ lớn, những mũi tiến quân của Ai Cập được đánh dấu bằng những mũi tên mầu đỏ. Năm sư đoàn với hơn 50000 quân, khó mà chặn lại được.

        Ngay trong những giờ phút đầu tiên của trận chiến, tư lệnh không quân Benny Peled vẫn tin rằng, không lực Do Thái phải dành ưu tiên cho mặt trận Syria. Một tướng lãnh cao cấp không quân đã được lựa chọn làm cố vấn trong bộ tư lệnh tiền phương Phương Bắc, đó chính là cựu tư lệnh không quân trong trận chiến Sáu Ngày Moti Hod. Đây là một hệ thống chỉ huy mới nơi bộ tư lệnh tiền phương, làm nhẹ gánh nặng cho bộ tư lệnh không lực. Bộ tư lệnh tiền phương được quyền xử dụng tất cả mọi phi cơ trong vùng tùy theo nhu cầu. Tướng Moti Hod cũng đến bộ tư lệnh phương nam lập bộ chỉ huy không trợ, sau đó quay trở về bộ tư lệnh Phương Bắc. Trước các mũi dùi thiết giáp Syria tiến vào cao nguyên Golan Heights, Moti Hod yêu cầu tổng trưởng quốc phòng, tổng tham mưu trưởng cho tăng cường thêm hai phi đoàn để chặn đứng mũi tiến quân của địch trước khi một sư đoàn trừ bị ra đến chiến trường. Ông ta nhận được một phi đoàn Skyhawk đến oanh kích, thả bom những nơi chiến xa Syria vào được. Tướng Hod hãnh diện tuyên bố “Trên chiến trường này, không một chiến xa địch qua được”.

        Buổi sáng ngày 7 tháng Mười, Ehud Hankin ngồi trong buồng lái chiếc Phantom dẫn đầu. Mới 31 tuổi, chàng là một trong những phi công “ngoại hạng” của Do Thái, hội viên trong phi đội biểu diễn. Trong trận chiến Sáu Ngày, và trận chiến Tiêu Hao, Hankin bắn rơi 3 phản lực cơ MIG và bị rớt máy bay 2 lần. Lần đầu năm 1967, chiếc Mirage của chàng bắn nổ tung phi cơ địch và bị mảnh phi cơ MIG văng trúng. Lần bị rơi maý bay thứ hai xẩy ra khoảng hai năm sau, trúng đạn phòng không khi oanh kích dàn radar Jordan. Cả hai lần Hankin nhẩy dù ra và được cứu thoát. Hankin là phi công lái Phantom đầu tiên bị bắn rơi, cũng là phi công Phantom đầu tiên bắn rơi phản lực cơ MIG.
        Trong phi vụ này mục tiêu là hai phi trường Ai Cập Kotmiya và Mansura. Trên tấm không ảnh, hai phi trường trông khác hơn sáu năm về trước trong trận chiến Sáu Ngày (1967). Phi trường Kotmiya name khoảng giữa thành phố Suez City và thủ đô Cairo, có hai phi đạo dài chạy song song, mầu đen nổi bật lên giữa nền cát vàng của sa mạc. Cũng như không lực các nước Ả Rập khác, người Ai Cập đã học hỏi bài học hành quân Moked cay đắng của Do Thái trước nay. Các phản lực cơ MIG được chứa trong những hangar bê tông cốt sắt, chỉ có vài chiếc đậu trên mặt đất và được bảo vệ bằng một dàn phòng không có radar điều khiển. Các phi trường Ai Cập được xây thêm những đường ra phi đạo mới đề phòng trường hợp bi trúng bom bế tắc như trước.
        Phi đoàn phản lực Phantom bay tránh dàn hỏa tiễn điạ-không dọc theo kênh đào Suez, sau đó tách rời theo đội hình đi tấn công những phi trường theo sự phân chia nhiệm vụ. Đến mục tiêu phi trường Kotmiya, Ehud lao xuống trước thả bom những hangar chứa phi cơ, chiếc Phantom khác trong phi đội oanh tạc phi đạo và lối ra phi đạo. Sau khi hết bom, các phi công Do Thái gom lại theo đội hình, rẽ qua hướng Mansura rồi hướng về căn cứ xuất phát.
        Các chiến đấu cơ Ai Cập bận yểm trợ quân bộ binh, thiết giáp, chỉ có vài chiếc lên ngăn chặn bảo vệ phi trường. Tổng kết trong ngày, 22 phi cơ Ai Cập bị bắn rơi trong các trận không chiến và hỏa lực phòng không trên các chiến trường. Phi trường Kotmiya bị tấn công đợt hai, ngày hôm sau, ngưng hoạt động 48 tiếng đồng hồ. Phi trường ở Mansura thiệt hại nặng hơn, ngưng hoạt động sáu ngày, 7 chiếc phản lực tối tân MIG-21 bị phá hủy trên mặt đất, nhiều hangar trúng bom hư hại.
        Phi đoàn phản lực Phantom vừa về đến căn cứ, các phi công nhận được lệnh hành quân mà họ đã mong đợi từ lâu. Họ được chuẩn bị trong vòng 2, 3 tiếng đồng hồ để bay đi tấn công hệ thống hỏa tiễn SAM dọc theo biên giới Syria. Những dàn hỏa tiễn này được ngụy trang, bố trí dọc theo hành lang từ Damascus đến Kuneitra. Con đường chính cho mũi tiến công của Syria vào vùng cao nguyên Golan Heights. Màn lưới hỏa tiễn của Syria đã được kiện toàn hoá sau trận chiến Sáu Ngày, đe dọa các phi cơ Do Thái bay yểm trợ cho các đơn vị bộ binh.
        Giới tuyến dọc theo cao nguyên Golan Heights, Syria đưa vào loại hỏa tiễn SA-6 tối tân, nhẹ nhàng hơn và dễ tu bổ hơn các loại hỏa tiễn cũ. Khi được phóng đi, động cơ hỏa tiễn loại SA-6 chỉ để lại một làn khói mỏng trong vòng 6 giây đồng hồ, rất khó cho các phi công địch nhận diện, sau đó động cơ phản lực sẽ lái chiếc hỏa tiễn đến mục tiêu. Ngoài ra hỏa tiễn SA-6 được gắn trên những dàn phóng lưu động, gây khó khăn cho phi công địch bay từ trên không, truy lùng để tiêu diệt. Tiếp theo là màn lưới lửa thứ hai, thứ ba gồm các loại hỏa tiễn tầm trung SA-3 và tầm cao SA-2.
        Không lực Do Thái đã biết rõ điều này, trong vòng hai năm đã soạn thảo những kế hoạch tấn công tiêu diệt các dàn hỏa tiễn điạ-không lợi hại của Ai Cập và Syria trong giai đoạn mở màn của trận chiến. Chuyên viên vũ khí, khoa học gia Do Thái chế tạo máy điện tử Tinh Khôn ELINT (Electronic Intelligence) để dò làn sóng radar phát ra từ các dàn hỏa tiễn.
        Ngày 5 tháng Mười, khi lệnh hành quân tấn công Syria được ban ra, không lực Do Thái mới biết mình không có đầy đủ tin tình báo mới nhất về vị trí những dàn hỏa tiễn của địch. Tiếp theo, lệnh hành quân phải dời lại vì lý do thời tiết và theo lệnh của chính phủ, không muốn mang tiếng là kẻ vung tay đánh trước. Những ngày kế tiếp, không lực vẫn không thực hiện được kế hoạch vì phải bay yểm trợ theo nhu cầu chiến trường của lục quân.
        Qua ngày thứ hai của trận chiến, không lực chỉ được lệnh tấn công các dàn hỏa tiễn Ai Cập dọc theo bờ kênh đào Suez. Nhiều phi cơ bị bắn rơi, kế hoạch hành quân bị thay đổi, phi công Do Thái mất đi lòng tự tin, tinh thần phục vụ. Tổng trưởng quốc phòng Moshe Dayan sợ quốc gia sẽ bị tiêu diệt, vị tổng tham mưu trưởng ra lệnh cho không lực đổi mũi tấn công sang mặt trận Syria.
        Hành quân Dugman 5 dự trù bắt đầu vào lúc 11 giờ 30 trưa, không lực Do Thái vẫn gặp phải một trở ngại lớn. Mặc dầu được trang bị máy điện tử Tinh Khôn ELINT có thể dò làn sóng radar các dàn phóng hỏa tiễn, Do Thái vẫn không có đủ chi tiết về hệ thống hỏa tiễn phòng thủ của địch, đặc biệt các dàn hỏa tiễn lưu động SA-6.
        Phi đoàn phản lực Phantom tận dụng tất cả mọi phi cơ trong phi đoàn bay đến mục tiêu. Họ chia làm ba phi đội 5 chiếc, sau đó bay từng cặp theo đội hình trước khi băng qua biên giới Syria. Các phi cơ Do Thái bay theo đội hình hàng ngang để dễ nhận diện mục tiêu và dễ bay lượn. Trên mục tiêu, màn lưới lửa của hỏa tiễn, đại bác phòng không Syria nổ mịt mù ở cả trên không lẫn trên mặt đất gây khó khăn cho các phi công xác định mục tiêu để tấn công. Họ chỉ lo làm thế nào để quay trở về Do Thái an toàn.
        Trong số 31 dàn hỏa tiễn của Syria, Do Thái chỉ xác định được 3 dàn phóng. Họ tìm thấy mấy dàn hỏa tiễn SA-6 bỏ trống nhưng địch đã di chuyển đi nơi khác. Hai cặp phi cơ Phantom lao xuống tấn công trước gây thiệt hại, những phi công theo sau không định rõ được mục tiêu chỉ gây thiệt hại nhẹ cho một dàn hỏa tiễn khác.
        Ehud Hankin cùng với sĩ quan định hướng Shaul Levi cũng không còn chính xác như trong buổi sáng tấn công các phi trường của Ai Cập. Hai chàng phi công nhận diện được dàn hỏa tiễn khác với mục tiêu trong phần thuyết trình. Bất chấp mọi hiểm nguy, Ehud lái chiếc máy bay lên cao để tấn công thêm lần nữa, giữa tiếng nổ của đạn đại bác phòng không và những đám khói hình cây nấm.
        Các phi công Do Thái cũng không biết được chính xác, chiếc Phantom do Ehud lái trúng đạn phòng không hay bị trục trace kỹ thuật đâm xuống đất. Cả hai Ehud và Shaul đều tử trận. Trong trận không tập đó, thêm 5 phi cơ Phantom bị bắn rơi, 9 phi công bị bắt sống. Tổng kết Do Thái mất đi 6 phản lực cơ Phantom, một nửa số phi cơ trong phi đoàn.
        Đúng 4 giờ 30 chiều, Benny Peled sửa lại bản báo cáo gửi cho vị tổng tham mưu trưởng. Không lực Do Thái đánh xập 7 trong số 14 chiếc cầu bắc qua kênh đào Suez. Tướng Dado mời Benny đến thuyết trình trước nội các trong chính phủ, họ đang mong chờ những tin tức chiến thắng từ các chiến trường gửi về. Tuy nhiên trên thực tế, công binh Ai Cập sửa chữa các chiếc cầu bị đánh bom nhanh chóng, bộ binh chiến xa Ai Cập vẫn còn xử dụng được 11 chiếc cầu để tiến vào vùng Sinai. Sĩ quan Do Thái trên mặt đất vẫn cầu cứu xin không trợ để chặn mũi tiến quân của địch đang tràn qua kênh Suez như nước vỡ bờ.
       
        Sau những thất bại trên cả hai mặt trận vì lệnh lạc không rõ ràng. Các phi công trẻ trong đó có Avihu Ben Nun vẫn không chịu tin rằng đã thất bại trong trận đánh các dàn hỏa tiễn Syria mà Ehud Hankin đã hy sinh. Họ thấy cần phải tiếp tục tấn công các dàn hỏa tiễn liên tục thêm hai ngày nữa, tuy nhiên lệnh từ trên cao xuống ngưng tấn công. Kết quả chỉ có 3 trong số 31 dàn hỏa tiễn điạ-không SAM của Syria bị hủy diệt khi trận chiến chấm dứt. Không lực Do Thái tự an ủi với thành quả trên vùng cao nguyên Golan Heights, bẻ gẫy mũi dùi thiết giáp Syria vào vùng trung tâm cao nguyên, bắn rơi 19 phi cơ địch trong các trận không chiến.

        Sáng sớm ngày 8 tháng Mười, đài kiểm soát không lưu báo động, nhiều phi đội phản lực cơ Ai Cập xuất hiện trên màn radar và có thể sẽ tấn công phi trường Redifim và những dàn radar lân cận. Vị chỉ huy trưởng căn cứ ra lệnh cho viên sĩ quan trực.
-           Anh đã ra lệnh cho máy bay lên ngăn cản chưa?
-           Thưa chưa! Họ đã được báo động. Ngồi trên phi cơ chuẩn bị.

        Tiếp theo lời đối thoại là tiếng động cơ phản lực Mirage gầm thét cất cánh. Các phi công Do Thái theo phản ứng tức thời, không cần phải nhận lệnh. Một phi tuần bốn chiếc phóng pháo cơ phản lực Sohoi SU-7 bay dưới cao độ thấp nơi hướng đông căn cứ, đổi hướng bay đến oanh kích. Các dàn đại bác phòng không L-70 có radar điều khiển bắt đầu bắn lên từng chập. Rồi phản lực cơ Mirage xuất hiện, các dàn đại bác phòng không phải tạm ngưng để mục kích một chiếc Mirage bay theo đuôi một chiếc Sohoi rồi phóng ra một hỏa tiễn Shafrir trúng chiếc Sohoi nổ tung. Thêm hai chiếc Mirage nữa xuất hiện đuổi theo bóng mấy chiếc Sohoi còn lại.
        Các phi công Mirage báo cáo về đài kiểm soát không lưu rằng cả bốn chiếc Sohoi đều bị bắn rơi làm tất cả mọi người reo hò vui mừng. Khi các phi công Mirage đáp xuống căn cứ được các chuyên viên cơ khí, chào đón nồng hậu, đặt các chàng hiệp sĩ trên vai đưa vào phòng họp. Trận không chiến chỉ kéo dài 45 giây, như hai phi công Shuki, Nahumi đã hoàn thành nhiệm vụ trên không phận căn cứ Ofir hai hôm trước.

        Avi Lanir, phi đội trưởng phi đội Mirage, người mà đã phối kiểm tin tức về quân đội Ai Cập qua những tấm không ảnh Mickey đem về, trên một phi vụ tuần tiễu dọc theo sông Jordan. Đài kiểm soát không lưu báo cho Avi biết, một phi tuần 4 chiếc MIG-17 Syria vừa oanh kích cao nguyên Golan Heights, ngăn cản đơn vị thiết giáp Do Thái trên đường lên tăng viện. Sĩ quan trực ra lệnh cho Avi bay lên hướng bắc, hy vọng sẽ gặp phi cơ địch. Dưới cao độ thấp, chiếc MIG dễ bay lượn hơn phi cơ Mirage, ngoài ra mặt đất có thể gây trở ngại cho hệ thống hướng dẫn hỏa tiễn phi cơ Mirage mang theo. Thêm một trở ngại lớn trên chiến trường Syria, nhiều mây che phủ, giới hạn tầm quan sát của phi công và hệ thống hỏa tiễn phòng thủ điạ-không SAM của Syria.
        Bay lượn tránh những đám mây và hỏa tiễn, Avi cùng với phi công bay chiếc Mirage thứ hai “Adi”. Bỗng nhiên cả hai nhận ra một chiếc MIG bay đằng trước, “Adi” yêu cầu để cho chàng thanh toán chiếc phi cơ của địch vì chiếc Mirage của chàng đang ở vị trí thuận lợi hơn. Avi đồng ý, “Adi” bấm nút khai hỏa, chiếc hỏa tiễn bay ra lao vào chiếc MIG nổ tung, rơi xuống đất, ba chiếc còn lại bay mất hút.
        Đêm đó, bầu trời có nhiều mây kéo dài qua hôm sau. Mây dầy đặc che phủ vùng cao nguyên Golan Heights chạy dài đến Damascus. Đêm qua một hỏa tiễn diện điạ “Frog” của Syria rơi vào căn cứ không quân Ramat David. Trước sự đe doạ của hỏa tiễn địch, chính quyền Do Thái cho phép không lực trả đũa, ném bom những mục tiêu kỹ nghệ, cơ quan đầu não, hệ thần kinh của chính quyền, quân đội Syria. Các tướng lãnh đồng ý chọn mục tiêu, trung tâm hành quân không quân Syria, gồm hai cao ốc nằm ngay trong thủ đô Damascus.
        Trận oanh kích này bao hàm hai bức điện văn: gây thiệt hại vật chất cũng như tinh thần có thể làm trắc trở kế hoạch hành quân trong bộ chỉ huy tối cao quân đội Syria. Nếu không vẫn có thể làm gián đoạn tạm thời vấn đề làm việc của đối phương, nhẹ đi áp lực của địch trên chiến trường. Điều này cho Syria biết rằng, các phi công Do Thái có thể bay xuyên qua màng lưới phòng không, hỏa tiễn để đánh ngay vào huyệt đạo của địch.
        Làm việc suốt đêm, 16 toán phác họa kế hoạch oanh kích trong phòng thuyết trình của phòng tình báo. Phi đoàn Phantom 16 chiếc chia làm đôi, mỗi phi đội tám phi cơ. Vị phi đoàn trưởng được đề cử chỉ huy trận oanh kích là Arnon, một sĩ quan trừ bị cũng là một trong những phi đoàn trưởng tài ba trong các phi đoàn tác chiến. Arnon chọn lựa những phi công, sĩ quan định hướng giỏi nhất cho trận oanh kích. Sáng sớm hôm sau, trong phòng thuyết trình căn cứ không quân có đầy đủ sĩ quan cao cấp. Trận oanh kích này rất quan trọng, ïcó thể làm thay đổi cục diện chiến tranh. Các phi công Do Thái phải hoàn thành nhiệm vu, nếu thất bại, tinh thần chiến đấu của quân lực sẽ tiêu tan. Arnon cùng với các phi công Do Thái cảm thấy gánh nặng, vận mạng quốc gia, sự sống còn của dân tộc nằm trong bàn tay họ.
        Phi công Do Thái cất cánh, gom lại thành đội hình, theo phi trình đã vạch sẵn, bay dưới cao độ thấp và giữ im lặng vô tuyến. Một phi cơ trong phi đội dẫn đầu báo cáo trở ngại kỹ thuật phải bay trở về căn cứ. Khi bay ngang qua cao nguyên Golan Heights, bầu trời không có nhiều mây nhưng càng vào sâu trong đất Syria, thời tiết trở nên xấu. Những đám mây dầy đặc che phủ bầu trời, thêm gió mạnh làm cho vấn đề bay lượn, định huớng, giữ đội hình tác chiến trở nên khó khăn khi bay dưới cao độ thấp. Tuy nhiên đó cũng là yếu tố bí mật.
        Mây càng lúc càng dầy thêm làm họ có cảm tưởng như bay trong màn đêm. Vấn đề định hướng gần như không thể được, Arnon sợ rằng đã lạc hướng bay, quyết định mở máy liên lạc, ra lệnh tiếp tục bay đến mục tiêu bất chấp mọi thời tiết. Khi gần đến Damascus, các phi công Do Thái gặp may, có một khoảng trống giữa các đám mây và Arnon xác định được mục tiêu, hướng dẫn hai phi đội Phantom bay theo.
        Thủ đô Damascus chào đón các phi công Do Thái trong bầu không khí yên lặng một cách nghi ngờ. Đây là một cái bẫy hay là địch quân tin rằng không một phi cơ nào có thể xuyên thủng độ dầy của mây? Không một viên đạn phòng không nào bắn lên, chỉ có một binh sĩ bắn lên hỏa tiễn mang trên vai Stella nhưng không trúng. Hệ thống còi báo động cũng không nghe thấy cho tới khi các phi công Do Thái đã thả bom xong đợt đầu tiên.
        Từng chiếc moat, bẩy chiếc Phantom trong phi đội dẫn đầu lao xuống thả bom. Mỗi phi cơ Phantom đem theo 5 tấn bom, tổng cộng 35 tấn rơi trúng mục tiêu. Tiếp theo, đạn đại bác phòng không Syria bắt đầu bắn lên như đan lưới, trúng một chiếc Phantom ngay buồng lái. Viên phi công tử trận, sĩ quan định hướng nhẩy dù xuống, bị bắt sống. Một phi cơ khác bị trúng đạn nơi cánh và động cơ bốc cháy ở đuôi. Arnon bay đến chỉ hướng bay trở lại Do Thái rồi hãy nhẩy dù ra. Viên phi công can đảm làm hơn nữa, lái chiếc Phantom đang cháy lết về đến căn cứ không quân Ramat David, vào giữa đám lính cứu hỏa, nhân viên cấp cứu.
        Sau khi đáp xuống, họ được cho biết rằng phi đội Phantom thứ hai đã được lệnh quay về, mây đã kéo đến che lấp khoảng trống trên bầu trời Damascus. Phi đội này bay lên, đặt dưới quyền điều động của Moti Hod, yểm trợ cho bộ tư lệnh Tiền Phương Bắc (Northern Command – Syria). Tám chiếc Phantom tấn công những đội hình thiết giáp của địch đang tiến vào vùng cao nguyên Golan Heights.
        Màn lưới tình báo cho biết trận oanh kích Damascus thành công. Bộ tư lệnh Trung Ương quân đội Syria trúng bom ngay trên sân thượng. Bộ tư lệnh không quân Syria trúng bom, hư hại một phần. Nhiều qủa bom rơi lạc vào khu vực lân cận, trúng đài truyền hình và trung tâm văn hóa Nga Sô, làm vài nhân viên người Nga thiệt mạng.

        Khoảng 10 giờ sáng, quân đội Syria ngưng khai hỏa các dàn hỏa tiễn, tướng Moti Hod vui sướng báo cáo lên vị tổng tham mưu trưởng. Tuy nhiên, lực lượng trừ bị của Do Thái vẫn chưa ra đến chiến trường. Tại mặt trận kênh đào Suez, các dàn hỏa tiễn SAM bị hư hại được thay thế nhanh chóng cũng như các chiếc cầu bắc qua kênh đào. Trên chiến trường Syria, chiến xa đã vào gần đến bộ tư lệnh tiền phương đơn vị bộ binh. Không lực Do Thái là cứu cánh duy nhất ngăn cản địch quân tiến vào phiá nam cao nguyên Golan Heights và tràn xuống vùng biển Galilee, thung lũng sông Jordan. Trong các trận oanh kích này, Do Thái mất một số chiến đấu cơ, phi công.

        Benny Peled được thông báo, Nga Sô đã lập cầu không vận đem thêm hỏa tiễn, vũ khí và đồ trang bị cho Syria từ ngày 9 tháng Mười. Không lực Do Thái được lệnh tiếp tục tấn công sâu vào đất Syria. Phi cơ Phantom đánh phá các mục tiêu kỹ nghệ của Syria như: nhà máy điện, xưởng lọc dầu, kho chứa dầu, hệ thống cầu cống, dẫn nước ngọt. Các trận không tập này nhằm mục đích làm giảm hiệu năng sức tấn công của Syria vào Do Thái.
        Các trận tấn công các phi trường của Syria bắt đầu từ ngày 8 tháng Mười. Trong trận tấn công đầu tiên phi trường Natzaria, các phi cơ Do Thái bắt gặp đúng lúc một phi đội phản lực cơ MIG đang chuẩn bị hạ cánh, tiêu hủy ba chiếc. Trong vòng sáu ngày kế tiếp, không lực Do Thái tấn công các phi trường quân sự trong hệ thống bảo vệ không phận Syria ở Halhoul, Blei, Dumiar, Seiqal và phi trường T-4 nằm ngay biên giới với Iraq. Năm đài radar chạy dài từ biên giới đến thủ đô Damascus, ở Tartus trên vùng biển Điạ Trung Hải cũng bị tấn công. Không lực Syria phải đưa một số phi cơ về phòng thủ không phận do đó giảm cường độ tấn công nơi chiến trường. Bộ binh Do Thái phản công đẩy lui các đơn vị thiết giáp Syria ra khỏi cao nguyên Golan Heights và bắt đầu tấn công về hướng Damascus kể từ ngày 11 tháng Mười.
        Ngày 14 tháng Mười, 11 phi cơ MIG của Syria bị tiêu hủy trên mặt đất, 21 chiếc khác bị bắn rơi trong các trận không chiến. Phiá Do Thái có 4 phản lực cơ Phantom bị rớt. Bắt đầu có dấu hiệu sức chiến đấu cũng nhự hệ thống phòng không của Syria đã yếu đi.
        Trong khi đó các vận tải cơ khổng lồ của Nga Sô đem đến cho Syria hàng loạt hỏa tiễn điạ-không mới, cũng như các loại súng phòng không, vũ khí đủ loại cùng với đạn dược và đồ tiếp liệu cho quân đội Syria. Trong khi tấn công các phi trường ở Syria, phi công Do Thái vẫn không được lệnh thanh toán các vận tải cơ của Nga Sô.

        Phiên họp trong bộ tư lệnh tối cao quân lực sáng ngày 12 tháng Mười, khuôn mặt tướng Benny Peled tư lệnh không lực Do Thái cũng như các tướng lãnh khác chẩy dài ra. Họ đã trải qua một tuần lễ mệt mỏi, và sẽ phải trực diện những khó khăn trong các ngày sắp tới. Mặc dầu binh sĩ Do Thái chiến đấu rất dũng cảm trên khắp các chiến trường, tuy nhiên vấn đề nhân lực, vật lực của quốc gia giảm xuống một cách đều đặn mà không được thay thế hoặc bổ sung. Trong khi các vận tải cơ khổng lồ Nga Sô vẫn tiếp tục đem vũ khí, đồ tiếp vận đến cho địch quân, người Hoa Kỳ vẫn chưa hứa hẹn gì với Do Thái.
        Tướng Dado tổng tham mưu trưởng cùng các tướng lãnh khác quay về phiá tướng Benny Peled, tư lệnh không quân như cầu cứu tìm giải pháp. Phụ tá tổng tham mưu trưởng là tướng Israel Tal nhớ lại giây phút đó như sau. Tướng Peled nhìn vào mắt tất cả mọi người và nói rằng, với con số thiệt hại hàng ngày, sức mạnh của không lực sẽ yếu đi không đủ sức bảo vệ không phận quốc gia, nếu tình thế trên các chiến trường không thay đổi. Không một vị tướng nào tìm được giải pháp tốt đẹp hơn. Trước hiện tình đất nước, vị tổng tham mưu trưởng soạn thảo văn thư, trình bầy ý kiến của các tướng lãnh trong bộ tổng tham mưu gửi cho chính quyền Do Thái. Họ không còn giải pháp nào khác ngoài việc yêu cầu một hiệp định ngưng bắn dọc theo phòng tuyến hiện tại, ngay cả việc phải công nhận sự hiện diện của quân đội Ai Cập trong vùng bán đảo Sinai.
        Chính phủ Do Thái liền thông báo cho Hoa Kỳ, rồi tới Ai Cập rằng Do Thái muốn ngưng chiến và sẵn sàng chấp nhận lằn ranh giới tại chiến trường. Ai Cập nhận thấy sự suy yếu của Do Thái bác bỏ đề nghị ngưng bắn. Trận chiến tiếp tục.

        Trong khi đó, trung tâm Tìm Kiếm, Cấp Cứu của không lực Do Thái làm việc 24/24. Các sĩ quan làm việc với bản đồ hành quân cùng với máy móc truyền tin liên lạc. Họ chia ra làm nhiều toán chuyên môn đi bay tìm kiếm và cứu những phi công đã nhẩy dù ra. Khi một phi công hoặc sĩ quan định hướng báo cáo về trung tâm, vị trí máy bay bị rơi sẽ được đánh dấu và tọa độ trao cho phi hành đoàn trực thăng đi cấp cứu. Trực thăng cấp cứu được trang bị máy dò tìm tín hiệu khẩn phát ra từ báo báo nguy của phi công. Các phi công lâm nạn được trung tâm xếp thứ tự theo ưu tiên, thứ nhất là các phi công nhẩy dù xuống trong khu vực địch kiểm soát. Trường hợp này trực thăng cấp cứu phải chạy đua với thời gian nếu không phi công sẽ bị địch giết hoặc bắt sống. Ưu tiên còn được dành cho những phi công hoặc phi hành đoàn bị thương.  Những phi công nhẩy dù xuống phần đất Do Thái phải tự lo liệu lấy như trường hợp một phi công bị bắn rơi trên cao nguyên Golan Heights được đơn vị chiến xa Do Thái cứu.
        Nhóm thứ hai được trao cho nhiệm vụ phức tạp hơn, tìm kiếm những quân nhân bị mất tích từ những ngày đầu của trận chiến. Trong những trận oanh kích, các phi công chỉ biết bạn mình lao xuống tấn công, trường hợp không thấy bay trở lên, vẫn khó trả lời chính xác viên phi công bạn có nhẩy dù ra được không và rơi xuống đâu. Nhiệm vụ này vẫn tiếp tục ngay cả khi chiến tranh đã chấm dứt. Một trong những phi công bị mất tích là đại tá Arlozor “Zorik” Lev, chỉ huy trưởng căn cứ không quân Ramat David. Ông ta cất cánh trong ngày thứ tư khi trận chiến bắt đầu, trong một phi vụ tấn công các dàn hỏa tiễn Ai Cập nơi hướng bắc kênh đào Suez. Là cấp chỉ huy, “Zorik” lao xuống mục tiêu trước và biến mất.
        Gần trưa ngày 13 tháng Mười, phi công Phantom Mati đang trôi lềnh bềnh trong chiếc áo phao trên vùng biển Điạ Trung Hải đối diện thành phố Beirut, Lebanon cả tiếng đồng hồ. Chỉ có đầu Mita nổi trên mặt nước biển, cả người chìm trong nước nước lạnh. Viên sĩ quan định hướng Dekel cũng trôi dật dờ bên cạnh anh ta. Trên bầu trời trận oanh kích, không chiến vẫn còn đang tiếp diễn.
        Mati cùng các phi công Phantom trong phi đoàn được đánh thức dậy trước rạng đông để chuẩn bị cho trận oanh kích phi trường El Mezzeh trong thủ đô Damascus của Syria. Họ cất cánh khi trời còn tối, chia làm bốn phi đội mỗi phi đội bốn chiếc, Mati dẫn đầu phi đội thứ hai.
        Bay về hướng đông, mặt trời nhô lên tỏa ánh sáng làm chóa mắt các phi công và sĩ quan định hướng. Trên mục tiêu, họ được chào đón với hỏa lực phòng không mạnh mẽ, rồi Mati nghe một tiếng động lớn như có vật gì đập vào chiếc Phantom của chàng và mấy hỏa tiễn SAM bay ngang qua. Tiếp theo viên sĩ quan định hướng báo cho Mati biết máy bay trúng đạn phòng không bốc cháy nơi cánh, sau đó Mati biết được nhiều cơ phận máy bay không còn điều khiển được nữa. Phi công Số Hai báo động “Máy bay của anh bị cháy”, Mati rời mục tiêu, cố gắng lái chiếc máy bay đang bốc cháy bay về hướng tây rồi cùng với viên sĩ quan định hướng nhẩy dù xuống vùng biển Điạ Trung Hải.
        Hai mươi phút sau, trực thăng cấp cứu đến định thả dây xuống kéo hai chàng phi công lên bị địch quân trên bờ xử dụng súng cối pháo kích, phải bay đi nơi khác. Cuối cùng, không lực Do Thái phải đưa lên hai chiếc A-4E Skyhawk khóa các ổ súng cối, đại liên của địch. Tưởng êm, không ngờ Syria cho phản lực cơ MIG lên tấn công hai chiếc Skyhawk. Không lực Do Thái cho lệnh hai phản lực A-4E bay trở về căn cứ không quân Ramat David và đưa lên bốn chiếc Mirage không chiến. Phi công Mirage bắn rơi hai chiếc MIG, một phi công Syria nhẩy dù xuống biển. Sau đó trực thăng mới vào vớt lên được hai chàng phi công và một trực thăng khác vào “câu” lên viên phi công địch.

        Buổi trưa hôm đó, Avi Lanir phi đội trưởng phi đội phản lực cơ Mirage bị trúng đạn phòng không trên cao nguyên Golan Heights phải nhẩy dù ra. Một bầu không khí im lặng bao trùm trung tâm Tìm Kiếm, Cấp Cứu khi nhận được tín hiệu cấp cứu của Avi. Trên tấm bản đồ lớn, vị trí nhẩy dù xuống là khu vực Tel A Shams trên phần đất Syria. Khu vực này đầy chiến xa Syria bị chiến xa Do Thái truy kích.
        Trung tâm Cấp Cứu xin được liên lạc thẳng với vị chỉ huy lữ đoàn thiết giáp Do Thái đang tiến quân gần nơi Avi nhẩy dù xuống. Vị chỉ huy trưởng trung tâm không muốn lập lại chuyện xẩy ra như trường hợp phi công A-4E Skyhawk Gabi Gerzon bị bắn rơi trên cao nguyên Golan Heights. Trực thăng vào cứu Gabi bị phòng không bắn rơi, chiếc thứ hai phải vào cứu phi hành đoàn trực thăng. Gabi bị bắt làm tù binh, được trả về khi chiến tranh chấm dứt, chàng mất một chân.
-           Bạn có thấy chiếc dù nở trên bầu trời không?  (Trung tâm Cấp Cứu)
-           Nhận rõ! Đáp xuống cách chúng tôi khoảng vài cây số. Chiến xa dẫn đầu của chúng tôi báo cáo phản lực cơ MIG bị rớt và viên phi công đã xuống chỗ bọn chúng nó.
-           Không đúng! Nghe rõ đây! Viên phi công đó là phe ta. Không có chiếc MIG nào rơi trong khu vực. Phe ta, Phe ta!

        Cuộc điện đàm chấm dứt. Vị sĩ quan chỉ huy lữ đoàn thiết giáp biết mình phải làm gì. Vài phút sau, ông ta báo cáo về trung tâm Cấp Cứu “Roger! Roger! Tôi đã ra lệnh cho thiết giáp tiến lên đón viên phi công. Bọn chúng nó cũng cho xe tăng lên”. Thêm một phút đồng hồ trôi qua “Tôi có thể trông thấy anh ta bằng ống nhòm. Anh ta đã tháo dù và đang chạy về hướng mình, như vậy đã biết được tình trạng của anh ta”.
        Năm phút sau, mọi người trong trung tâm bỏ quên tất cả mọi chuyện đang làm để lắng nghe cuộc điện đàm trên máy truyền tin. “Bọn Syria đang đuổi theo anh ta. Chúng bắn mấy qủa đạn đại bác để bắt anh ta đứng lại. Các chiến xa của chúng tôi đang quần thảo với chiến xa địch”.
        Thêm ba phút dài đăng đẳng trôi qua. “Tôi xin lỗi. Tôi hết sức xin lỗi. Chúng tôi phải ngừng tấn công vì có thể gây nguy hiểm tính mạng người phi công. Bọn Syria đã bao quanh anh ta”.
        Bầu không khí trong trung tâm Cấp Cứu im lặng nặng nề. Mặt người nào cũng tái đi. “Đây là báo cáo cuối cùng trên tần số làm việc. Bọn chúng đã lôi anh ta lên một thiết vận xa, ra khỏi vòng chiến hướng về Damascus”.
        Khi vị tổng tham mưu trưởng được báo cáo Avi bị địch bắt sống, mọi tướng lãnh đang đứng xung quanh ông ta đều tê tái. Benny Peled ra lệnh theo thủ tục ngoại giao thông báo cho phiá Syria biết rằng phiá Do Thái mục kích từ đầu đến cuối khi Avi bị bắt. Qua những kinh nghiệm trao trả tù binh trước nay, lời thông báo này sẽ bảo đảm viên phi công sẽ không bị đánh đập tàn nhẫn đến mức độ tàn phế. Rủi thay! Trong trận chiến này, chính quyền và quân đội Syria không giữ đúng lời cam kết. Mới đầu họ chối, nói không có bắt giữ làm tù binh Avi, sau đó nói rằng Avi bị thương. Rốt cuộc, nói rằng Avi đã chết vì vết thương. Theo phiá Do Thái Avi đã bị giết chết trong tù. Qua nhiều thủ tục ngoại giao, xác Avi được trao trả cho người Do Thái, chàng được ân thưởng huy chương cho những việc làm quả cảm khi làm phi đội trưởng phi đoàn phản lực Mirage vàlúc nằm trong tay địch quân.

        Ngày 17 tháng Mười, vài tiếng đồng hồ trước khi đơn vị bộ binh dưới quyền danh tướng Arik Sharon (Sau lên làm thủ tướng) băng qua kênh đào Suez, không lực Do Thái được thông báo, hệ thống hỏa tiễn của địch dọc theo phòng tuyến phương bắc xung quanh hải cảng Said đã hoàn toàn bị tiêu hủy và vẫn chưa được thay thế. Trong vòng mười ngày trước, phi công Do Thái đã oanh kích các dàn hỏa tiễn ba lần và địch có đủ hỏa tiễn mới để thay thế các dàn phóng bị hủy hoặc hư hại. Không lực Do Thái đổi hướng oanh kích 15 đài radar nằm sâu trong đất Ai Cập và 5 đài radar khác ở Syria.
        Buổi sáng hôm bộ binh Do Thái đánh qua đất Ai Cập được không quân yểm trợ tấn công 70 dàn hỏa tiễn dọc theo bờ kênh Suez, chỉ có 6 phi cơ bị bắn rơi. Các đơn vị thiết giáp, pháo binh Do Thái tấn công phá hủy thêm 11 dàn phóng hỏa tiễn lưu động SA-6. Hệ thống hỏa tiễn phòng thủ của Ai Cập bị tê liệt. Từ ngày 22 tháng Mười trở đi, phi công Do Thái báo cáo không thấy sự đe dọa của hỏa tiễn điạ-không SAM và tăng thêm phần yểm trợ cho bộ binh.

        Ngày 16 tháng Mười, David Ivri phụ tá hành quân, không lực Do Thái mời vị chỉ huy trưởng phi đoàn trực thăng đến văn phòng. Ivri cho xem tấm ảnh một trực thăng MI-8 chở biệt động quân Ai Cập bị bỏ rơi và ra lệnh tìm cách đem về chiếc trực thăng do Nga Sô chế tạo để nghiên cứu.
        Các phi công trực thăng đem theo một phi công trực thăng Ai Cập bị bắt sống bay đến chỗ chiếc trực thăng MI-8 bị bỏ rơi. Họ đáp xuống, đi một vòng quan sát bên ngoài. Nơi đằng mũi, có một xác chết phi công Ai Cập. Chiếc trực thăng chở đầy lính bị phản lực cơ Do Thái săn đuổi, phát hoảng đáp xuống, chạm mặt đất thật mạnh, gẫy bánh trước mũi. Máy móc vẫn còn tốt, các phi công bay chiếc trực thăng MI-8 vê căn cứ không quân Redifim.

        Trong những ngày kế tiếp, phi đội bốn chiếc phản lực Nesher dưới quyền Mickey Katz, cũng như các phi đội phản lực khác bay đi tấn công những mục tiêu từ kênh đào Suez vào sâu trên đất Ai Cập. Họ bay yểm trợ cho một đơn vị bộ binh dưới quyền Arik Sharon đang tấn công băng qua giải đất nối liền Phi châu và vùng Trung Đông. Hệ thống hỏa tiễn phòng thủ của Ai Cập đã bị tiêu diệt, không lực Ai Cập không còn là một nỗi đe dọa, họ bay đến tấn công thả bom trên các đơn vị bộ binh Do Thái rồi biến mất.
        Phi đội dưới quyền Mickey bay thấp băng qua kênh đào Suez. Khi họ đổi hướng bay lên phiá bắc, đài kiểm soát không lưu báo cho họ biết, phản lực cơ MIG vừa bất ngờ tấn công mũi tiến quân của Do Thái sâu nhất trên đất Ai Cập. Bốn chiếc Nesher bay lên lấy cao độ để đuổi theo phi cơ địch, bỗng nhiên bị hỏa lực phòng không bắn lên dữ dội.
        Chiếc Nesher của Mickey như bị trúng một “quả đấm” thật mạnh. Động cơ máy bay rung lên rồi ngưng hoạt động. Chiếc phản lực vẫn còn tốc độ nhanh và cao độ, Mickey hy vọng sẽ bay lượn chiếc máy bay về hướng đông, băng qua phòng tuyến với công sự phòng thủ kiên cố của quân đoàn 3 Ai Cập về đất Do Thái rồi sẽ nhẩy dù ra.
        Mickey là phi công được tuyển trong không lực Do Thái khi chế tạo phản lực cơ Nesher. Loại phi cơ này được chế tạo dựa theo loại chiến đấu cơ Mirage của Pháp. Chàng rất quen thuộc với loại phi cơ này, bình tĩnh lái chiếc phi cơ lâm nạn bay về hướng Do Thái. Mickey chỉ tiếc một điều là phải bỏ rơi chiếc phi cơ khi nhẩy dù ra.
        Eitan Carmi, phi công Số Hai bay theo hộ tống chiếc máy bay trúng đạn, Eitan cũng đã từng bắn rơi hỏa tiễn Kelt bắn vào thủ đô Tel Aviv. Đài kiểm soát không lưu cũng theo dõi phi trình của Mickey. “Whip One. Tôi gửi đến cho bạn một phi đội bốn chiếc Phantom”. Phi đội phản lực cơ Phantom sau một phi vụ oanh kích xong, trên đường về được điều động bay theo bảo vệ chiếc Nesher lâm nạn.
        Bay ngang qua hồ Great Bitter Lake, Mickey cảm thấy sức nóng của lửa đã vào trong buồng lái, sợ chiếc máy bay có thể nổ tung bất cứ lúc nào. Khi biết mình đã bay ngang qua phòng tuyến của quân đoàn 3 Ai Cập, Mickey bấm nút bung dù ra. Đã lâu chàng không có dịp nhẩy dù, đáp xuống đất một cách nặng nề, cảm thấy như bị một vật nhọn đâm vào xương sống rồi ngất đi. Khi tỉnh dậy trong bệnh viện dã chiến, căn cứ không quân Redifim, Mickey không cử động được chân tay và được di chuyển cấp tốc đến một bệnh viện trong thủ đô Tel Aviv. Tư lệnh không quân, tướng Benny Peled mặc dầu quá bận hành quân vẫn bỏ thì giờ đến thăm. Sau bốn tháng điều trị, tập luyện, Mickey được thuyên chuyển đến phục vụ trong một phi đoàn vận tải. Phi vụ sáng hôm đó kết thúc sự nghiệp lái chiến đấu cơ của một phi công, người đã lái máy bay thám thính, khám phá ra sự chuyển quân của Ai Cập khởi đầu trận chiến và cũng là phi công lên ngăn chặn, bảo vệ phi trường Redifim, bắn rơi phóng pháo cơ Sohoi.

        “Guri” ngồi chờ ứng chiến trong buồng lái một chiếc Nesher trong một hangar ngầm dưới mặt đất nơi phi trường Redifim trong khi mảnh vụn chiếc Nesher do Mickey lái nổ tung rơi rải rác trong sa mạc Sinai. Guri cùng với một phi công khác được lệnh ngồi chớ cất cánh khi có lệnh. Mỗi phút trôi qua kéo dài như vô tận, trong vòng 48 tiếng đồng hồ qua, chàng không ngờ mình bắn hạ được 5 phi cơ địch.
        Khi trận chiến bắt đầu, Guri đang làm việc trong bộ tư lệnh không quân, ngồi nghe kết quả, những báo cáo gửi về mà không làm được gì. Nóng lòng chàng xin ra chiến trường và thuyên chuyển đến phi trường Redifim. Đêm trước Guri được lệnh cất cánh lúc trời vừa chập tối để bảo vệ chiếc cầu duy nhất của Do Thái bắc qua kênh Suez. Dưới ánh lửa của bom Napalm, chàng trông thấy chiếc trực thăng MI-8, thủ phạm thả quả bom Napalm. Guri điều chỉnh cho chiếc trực thăng vào họng súng rồi khai hỏa khẩu đại bác 37 ly bắn rơi chiếc trực thăng MI-8 xuống kênh đào Suez.
        Ngày hôm sau, Guri được lệnh bay lên tấn công hai chiếc Sohoi trong một đoàn tám chiếc thả bom đơn vị bộ binh Do Thái đang tìm cách vượt qua kênh đào Suez. Chàng bắt kịp đội hình phản lực cơ Sohoi SU-7 bắn rơi chiếc bay cuối cùng bằng hỏa tiễn. Vài giây sau, Guri bắn rơi chiếc Sohoi dẫn đầu bằng đại bác 37 ly trước khi chiếc này bay thoát về phiá sau màn lưới phòng không của Ai Cập. Vào buổi chiều, bay bao vùng yểm trợ cho bộ binh, Guri bắn rơi thêm hai chiếc Sohoi SU-20 khác. Trong trận này, mấy phản lực cơ Sohoi lo để ý một phi đội bốn chiếc Phantom trên đường đi tấn công các mục tiêu trong đất Ai Cập, không dè Guri đang có mặt trong vùng. Guri sợ sẽ trúng vào phi cơ bạn, ra lệnh trên hệ thống truyền tin “Phantom, Bay tránh đi chỗ khác”. Viên phi công lái Phantom, giật mình chưa biết ai ra lệnh nhưng vẫn làm theo, đổi hướng bay. Mục tiêu đã rõ, Guri khai hỏa khẩu đại bác.
        Cả buổi sáng hôm đó, Guri được trao cho trách nhiệm bay tuần tiễu yểm trợ cho các đơn vị bộ binh băng qua kênh đào Suez. Buổi chiều ngồi trực ứng chiến, Guri thầm nghĩ lại những chuyện xưa. Từ bé chàng rất say mê máy bay, lớn lên xin gia nhập không quân nhưng bị loại vì “trở ngại về tim”. Buồn tình, Guri tình nguyện vào lính nhẩy dù và xuất sắc trong bộ môn nhẩy dù điều khiển. Nhờ thành tích này, Guri thuyết phục vị bác sĩ cho chàng theo học khóa hoa tiêu. Vị bác sĩ đồng ý nhưng chỉ cho phép cho Guri lái trực thăng. Sau khi đã trở thành phi công trực thăng, Guri vẫn thích lái máy bay chiến đấu, tiếp tục thuyết phục cấp chỉ huy và được gửi đi học lái phản lực. Guri tốt nghiệp khóa huấn luyện với hạng đầu.
        Trong trận chiến Sáu Ngày, Guri lập thành tích đầu tiên, lái phản lực cơ Mirage bắn rơi chiếc Sohoi SU-7 trong ngày thứ hai của trận chiến. Khi trận chiến Tiêu Hao bắt đầu, Guri đã nổi tiếng là phi công “săn phi cơ MIG”. Trong vòng 20 tháng kế kiếp, chiếc Mirage của Guri được vẽ thêm bốn chiếc phi cơ địch gồm có: 1 Sohoi, 2 MIG-21 và 1 MIG-17. Lần cuối cùng bắn rơi chiếc MIG-17 với cao độ trên đầu ngọn cây trong vùng bìng nguyên sông Nile.
        Đúng 4 giờ 30 chiều, Yigal viên sĩ quan trực đài kiểm soát không lưu báo cho Guri biết nhiều phi cơ Ai Cập tấn công bộ binh Do Thái nơi chiếc cầu băng qua kênh Suez. Bay theo Guri có thêm một cặp phản lực cơ Nesher và một cặp Mirage. Trên không phận hồ Bitter Lake, Guri báo cáo về không thấy dấu hiệu phi cơ địch. Yigal ra lệnh tiếp tục bay về hướng tây trên đất Ai Cập hy vọng sẽ gặp phản lực cơ MIG. Bỗng nhiên, Guri trông thấy hai chiếc MIG từ hướng Jabal Obeid bay lên phiá bắc không chiến.
        Guri ra lệnh cho các bạn “Bỏ bình xăng phụ. Tăng tốc độ lên”. Các phi cơ Do Thái đổi hướng bay vòng ra đằng sau hai chiếc MIG, chàng phát hiện thêm khoảng 10 cặp phản lực cơ MIG-21 và SU-20 đang bay lên cao độ 10 ngàn bộ. Trên bầu trời ngoài phi đội của Guri còn có thêm một phi đội bốn chiếc Mirage khác, lên thay thế cho bốn chiếc Phantom không chiến chống lại tám chiếc MIG. Mấy chiếc Phantom trong một phi vụ oanh kích bị tám chiếc MIG lên chặn đường về. Phi công Phantom bắn rơi hai chiếc MIG rồi được phi đội Mirage lên tiếp cứu, sáu chiếc MIG còn lại bỏ chạy.
        Hai phi đội tám phi cơ Mirage, Nesher chia đôi chống lại 20 phi cơ MIG của Ai Cập. Các phi cơ bay vòng vòng trên bầu trời, chiếc nọ đuổi theo đuôi chiếc kia. Ngồi trong buồng lái chiếc Nesher, Guri chú tâm đến hai chiếc MIG, làm mồi dụ cho phi đội của chàng vào tròng. Guri bám theo đuôi chiếc bay sau, phóng đi một hỏa tiễn Shafrir (hỏa tiễn tầm nhiệt, Do Thái chế tạo) làm nổ tung chiếc MIG. Adar, phi công Số 2 trong phi đội của Guri trúng mảnh hỏa tiễn của địch, chàng được lệnh của Guri bay về lại căn cứ.
        Đang say mê tìm “đối tượng”, phi công Số 3 Harry bay vụt qua đuổi theo đuôi một phản lực cơ MIG chỉ còn cách khoảng 200 thước. Guri la lớn trên máy liên lạc Harry.
-           Tại sao không “dứt điểm” nó?
-           Tôi không chắc bắn trúng nó!

        Chiếc MIG bay qua lại tránh tầm đạn đại bác của Harry. Không cho được chiếc MIG vào tầm tác xạ, Harry giảm tốc độ cho chiếc phi cơ địch bay cách xa ra rồi phóng ra một hỏa tiễn (gần quá, tốc độ nhanh của hỏa tiễn có thể bay trật mục tiêu). Harry bình tĩnh báo cáo “Rớt!”. Chưa kịp lên tiếng chúc mừng Harry, phi công Số 4 Kole báo cáo phóng hỏa tiễn trúng một chiếc MIG khác nhưng không chắc phi cơ địch có bị rớt chưa.
        Guri bay theo một chiếc MIG khác, chàng đã quá kinh nghiệm, không bay gần quá 200 thước, trường hợp bắn nổ tung phi cơ địch, mảnh phi cơ có thể trúng vào phi cơ của mình. Giữ khoảng cách 300 thước, chàng khai hỏa khẩu đại bác 37 ly bắn rớt thêm một phi cơ địch.
        Bất ngờ, Harry báo cáo trục trặc kỹ thuật, rồi Kole cũng báo cáo gần hết xăng. Guri cho lệnh cả hai bay về trước, còn chàng vẫn tiếp tục trận không chiến. Trong khi đó, phi đội Mirage thứ hai cũng báo cáo bắn rơi một Sohoi SU-20. Trên bầu trời lúc đó còn lại 5 phi cơ Do Thái chống lại 15 phi cơ Ai Cập.
        Guri bẻ lái qua trái, hai chiếc MIG bám theo sau định sẽ bắn chiếc Nesher bằng đại bác khi còn cách khoảng 500 thước. Guri bay vòng ngược ra đằng sau, hai vệt sáng lướt qua, một hỏa tiễn và một chiếc MIG không trúng mục tiêu. Lộn vòng ra sau đuôi hai phản lực cơ MIG, Guri khai hỏa đại bác 37 ly, cho chiếc MIG thứ ba vào bảng phong thần. Guri trông thấy thêm hai phản lực cơ MIG khác đang bay lên lấy cao độ, chàng vòng xuống đất rồi bay ngược lên theo đuôi, nhắm chiếc MIG bay sau, siết cò khẩu đại bác trúng ngay buồng lái, viên phi công Ai Cập chết ngay tức khắc, chiếc phi cơ lộn vòng rồi rơi thẳng xuống đất như một tảng đá.
        Quan sát bầu trời, không còn phản lực cơ MIG nào trong vùng, không có những cây nấm đạn phòng không, không một chiếc dù. Tất cả mọi phi cơ đều đã bay ra khỏi khu vực không chiến. Mức độ xăng trên chiếc Nesher của Guri đã xuống thấp, chàng đã cho thêm bốn phản lực cơ MIG vào bảng phong thần. Như vậy đã đủ, Guri bẻ lái qua hướng đông, giảm cao độ bay về phi trường Redifim.
        Cho phi cơ vào hangar, Guri không thể đứng dậy, thân thể chàng dường như đã chẩy ra dính vào nệm ghế. Chuyên viên cơ khí phải leo lên đỡ Guri ra khỏi chiếc máy bay. Buổi tối hôm đó, sau khi được nghỉ ngơi, chàng được vị tư lệnh không quân đến hỏi thăm. Có lẽ trong không lực Do Thái chưa có ai bắn rơi 9 phi cơ địch trong vòng hai ngày liên tục.

        Buổi sáng ngày 21 tháng Mười, hai trực thăng Do Thái CH-53 cất cánh từ vách núi đá Umm Hashiba. Liền sau đó, trực thăng chúi mũi xuống bay thật nhanh về hướng tây để tránh các dàn radar của địch. Vài phút sau, họ băng qua kênh đào Suez, theo khe hở giữa hai phòng tuyến quân đoàn 1 và 3 Ai Cập đã bị bộ binh Do Thái chọc thủng. Trên lộ trình đầy rẫy quân xa bị không quân oanh kích đốt cháy nằm ngổn ngang, có chiếc đè lên chiếc kia. Đường chân trời nơi hướng bắc, những cột khói bốc lên cao, hai đạo quân đang đánh nhau. Nơi kênh đào Suez, công binh Do Thái đang thiết lập hai chiếc cầu nổi, chở đầy quân xa đưa cả một quân đoàn qua phiá bên kia bờ kênh. Hai chiếc trực thăng tiếp tục bay ngang qua hồ Bitter lake, phiá bên phải là phi trường Faid của Ai Cập đã lọt vào tay Do Thái và được đổi tên là Nachshon, tên của người Do Thái đầu tiên bước xuống biển trong chuyến di cư về Do Thái, ra khỏi vòng nô lệ ở Ai Cập. Theo Yigal Yadin, cựu tham mưu trưởng quân lực Do Thái, trở thành nhà khảo cổ học lừng danh, phi trường Faid gần nơi mà người Do Thái băng qua biển Hồng Hải từ ngàn xưa và Nachshon Ben Aminadav là người đầu tiên nhẩy xuống khi nước biển Hồng Hải phân chia ra.
        Quân đội Ai Cập rút đi bỏ lại nhiều phi trường, trong số đó phi trường Faid lớn nhất, nằm trên trục tiến quân của Do Thái. Phi trường này có thể dùng làm căn cứ hành quân tiền phương, trạm chuyển quân, đồ tiếp vận đến các lữ đoàn bộ binh, thiết giáp Do Thái đang tấn công sâu vào đất Ai Cập. Trong những ngày qua, đường bộ tiếp vận cho các đơn vị tiền phương Do Thái kẹt cứng trong bán đảo Sinai và nơi hai chiếc cầu bắc qua kênh đào Suez với đủ loại quân xa. Ngoài ra, không lực cũng cần một phi trường tiền phương cho các loại phi cơ chiến đấu, vận tải cơ và trực thăng di tản thương binh. Các hangar bỏ trống có thể được xử dụng làm bệnh viện dã chiến.
        Ngày hôm trước, một sĩ quan không quân Do Thái được lệnh đến tiếp thu phi trường quân đội Ai Cập vừa mới bỏ trống. Ông ta được xử dụng hai chiếc trực thăng CH-53 chở theo một đơn vị Dù và hai xe Jeep. Để trấn an, họ sẽ được tăng cường thêm một đơn vị thiết giáp nơi phi trường Faid. Trên đường bay đến phi trường Faid, đại úy Amitai Nachmani chỉ huy đơn vị Dù cho biết, lời hứa được một đơn vị thiết giáp tăng phái đã quá hạn, không có gì bảo đảm. Mặc đầu một sư đoàn thiết giáp hiện diện trong khu vực phi trường Faid ngày hôm qua khi họ được hứa hẹn, nhưng đơn vị thiết giáp đó đã nhận lệnh tiến lên đánh chiếm thành phố Suez và không còn đơn vị thiết giáp Do Thái nào nằm giữ phi trường Faid.  
        Hai chiếc CH-53 đáp xuống ngay giữa trận đánh chiến xa giữa xe tăng Patton và T-62 trong khu vực xung quanh phi trường. Đơn vị Dù được lệnh bung ra lục soát. Đài kiểm soát không lưu đã bỏ trống, cả phi trường trống vắng như một dẫy phố chết. Bỗng nhiên một tiếng đạn xé gió bay trong không gian rồi một tiếng nổ lớn tiếp theo. Mọi quân nhân Do Thái đang ngồi trên xe Jeep bị bắn tung ra ngoài và chiếc xe Jeep bốc cháy. Đại úy Amitai chết ngay tức khắc, một binh sĩ Dù bị phỏng được lôi ra khỏi xe, Amiram vị sĩ quan Dù phụ tá cho Amitai bị gẫy cả hai chân đang bò lết ra xa khỏi chiếc xe đang cháy. Amiram vẫn còn tỉnh, báo cáo “Bọn Ả Rập vẫn còn trong phi trường. Có lẽ mình trúng B-40”. Vị sĩ quan không quân đỡ mấy quân nhân Dù bị thương lên chiếc Jeep thứ hai quay trở lại đài kiểm soát không lưu, lên máy gọi thiết giáp cho một đơn vị đến yểm trợ.
        Buổi tối hôm đó quay trở về căn cứ không quân Redifim, vị sĩ quan không quân mới biết  mình bị chẩy máu tai do sức ép đạn B-40. Vị bác sĩ chữa cho ông ta chính là Sid Cohen, đến từ Nam Phi, tình nguyện phục vụ không lực Do Thái trong trận chiến Độc Lập. Bác sĩ Cohen là vị phi đoàn trưởng phi đoàn tác chiến đầu tiên, cấp chỉ huy cũ của Ezer Weizman (sau đó lên làm tư lệnh không quân). Khi về Nam Phi, Cohen theo học nghành y khoa, trở nên bác sĩ và sau đó đưa vợ con qua Do Thái lập nghiệp. Ông ta cũng là một vị bác sĩ trừ bị phục vụ trong không lực Do Thái.  
        Sau khi khám cho vị sĩ quan không quân, bác sĩ cho biết cần giải phẫu, tuy nhiên phải tạm hoãn lại hai tháng. Trong thời chiến, nhiệm vụ “tiếp thu” phi trường Nachshon (Faid) phải thi hành. Sáng sớm hôm sau, vị sĩ quan không quân cùng một toán quân Dù khác được hai trực thăng CH-53 đưa trở lại phi trường Faid. Lần này họ được một đơn vị thiết giáp đợi sẵn sau khi đã thanh toán đám tàn quân Ai Cập. Chuyên viên không quân được đưa đến phi trường Faid thiết lập hệ thống truyền tin, lấp các hố bom, tu sửa lại phi đạo. Ba tiếng rưỡi đồng hồ sau, phi trường tiền phương mới Nachshon nhận được một phi cơ Nesher trúng đạn phòng không phải đáp khẩn xuống.

        Yuval Efrat, chỉ huy trưởng phi đoàn trực thăng, đáp nhẹ nhàng xuống gần một hangar đã biến cải thành bệnh viện dã chiến. Chiếc trực thăng được chất đầy thương binh. Vị bác sĩ nói như van xin, hỏi Yuval còn đủ sức chứa thêm không? “Bốn”, Yuval đáp cộc lốc, chính xác con số bốn binh sĩ bị thương nặng nơi tiền đồn “Sweet Tooth”. Sau đó chàng phải đuổi xuống bớt bốn binh sĩ bị thương nhẹ để lấy chỗ cho bốn người khác. Vị bác sĩ rơi nước mắt. Yuval cũng cảm thấy tức ngực, nghẹn nơi cổ. Từ mấy ngày vừa qua, chàng đã phải bay liên tục ngày đêm những phi vụ tản thương, không một phút nghỉ ngơi. Những phi vụ bay liên tục đưa hàng trăm quân Dù vào đánh chiếm đỉnh Mount Hebron của Syria coi vậy cũng không mệt bằng.
        Bệnh viện dã chiến trong phi trường Nachshon tràn ngập thương binh từ các chiến trường đưa về sau khi bộ binh, thiết giáp đánh sâu vào đất Ai Cập, và các đợt pháo kích liên tục của địch. Nhiều binh sĩ Do Thái bị thương vì đạn pháo kích khi chưa qua được bên kia kênh đào Suez. Trong màn đêm phủ sương mù, Yuval bay thấp dưới 400 bộ dọc theo lộ trình dẫn đến hai chiếc cầu nổi, đáp xuống chỗ này chỗ kia như châu chấu “lượm” thương binh.
        Sau khi đem họ vào bệnh viện dã chiến trong căn cứ hành quân tiền phương, phi trường Nachshon, Yuval tiếp tục đưa những binh sĩ bị thương nặng về bệnh viện ở Do Thái. Chàng đến tiền đồn “Sweet Tooth” đem về bốn quân nhân bị thương nặng. Vị bác sĩ “nhiều tình cảm” chẩy nước mắt không biết chọn người nào để đưa đi trước. Trước tấm lòng của bác sĩ, Yuval nói với các y tá “Cứ đưa họ lên… cho đến khi không còn chỗ”. Khi đáp trực thăng xuống bệnh viện trong căn cứ không quân Redifim, các y tá không ngờ Yuval “nhét” đầy thương binh. Sau đó Yuval được nghỉ ngơi, chợp mắt khoảng một, hai tiếng đồng hồ rồi lại bay trở lại bệnh viện dã chiến Nachshon nhận nhiệm vụ mới.

        Sau khi chiếm được phi trường Faid (Nachshon), Do Thái thiết lập cầu không vận ngày đêm chuyển quân, vũ khí đạn dược, nhiên liệu và đồ tiếp vận cho các đơn vị đang tấn công sâu vào đất Ai Cập. Tất cả mọi phi cơ vận tải đều được trưng dụng, từ những chiếc Hughes C-130 cho đến những chiếc cũ kỹ C-47 Dakota. Các phi cơ vận tải này rỡ hàng chớp nhoáng rồi cất cánh để có chỗ cho phi cơ khác. Hỏa tiễn chống chiến xa, đạn pháo binh được phi cơ vận tải khổng lồ C-5 Galaxy chuyên chở thẳng từ Hoa Kỳ sau khi tạm nghỉ ở phi trường Lod.
        Trước bữa ăn sáng, một chiếc Dakota đem đến phi trường Nachshon một kiện hàng đặc biệt. Một nhóm phóng viên báo chí quốc tế đi săn tin tức. Tư lệnh không quân Benny Peled đích thân ra lệnh cho vị chỉ huy trưởng căn cứ tiếp đón và tìm cách cho họ trông thấy tận mắt những điều đang xẩy ra trên chiến trường. Cho họ thấy sự hiện diện của quân đội Do Thái trên đất Ai Cập và ai là kẻ đang thắng trận. Trong hai tuần lễ trước, không ai trên thế giới tin lời tường thuật của phát ngôn viên Do Thái.
        Sau một vòng đi thăm chiến trường nơi hai chiếc cầu công binh Do Thái bắc qua kênh đào Suez, các bộ chỉ huy tiền phương, các đơn vị đang tham chiến trên đất Ai Cập, các phóng viên quốc tế đã nhìn thấy rõ quân đội Do Thái đã mở rộng vùng chiếm đóng và đang tiến công về hướng thủ đô Cairo của Ai Cập. Tuy nhiên, trong lúc ăn trưa trong khách sạn dã chiến “Faid Hilton”, các phóng viên vẫn cảm thấy thiếu một điều gì để làm cho những câu chuyện của họ thêm phần sống động. Một phóng viên lên tiếng hỏi.
-           Thưa Đại Tá, chúng tôi được biết có nhiều trận không chiến xẩy ra hàng ngày và không lực Do Thái đã bắn rơi nhiều phản lực cơ MIG. Những trận không chiến như thế thường xẩy ra ở đâu và lúc nào?
-           Những hôm gần đây, vào lúc này. Nếu ông bạn chịu khó chờ sẽ không uổng công.

        Các phóng viên báo chí nghĩ rằng vị đại tá chỉ huy trưởng mới của căn cứ không quân tiền phương Nachshon (Faid) nói móc. Thực sự, trong ba ngày vừa qua, không quân Ai Cập mở ba trận không tập nhưng tất cả đều bị phi cơ Do Thái bảo vệ căn cứ bẻ gẫy (lúc đó không quân Ai Cập đã suy yếu nhiều. Đó chỉ là những cố gắng trong tuyệt vọng). Mới một tiếng đồng hồ trước đó, các phi cơ Mirage bảo vệ phi trường đã đánh đuổi một phi tuần của Libya (nhẩy vào đỡ đòn cho hai nước Ả Rập Syria và Ai Cập).
        Đúng lúc đó còi báo động vang rền trong căn cứ. Trong trung tâm hành quân, đài kiểm soát không lưu báo cáo cho biết có nhiều phi cơ địch xuất hiện đang trên đường đến Nachshon. Tất cả mọi quân nhân trong căn cứ vào hầm trú ẩn, vị trí chiến đấu, các phóng viên nhà báo được vị chỉ huy trưởng mời lên sân thượng bộ chỉ huy căn cứ mục kích trận không tập. Trường hợp bị tấn công họ có thể nhẩy xuống một hầm tránh bom gần đó.
        Tiếng động cơ của bốn chiếc Mirage gầm thét bay lên cao độ 10 ngàn bộ hướng về phi tuần phản lực Ai Cập hầu hết là những chiếc MIG-21 tối tân. Qua ống viễn vọng kính, vị đại tá tường thuật cho các phóng viên rằng trận không chiến đang xẩy ra (trước khi phi cơ địch đến được Nachshon) giữa 4 phi cơ Mirage và 12 chiếc MIG. Thêm một phi đội bốn chiếc Mirage khác được lệnh bay lên tiếp ứng. Các phóng viên quốc tế trở nên hứng thú, vị đại tá ra lệnh cho đài kiểm soát không lưu gắn loa âm thanh để các phóng viên báo chí được biết rõ chi tiết về trận không chiến.
        Lắng nghe diễn tiến hành quân, các phóng viên được biết có mặt phi công lừng danh Guri, chàng ta đã bỏ rơi thùng xăng phụ để lao vào vòng chiến. Các phóng viên nhìn thấy một phi công nhẩy dù ra, máy bay trúng đạn đại bác, rồi thêm một chiếc dù nữa bung ra trên không. Một phản lực cơ MIG cố tình tránh trận không chiến bay thẳng đến phi trường Nachshon bắn đại bác bị một phi cơ Mirage đuổi theo đuôi bắn rơi.
        Các phóng viên quá thích thú không ngờ được mục kích trận không chiến, một người kể lại như sau. Hai mươi chiến đấu cơ tham dự trận không chiến, 8 chiếc Mirage chống lại 12 chiếc MIG. Guri, viên phi công tài ba của Do Thái bắn rơi 3 chiếc. Tổng cộng 7 chiếc MIG bị bắn rơi, phi đội phản lực Mirage không bị rơi chiếc nào.
        Do Thái đã chiếm được vùng đất rộng lớn nơi phiá bắc Ai Cập nên họ bắt sống hai phi công Ai Cập đem vào trong căn cứ. Sau trận không chiến, các phóng viên quốc tế được đưa vào phòng họp báo gặp gỡ hai phi công Ai Cập. Một người lớn con, da ngăm đen bị thương nơi chân, phi công thứ hai mập mạp thấp người. Cả hai đều nói tiếng Anh khá.
-           Tại sao hai ông bị bắn rơi?
-           Do Thái đông hơn chúng tôi. Nhìn hướng nào cũng thấy phi cơ Mirage. Viên phi công mập trả lời, người kia ngồi yên lặng như xấu hổ.
-           Các ông có để ý rằng quân đội Do Thái đã hiện diện trên đất Ai Cập?
-           Nói láo! Chúng tôi không bị bắn rơi ở Ai Cập. Trong vòng hai tuần lễ chúng tôi bay những phi vụ sâu vào bán đảo Sinai.

        Một tiếng đồng hồ sau, phái đoàn phóng viên, báo chí quốc tế được một chiếc C-130 đưa trở về thủ đô Tel Aviv cùng với một số tù binh, sĩ quan cao cấp trong quân đội Ai Cập. Trước khi ra về các phóng viên yêu cầu được gặp phi công tài ba Guri của Do Thái.
-           Ông bắn rơi bao nhiêu phi cơ địch?
-           Bẩy chiếc. Tôi “làm” 3 chiếc, Cheech làm 2, Avik và Sari bắn rơi 1.
-           Phi đội Mirage thứ hai của Goni và Barry cũng bắn rơi 7 chiếc. Như vậy các bạn bắn rơi 14 trong số 20 chiếc MIG của Ai Cập.

        Amos Lapidot gọi điện thoại chúc mừng và báo cho Guri biết. Trận chiến sẽ kết thúc, lệnh ngưng bắn sẽ có hiệu quả trong vòng hai tiếng đồng hồ nữa.

        Tư lệnh không quân, Benny Peled không muốn nhắc lại bốn ngày đầu của trận chiến Yom Kippur. Không lực Do Thái bị trói tay trong bốn ngày đầu, chỉ “quật” lại kể từ ngày thứ năm. Quân đội Do Thái tin rằng, họ là nạn nhân do những quyết định sai lầm của Thủ Tướng và vị Tổng Trưởng Quốc Phòng.
        Trong buổi họp giữa các tướng lãnh trong quân lực, Peled nói rằng các vị bộ trưởng trong chính quyền không hiểu tầm mức quan trọng của “Cú Đấm Đầu Tiên” mà không lực Do Thái muốn thực hiện (như trận chiến Sáu Ngày năm 1967) trong những giây phút đầu tiên của trận chiến. Thiếu sự chấp thuận của chính quyền, mặc dầu vị Tổng Tham Mưu Trưởng đã cố gắng thuyết phục đã đưa đến khoảng cách biệt giữa sự mong mỏi và trên thực tế. Cũng vì vậy, không lực đã bị ép buộc vào thế thủ đối với không lực của Ai Cập và Syria.
        Không có bản báo cáo chính thức về không lực Do Thái trong trận chiến Yom Kippur. Các chuyên viên nghiên cứu về quân sữ thế giới cho biêt Do Thái có vào khoảng 500 máy bay đủ loại khi trận chiến xẩy ra. Theo bản thống kê do tập san Hàng Không xuất bản tại Hoa Kỳ tháng Mười Hai 1973, không lực Do Thái mất 114 phi cơ trong trận chiến Yom Kippur. Sáu mươi phi hành đoàn tử trận. Hỏa tiễn điạ-không bắn rơi 109 chiếc, chỉ có 6 phi cơ Do Thái vị bắn rơi trong 117 trận không chiến. Số phi cơ bị rơi gồm có: 35 Phantom, 55 Skyhawk, 12 Mirage, 6 Super Mystère và 6 trực thăng. Cũng theo tập san Hàng Không, cầu không vận Hoa Kỳ đem qua cho Do Thái 40 phản lực cơ Phantom và 43 Skyhawk. Số thiệt hại về không lực Do Thái khoảng một nửa xẩy ra trong bốn ngày đầu của trận chiến. Trong 19 ngày của trận chiến Yom Kippur, không lực Do Thái bay tất cả 11223 phi vụ. Trong số đó hàng ngàn phi vụ bay yểm trợ cho lục quân. Ai Cập và Syriavào trận chiến với 1040 phi cơ và thiệt hại 450.

KHÔNG LỰC DO THÁI
ĐƠN VỊ THƯỢNG HẠNG BẢO VỆ QUỐC GIA
(Phần 5: THẾ HỆ THỨ HAI – 1973…)


V. THẾ HỆ THỨ HAI.
        Trận Yom Kippur được các tù binh Do Thái đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Ai Cập chú ý theo dõi. Cai tù vào phòng giam 6 phi công Do Thái bị bắt trong trận chiến Tiêu Hao tịch thu máy TV và phân tán họ ra các phòng giam riêng biệt. Trận Yom Kippur đem lại cho tù binh Do Thái nhiều hy vọng. Nhiều phi công đã bị giam hơn 2 năm, sau khi Tổng Thống Ai Cập đã kết tội họ tù chung thân. Một ngày trước đó, các phi công tù binh cảm thấy thất vọng, mất niềm tin, lo sợ quốc gia bại trận.
        Ngày trở về, các phi công Do Thái được đón tiếp như những vị anh hùng, tuy nhiên các vị anh hùng của không quân vẫn còn những mặc cảm đã bỏ rơi chiếc phi cơ, bị kẻ thù Ai Cập, Syria đánh đập, nhồi sọ. Nhiều phi công đã bị hỏi cung, tra tấn đánh đập dã man cho đến khi ngất xỉu làm cho họ thêm mặc cảm phản bội quê hương.
        Rami Harpaz, một sĩ quan không quân trưởng thành nơi một làng chiến đấu, cũng là một trong những phi công đầu tiên được tuyển chọn bay phản lực cơ Phantom. Bị bắt, để được sống còn, Rami khai báo về loại phi cơ cũ của Pháp. Người Ai Cập không ngu như anh ta tưởng, muốn biết về loại phi cơ Phantom, Rami từ chối, lãnh một gậy vào lưng tưởng như gẫy xương sống. Tiếp theo là những màn tra tấn dã man, kéo dài nhiều tuần rồi cả tháng, mỗi lần xong, cai tù lôi Rami đã bất tỉnh, vẫn còn bị bịt mắt, hai tay, hai chân bị trói quăng trở vào phòng giam. Chàng thường bị trói hai tay ra phiá sau, treo lên trần xà lim. Rami thường tìm cách tự tử nhiều lần. Dưới sức nóng thiêu đốt của mái tôn, Rami phải liếm những giọt mồ hôi rơi rớt trên sàn nhà hay nước còn lại trong thùng rác trên đường đi hỏi cung.
        Yitzhak Rabin, lúc đó là đại sứ Do Thái tại Hoa Kỳ (sau này lên làm Tổng Tham Mưu Trưởng rồi Thủ Tướng), thông báo cho gia đình các tù binh rằng sẽ phải chờ đợi hàng chục năm. Quân Do Thái trao đổi cho quân thù 5 tướng lãnh cao cấp Syria bị bắt nơi biên giới để đem về 4 tù binh. Trận Yom Kippur đổi 24 phi công Ai Cập, Syria đem về thêm 6 tù binh bị bắt ở Ai Cập. Sau trận chiến, các đợt trao đổi tù binh bắt đầu một tháng sau ngày ký hiệp ước ngưng bắn, đa số với Ai Cập. Quân đội Do Thái bắt sống nhiều sĩ quan cao cấp Ai Cập trên chiến trường khi phản công đánh qua biên giới.
        Hầu hết các tù binh Do Thái đều trở về phục vụ trong quân đội sau một thời gian ghỉ phép. Tất cả đều muốn quên đi thời gian đen tối. Phi công Gabi Gerzon trở về mất một bàn chân. Chàng nhất quyết đi bay trở lại và đã thành công, theo gương Douglas Bader, phi công anh hùng của quân đội Ăng Lê trong trận Đệ Nhị Thế Chiến.
        Yigal Shochat là một trong những phi công Phantom đầu tiên của Do Thái. Một hỏa tiễn điạ-không bắn rơi chiếc phi cơ của anh ta và nhẩy dù xuống vùng bình nguyên sông Nile. Xuống tới đất Yigal bị dân quá khích Ai Cập đánh đập gần chết, lái xe truck cán ngang qua bàn chân. Nằm trong nhà tù hàng tuần lễ, vết thương nơi chân vẫn không lành. Yigal trở về thiếu một bàn chân, cả nước Do Thái xúc động khi nhìn thấy trên tờ báo, hình ảnh nữ Thủ Tướng Golda Meir đến chúc mừng Yigal nằm trên cáng cứu thương trao trả lại cho Do Thái. Sau khi bình phục, chàng tập đi với chiếc nạng gỗ, mặc dầu chuyện gia đình tan vỡ.
        Yigal xin trở lại với quân đội và được bổ nhiệm làm việc trong Phòng Hành Quân bộ tư lệnh Không Q        uân. Không lực Do Thái lưu giữ tất cả các phi công lái Phantom để học hỏi kinh nghiệm, chuẩn bị cho trận chiến trong tương lai. Yigal chỉ muốn được bay trở lại, quên đi chuyện quá khứ, gia đình tan nát. Điều này được cấp chỉ huy của chàng để ý đến.
        Một buổi sáng đang làm việc dưới hầm bộ tư lệnh Không Quân, cấp chỉ huy của chàng lái xe đưa Yigal đến phi trường Sde Dov gần đó. Ông ta vẫn chưa cho Yigal biết chuyện “bí mật”, chỉ nói là “có công chuyện” phải ra phi trường. Trước đó, vị sĩ quan đáng kính đã ra lệnh cho “đàn em” chuẩn bị sẵn một trực thăng Allouette có động cơ phản lực nhỏ. Cả hai leo lên chiếc trực thăng, Yigal cảm thấy thích thú, ngồi thoải mái trong buồng lái. Đích thân vị phi đoàn trưởng dậy chàng lái trực thăng và khoảng một tiếng đồng hồ sau Yigal đã tự tin bay một mình. Những lần kế tiếp, Yigal được huấn luyện theo đúng căn bản phần lý thuyết. Ngày nay chàng là một phi công trực thăng ở Do Thái. Yigal theo học nghành y khoa và trở nên chỉ huy trưởng ngành Quân Y, không lực Do Thái.

        Đem về 30 phi công bị bắt trong hai trận chiến Tiêu Hao và Yom Kippur là mối bận tâm cho vị tư lệnh Không Quân Benny Peled. Trong chiến dịch Sinai, phi cơ của ông ta bị bắn rơi, phải trốn tránh những toán quân đi lùng của Ai cập cho đến khi trực thăng Piper vào cứu thoát. Trong chiến dịch Sinai, chỉ có một phi công bị địch bắt sống. Trận chiến Sáu Ngày, 5 phi công bị bắt. Vị tư lệnh không quân có cảm tưởng như mình cũng đang ngồi trong tù như những phi công đàn em khác.
        Sau trận chiến Yom Kippur, quân lực cũng như không lực Do Thái không đạt được chiến thắng thần tốc như trong kế hoạch hành quân Moked, họ đổ lỗi cho chính quyền dân sự. Dân chúng cho rằng lỗi cả hai bên dân sự lẫn quân sự. Một giải đất nhỏ trong bán đảo Sinai vẫn thuộc về Ai Cập. Quân đội Do Thái đánh chiếm được nhiều đất đai của Ai Cập và Syria, hai thủ đô Cairo và Damascus đã nằm trong tầm đạn pháo binh của Do Thái. Ba sư đoàn Ai Cập bị kẹt trong vùng Sinai, quân đội Do Thái chiếm cả hai bên bờ kênh đào Suez. Do Thái và Ai Cập họp ngưng bắn tại vị trí đánh dấu 101 cây số trên đường từ Suez đi Cairo.
        Không đạt được chiến thắng thần tốc như năm 1967, nhiều cuộc điều tra, thẩm định vẫn không làm dịu đi nỗi đau của trận chiến. Hai nhiệm vụ quan trọng của không lực đã không được xử dụng. Thứ nhất tấn công “phủ đầu” trước khi trận chiến bắt đầu, trận tấn công các dàn hỏa tiễn của địch không đạt được kết quả như mong muốn và bị thiệt hại nhiều phi cơ.
        Benny Peled bắt đầu tái tổ chức lại không quân. Cú “shock” của trận chiến Yom Kippur làm ông ta thâu ngắn chương trình. Benny đề cử David Irvy thẩm định lại sức mạnh của không lực dựa trên bài học vừa qua. Ban điều tra phải tìm ra lý do về con số tổn thất 105 phi cơ, gần một phần ba tổng số phi cơ. Lý do tại sao niềm tin một chiến thắng rực rỡ biến thành lò sát sinh với nhiều tổn thất và bị địch bắt sống làm tù binh.
        Trong trận chiến Sáu Ngày năm 1967, số tổn thất của Do Thái xẩy ra trong những giờ phút đầu tiên, khi các dàn hỏa tiễn, đại bác phòng không của địch vẫn còn đầy đủ. Trận Yom Kippur, không lực không được phép tấn công trước như dự trù. Lục quân Do Thái cũng than phiền, không được sự yểm trợ mạnh mẽ của không quân.
        Bài học đầu tiên để giữ mức độ tổn thất tối thiểu. Không lực Do Thái không thể ỷ lại bằng trận không tập “phủ đầu”, phải được chuẩn bị để có thể đối phó, đáp ứng mọi tình thế. Không thể hy vọng thực hiện một cuộc không tập quy mô với nhiều yếu tố liên quan như thời tiết, ngoại giao, v.v… Trả lời cho câu hỏi này đã được người Hoa Kỳ thực hiện trong hành quân “Bão Sa Mạc – Desert Storm” vào tháng Giêng năm 1991. 

        Tháng Hai năm 1973, Benny Peled lên làm Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Do Thái. Ngay tối hôm đó, một chuyện đáng tiếc xẩy ra ảnh hưởng đến sự phân chia nhiệm vụ giữa không quân và lục quân. Một máy bay hành khách Libya trên phi trình từ Tripoli đến Cairo bay ngang qua khu vực quân sự trong bán đảo Sinai. Hai phản lực cơ Phantom lên ngăn chận buộc chiếc phi cơ hành khách đáp xuống căn cứ không quân Refidim. Chiếc máy bay Libya chuẩn bị đáp xuống rồi như muốn tẩu thoát. Moti Hod báo cáo cho vị Tổng Tham Mưu Trưởng và Dado cho phép bắn hạ chiếc máy bay Libya. Trong thời gian đó, quân khủng bố Palestine đe dọa cướp máy bay lao vào những mục tiêu của Do Thái (như trường hợp ngày 11/9/2001 tại Hoa Ky)ø, do đó quân đội Do Thái nghi ngờ chiếc phi cơ đã bị quân khủng bố cướp. Phi cơ Phantom theo thủ tục ngăn chận, tìm đủ mọi cách kể cả bằng tay ra lệnh cho chiếc máy bay Libya đáp xuống. Phi công lái máy bay hành khách không đáp ứng, phi công lái Phantom bắt buộc phải bắn đe doạ trước mũi và hai bên cánh. Phi công Libya phát hoảng đáp khẩn cấp và đâm xuống đất, tất cả 104 hành khách và phi hành đoàn đều thiệt mạng. Dư luận thế giới lên án Do Thái, Benny Peled rồi Moti Hod phải qua Washington đem theo “Hộp Đen – Black Box” của chiếc máy bay làm bằng chứng, các phi công Phantom đã cảnh cáo phi công Libya 15 lần trong vòng nửa tiếng đồng hồ trên bầu trời. Do Thái được bỏ qua, tuy nhiên vị Tổng Tham Mưu Trưởng bị coi như chịu trách nhiệm về vụ này.
        Tư lệnh không quân Benny vẫn không quên, tướng Dado lên tiếng xin lỗi về chuyện đáng tiếc xẩy ra cho chiếc phi cơ hành khách Libya. Benny đã nhìn thấy trước viễn ảnh phải đối phó với những tổ chức khủng bố, xin gặp tổng trưởng Quốc Phòng để xác định quyền hạn của vị tư lệnh không quân. Không lực Do Thái được xây dựng để chống lại một trận tấn công quy mô của quân thù, có yếu điểm đối với những hoạt động khủng bố, tấn công bất ngờ. Tổng Tham Mưu Trưởng quân lực yêu cầu cho biết phải hành động như thế nào trong trường hợp, quân khủng bố xử dụng máy bay dân sự, tự sát lao đầu xuống một thành phố hoặc mục tiêu quan trọng trên đất Do Thái.
        Không được trao cho nhiệm vụ rõ ràng sẽ đưa đến thất bại. Trận Yom Kippur và đúc kết của ủy ban điều tra Agranat về những lỗi lầm trong trận chiến cho thấy nguyên do từ vị tổng tham mưu trưởng, trưởng phòng Tình Báo và vị tư lệnh Phương Nam (Southern Command). Thủ Tướng và Tổng Trưởng Quốc Phòng không bị động đến vì quân luật “mơ hồ” của quân đội Do Thái. Tướng Dado (TTMT) từ chức. Trong tháng Tư năm 1974, sau khi bản điều tra được công bố, toàn bộ chính quyền bị buộc phải từ chức do áp lực quần chúng. Nữ Thủ Tướng Golda Meir từ giã chính trường. Tướng Yitzhak Rabin lên làm thủ tướng, ông ta chọn Shimon Peres làm tổng trưởng quốc phòng. Mota Gur, vị lữ đoàn trưởng Nhẩy Dù, người đầu tiên vào “cổ thành” (Old City) trong trận chiến Sáu Ngày (1967) lên làm tổng tham mưu trưởng.  

        Ngày Chủ Nhật 27 tháng Sáu năm 1974, 7 tên khủng bố Palestine cướp chiếc máy bay Air France có 97 hành khách người Do Thái. Chuyến bay từ Tel Aviv đi Paris, theo phi trình ghé Athens không dè trong số hành khách mới lên tầu có bọn khủng bố. Bọn không tặc ép buộc phi công bay đi Bengazi, Libya sau đó tiếp tục bay đến Entebbe, Uganda bên Phi Châu. Toán khủng bố đòi hỏi phải thả hàng chục tên khủng bố khác đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Do Thái.
        Đến ngày 29, vẫn chưa biết phiá Do Thái sẽ phản ứng như thế nào. Benny Peled đi dự một buổi họp của ban giám đốc quản trị hãng hàng không Do Thái El Al. Gidon Alrom, một phi công cũng là một cựu sĩ quan không quân, hỏi Benny có thể đưa quân đến Entebbe giải cứu con tin không? Vị tư lệnh không quân trả lời “Vấn đề chúng ta đi cứu con tin không quan trọng. Một điều rõ ràng, lần này nếu chúng ta nhân nhượng như ở Algeria, thả đám khủng bố. Tôi sẽ từ chức, tôi không hãnh diện làm tư lệnh không quân mà phải chịu thua bọn khủng bố”.
        Tối hôm đó, Benny được triệu tập đến họp khẩn với vị tổng tham mưu trưởng quân lực. Trên đường đi, ông ta đi ngang qua trung tâm hành quân ngầm dưới mặt đất. Các sĩ quan tham mưu đang soạn thảo kế hoạch đưa quân đến Entebbe. Mota Gur nhăn mặt mở đầu buổi họp, nói rằng tổng trưởng Quốc Phòng đã hỏi ông ta về những kế hoạch hành quân giải cứu con tin. Benny lấy ra một tờ giấy và cho biết không quân có khả năng không vận 1200 quân cùng với đồ trang bị đến Entebbe trên 21 vận tải cơ hạng nặng C-130 Hercule vừa mua của Hoa Kỳ sau trận chiến Yom Kippur và 8 chiếc Boeing 707. Phi trình dài 6 tiếng đồng hồ và cần lấy thêm nhiên liệu trên đường về. Tư lệnh Hải Quân cho biết, đơn vị Biệt Hải có thể nhẩy dù xuống hồ Victoria, đột kích phi trường, gom con tin lại trong một khách sạn nơi bờ hồ, sau đó nhờ Liên Hiệp Quốc can thiệp. Ông ta đưa ra một dự án khác, không vận đơn vị Biệt Hải đến Nairobi rồi dùng xe đưa đến hồ Victoria. Đơn vị tấn công sẽ xâm nhập Uganda bằng xuồng.
        Sau đó các vị tư lệnh Hải, Lục, Không quân được Mota đưa qua gặp tổng trưởng Quốc Phòng. Sau khi các tướng lãnh trình bầy các kế hoạch giải cứu con tin, Peres chưa biết chấp thuận cho thi hành kế hoạch nào. Trong khi chờ đợi, Benny xúc tiến kế hoạch của không quân, được sự phối hợp của Trung Tướng Yekutiel “Kuti” Adam, trưởng phòng hành quân bộ tư lệnh quân lực Do Thái. Tướng Kuti đề cử Ehud Barak người sẽ lên làm Tổng Tham Mưu Trưởng năm 1991, Muki Betzer và Yoni Netanyahu từ những đơn vị “Tinh Nhuệ” vào làm việc trong ban hành quân hỗn hợp.
        Bốn ngày sau, kế hoạch của Hải Quân phải hủy bỏ vì thiếu phương tiện. Chuyến “đi đêm” với Kenya, họ chỉ đồng ý cho các con tin và những người bị thương “ở tạm”. Chính quyền Kenya dứt khoát không dám cho quân Biệt Hải Do Thái xử dụng làm tuyến xuất phát cho trận đột kích. Trong khi đó ban tham mưu hỗn hợp Không-Lục đã soạn thảo xong kế hoạch giải thoát con tin. Bốn chiếc C-130 Hercule sẽ đáp xuống phi trường Entebbe một cách bí mật. Một toán quân sẽ tấn công phòng hành khách cũ nơi con tin bị giam giữ, phần còn lại sẽ đánh chiếm và kiểm soát phi trường, khu vực lân cận. Các phi cơ sẽ đưa đoàn quân tấn công cùng với con tin về Do Thái khi hoàn tất nhiệm vụ. Hai Boeing 707 sẽ bay theo, một chiếc được dùng làm trung tâm hành quân, chiếc kia làm bệnh viện dã chiến. Các phi cơ tham dự trận đột kích có thể lấy nhiên liệu ngay trong phi trường ở Uganda, lấy nhiên liệu trên không trên đường bay về hoặc ghé Kenya. Benny và Kuti thúc đẩy các cấp chỉ huy chấp thuận cho hành quân “Hỏa Cầu – Thunderball” tiến hành.
        Sáng thứ Sáu, 6 ngày sau khi quân khủng bố Palestine không tặc chiếc máy bay Air France, các đơn vị biệt kích Do Thái thực tập hành quân dựa trên những mô hình mẫu tình báo Do Thái đã thâu thập được. Họ lấy tin tức từ những hành khách không phải sắc dân Do Thái được thả và đã về đến Paris. Tối hôm đó, tướng Mota Gur đến thăm, duyệt xét tình hình.
        Đối với Shani, chỉ huy phi đội C-130, đó là một nhiệm vụ “thử thách”. Bay đến mục tiêu là “chuyện nhỏ” tuy nhiên, bay từ hướng biển vào, đáp trên một phi đạo lạ lúc trời hoàn toàn tối, không phải là điều dễ làm. Với vị Tổng Tham Mưu Trưởng (Mota Gur) ngồi trên máy bay, lúc thực tập đáp, Shani đáp gần rơi ra ngoài phi đạo, tuy nhiên vị tư lệnh không quân Benny Peled khuyến khích và rất tin tưởng nơi đám “em út”.
        Sau khi được biết Mota Gur đã chấp thuận cho tiến hành cuộc hành quân Hỏa Cầu, tổng trưởng Quốc Phòng dự trù sẽ thông báo cho nội các chính phủ về cuộc hành quân giải cứu con tin vào lúc 3 giờ chiều thứ Bẩy, lúc đơn vị tham dự hành quân di chuyển đến Sharm Al Sheikh nơi tuyến xuất phát. Bốn chiếc vận tải cơ Hercule nối đuôi nhau cất cánh đem theo quân biệt kích cùng với vũ khí, dụng cụ.
        Đoàn phi cơ dự trù sẽ đến Entebbe vào nửa đêm, bí mật đáp xuống phi trường xen kẽ vào những máy bay dân sự lên xuống phi trường. Chiếc dẫn đầu do Shani đáp xuống trước, chiếc C-130 này chở theo đơn vị tấn công dưới quyền Yoni. Họ bôi đen khuôn mặt giả làm Tổng Thống Idi Amin cùng với cận vệ đi thăm đám khủng bố cùng với các con tin. Chiếc C-130 này đem theo xe Mercedes đen, một xe Jeep chở toán cận vệ y như đoàn tùy tùng của Idi Amin. Toán quân biệt kích hy vọng sẽ đến được phòng hành khách, giết quân khủng bố, giải thoát con tin. Chiếc C-130 thứ hai xuống đem theo quân nhân thuộc đơn vị Trinh Sát Dù, chiếc thứ ba chở Biệt Động Quân thuộc lữ đoàn Golani cùng với xe cộ (Jeep trang bị đại bác không dật 90 ly). Nhiệm vụ dành cho những toán quân này là đánh chiếm phi trường, bắn phá máy bay của quân đội Uganda, chận đánh quân tiếp viện Uganda. Chiếc Hercule thứ tư chở theo những thùng xăng, dụng cụ bơm xăng để cho các máy bay lấy thêm xăng trên đường về. Đồ này sẽ để lại làm kỷ niệm cho Uganda, chiếc thứ tư sẽ chở con tin cùng phi hành đoàn chiếc Air France khoảng 100 người về Do Thái. Sau khi hoàn tất nhiệm vụ, các phi cơ C-130 sẽ cất cánh theo thứ tự đảo ngược, chiếc thứ tư chở con tin sẽ cất cánh trước, rồi chiếc thứ ba, v.v… Chiếc xuống đầu tiên sẽ là chiếc cuối cùng cất cánh rời phi trường Entebbe.
        Đoàn quân cất cánh lúc mặt trời bắt đầu lặn, hy vọng sẽ đến Uganda vào lúc nửa đêm. Bốn chiếc vận tải cơ rung lên từng chập khi cất cánh vì bao nhiêu sức nặng chiụ trên đôi cánh. Họ băng qua không phận Saudi Arabia, tăng tốc độ lên 250 knots bay thẳng đến mục tiêu. Khoảng 30 phút trước khi hạ cánh, tất cả mọi người được đánh thức dậy để chuẩn bị. Các quân nhân coi lại vũ khí, đồ trang bị. Đến phi trường Entebbe, Shani bay theo đuôi một máy bay hành khách British Airline, ba chiếc C-130 Hercule bay theo cố gắng giữ đội hình, sợ đâm vào nhau. Họ nghe được viên phi công Ăng Lê liên lạc với đài kiểm soát không lưu Entebbe rồi hạ cao độ chuẩn bị đáp xuống. Các máy bay Do Thái không mở đèn, giữ im lặng vô tuyến, lặng lẽ theo đuôi chiếc máy bay hành khách British đáp xuống. Tiếng động cơ máy bay hành khách che đi động cơ mấy chiếc Hercule làm nhân viên trực đài kiểm soát không lưu không biết rằng quân biệt kích Do Thái đã xuống phi trường Entebbe êm thấm.
        Trong khi đó, bên trong chiếc C-130 dẫn đầu, toán biệt kích giả dạng Idi Amin cùng xe cộ chuẩn bị. Toán quân này cũng không mở đèn chiếc Mercedes và chiếc Jeep, cho đến khi đến gần phòng chứa hành khách. Mấy người lính Uganda đang canh gác tưởng thật đứng nghiêm chào. Hai chiếc xe tiếp tục lăn bánh đến trước cửa phòng chứa hành khách. Một binh sĩ Uganda từ bên trong bước ra hỏi mật khẩu, được trả lời bằng hai viên đạn bắn ra từ súng lục có gắn ống hãm thanh. Tất cả bốn chiếc C-130 Hercule đều đáp xuống an toàn vào đúng vị trí đã định sẵn.
        Bỗng nhiên một tràng đạn nổ xé tan màn đêm. Một binh sĩ Do Thái khai hỏa tiểu liên AK-47 (Quân biệt kích Do Thái thường xử dụng súng tịch thâu được của khối Ả Rập) bắn vào binh sĩ Uganda ở bên trong phòng chứa con tin. Yếu tố bất ngờ biến mất, tuy nhiên đám khủng bố phản ứng rất chậm chạp, đa số đang ngủ say. Khi bị đánh thức vì tiếng súng nổ còn băn khoăn, ai nổ súng và tại sao?
        Binh sĩ Do Thái không chần chừ một giây, ùa vào bên trong. Trận đột kích kết thúc trong chớp nhoáng. Các con tin được lệnh “Nằm yên tại chỗ” bằng tiếng Do Thái phát ra từ loa phóng thanh. Quân biệt kích xông vào từng phòng giết chết tất cả đám khủng bố. Một con tin phát hoảng đứng dậy chạy bị binh sĩ nổ súng bắn chết vì tưởng lầm một trong những tên khủng bố, hai người nằm gần đó bị thương nhẹ.   
        Địch quân chỉ còn lại binh sĩ Uganda canh gác trên mái nhà và xung quanh. Một binh sĩ Uganda trên đài kiểm soát bắn xuống nhóm sĩ quan Do Thái đang đứng bàn tán trước cửa phòng chứa con tin. Yoni, chỉ huy toán quân biệt kích bị trúng đạn nơi cổ tử trận, một sĩ quan khác trúng đạn vào lưng tê liệt. Quân biệt kích Do Thái trả đũa bắn tiêu hủy đài kiểm soát và xử dụng đại bác không dật 90 ly bắn phá tất cả chiến đấu cơ Mig của Uganda đang đậu trong phi trường (để khỏi đuổi theo). Biệt Động Quân trong lữ đoàn Golani bố trí ngăn cản viện binh Uganda, sau đó phụ giúp đưa con tin lên máy bay, di tản người bị thương.
        Lên máy bay, các con tin được sĩ quan Do Thái điểm danh dựa theo danh sách hành khách do hãng hàng không Air France cung cấp. Những hành khách đặc biệt gồm có viên phi công can đảm Michel Bacchus cùng phi hành đoàn người Pháp đã từ chối quân khủng bố tha mạng ở lại chăm sóc con tin. Khi chiếc phi cơ chở con tin cất cánh rời phi trường Uganda, sĩ quan Do Thái gửi bức mật điện báo tin “Các con tin đã ở trên không”. Phi công Amnon mời vị phi công danh dự người Pháp Bacchus lên buồng lái “Chúng ta cùng nhau kết thúc chuyến bay của ông đi Tel Aviv”. Các binh sĩ Do Thái lần lượt lên máy bay, cất cánh lên sau.
        Đoàn quân, con tin đáp xuống phi trường Lod và được dân chúng Do Thái chờ sẵn đón tiếp như ngày hội lớn. Nhiều người quá thích thú, vui mừng đã xông qua hàng rào, cảnh sát để chạy đến những chiếc C-130 ôm hôn những con tin, binh sĩ trở về.

        Những buổi tiệc mừng chiến thắng Entebbe, hành quân Hỏa Cầu kéo dài đến hai tháng. Vì vấn đề bảo mật của cuộc hành quân, các đơn vị “Đặc Biệt” của Do Thái phải được che dấu. Các binh sĩ Biệt Kích, Trinh Sát Dù, Biệt Động Quân được các tướng lãnh, giới chức lãnh đạo trong chính quyền âm thầm đến thăm, tặng quà. Trong khi đó dân Do Thái chỉ được biết đến các chàng phi công tham đự hành quân, dành cho họ tất cả mọi sự thán phục, tình thương như những người con yêu của tổ quốc. Những bữa tiệc mừng chiến thắng trong mùa hè 1976, ít người được biết hành quân Hỏa Cầu là một khúc quanh về chiến thuật hành quân trong trận chiến giữa Do Thái và khối Ả Rập. Trọng tâm của chiến tranh đã chuyển hướng chống lại quân khủng bố. Sự chuyển hướng này đòi hỏi không lực Do Thái thay đổi để đáp ứng tình thế mới. Chiến trường mới xẩy ra ngay trong khu vực đô thị, đông dân cư.
        Không một đơn vị nào có thể ngăn ngừa được một vụ xử dụng xe cộ đánh bom tự sát. Do Thái lập “Phòng An Ninh Tổng Quát – General Security Service GSS” để đối phó với những tổ chức khủng bố trong những khu vực chiếm đóng. Nhiều tay “trùm” khủng bố đã bị thanh toán bên Âu Châu sau vụ thảm sát đoàn lực sĩ Do Thái trong kỳ Thế Vận Hội ở Munich năm 1972. Báo chí thế giới cho rằng những chuyện “thanh toán” này do bàn tay của cơ quan tình báo lừng danh Mossad. Đêm xẩy ra trận chiến Yom Kippur, một người bồi bàn vô tội Moroco (Ma Rốc) đang làm việc ở Na Uy bị giết vì ngộ nhận, thế giới đổ tội cho cơ quan Mossad.
        Sau năm 1973, quân đội và không lực trong khối Ả Rập nhận thêm vũ khí mới từ Nga Sô và Tâây Phương. Phản lực cơ MIG-23, MIG-25 xuất hiện trên bầu trời Syria, Ai Cập nhận được phi cơ Phantom. Sau bài học trận chiến Sáu Ngày, không lực Do Thái không bao giờ đạt được thế “Thượng Phong” sau khi đã hủy diệt không lực các quốc gia Ả Rập khi còn đậu dưới đất. Tất cả các phi cơ Ả Rập đều đậu trong hangar ngầm dưới mặt đất có mái che bê tông cốt sắt. Do Thái phát triển vũ khí bí mật, lễ Độc Lập năm 1975, không lực Do Thái đưa ra loại phi cơ mới chế tạo Kfir (Sư Tử Nhỏ – Young Lion). Loại phản lực Nesher chế tạo trước đây được gọi là (Diều Hâu – Eagle) hay Barak (Tia Chớp – Lightning). Loại Nesher được chế tạo dựa theo chiến đấu cơ Mirage của Pháp, được biến cải để tấn công những mục tiêu trên bộ hữu hiệu hơn. Nesher trang bị vũ khí nhiều hơn và thùng xăng chứa nhiều hơn để tầm hoạt động rộng lớn hơn loại phi cơ Mirage.

VI. BAGHDAD, BEIRUT và TUNIS
        Ngày 29 tháng Mười năm 1977, Benny Peled bàn giao quyền tư lệnh không quân cho David Ivri. Không lực Do Thái chuyển mình qua một giai đoạn mới với nhiều loại phi cơ tối tân, máy móc điện tử phức tạp. David Ivri mộng ước trở thành một chuyên viên hoá chất thay đổi. Ông ta đã từng làm chỉ huy trưởng trường huấn luyện phi công trong trận chiến Sáu Ngày, Trưởng phòng hành quân trong trận chiến Tiêu Hao và chỉ huy trưởng căn cứ không quân rộng lớn Tel Nof. Benny đã nâng đỡ David, gửi đi học viện kỹ thuật và sau hai năm David Ivri lấy được bằng cấp kỹ sư hàng không, lên nắm quyền tư lệnh không quân năm 43 tuổi, lúc đó Thủ Tướng Do Thái là “Đại Diều Hâu” (Khối Ả Rập đặt cho) Menachem Begin.   
        Sau khi đảng Likud (khuynh tả, quá khích do Begin lãnh đạo) lên nắm quyền ở Do Thái năm 1977, Ai Cập phải “suy nghĩ lại”. Tháng 11 năm 1977, Tổng Thống Anwar Sadat thăm viếng kinh thành Jerusalem, nói chuyện trong quốc hội (Knesset) Do Thái, bầy tỏ muốn tìm một giải pháp hòa bình cho vùng Sinai. Đó là chuyến đi lịch sử, một vị Tổng Thống Ai Cập, lãnh tụ khối Ả Rập đi thăm viếng kẻ thù không đội trời chung Do Thái. Trước đó sứ giả của Sadat là Hassan Al Tohami đã có những chuyến “đi đêm” ở Morocco gặp ngoại trưởng Do Thái, Tướng “Độc Nhãn” Moshe Dayan.
        David Ivri cũng ngạc nhiên như mọi người Do Thái khác. Chuyến đi lịch sử của Tổng Thống Ai Cập Alwar Sadat như cho phép ông ta chuyển hướng vai trò của không quân qua hòa bình. Quân lực Do Thái sẽ phải rút ra khỏi bán đảo Sinai, bỏ hết những căn cứ quân sự, phi trường chiến lược, cũng như hệ thống radar báo động cho nền an ninh quốc gia. Ivri được lệnh, cho tháo rỡ tất cả 5 phi trường quân sự trong vùng, hai trong số đó là Eitam nằm đối diện El Arish và Etzion gần hải cảng Eilat. Hai căn cứ không quân rộng lớn này được xếp vào hạng tối tân trên thế giới. Giá trị cho một nền hòa bình kể cũng đắt.

        Chuyến bắt tay lịch sử của Tổng Thống Sadat cô lập Ai Cập với khối Ả Rập. Người Palestine tuyên bố Sadat là kẻ phản bội, họ cảm thấy như bị bỏ rơi khi Ai Cập tự ý ra khỏi vòng chiến tranh với Do Thái. Thực sự, Tổng Thống Sadat vẫn đòi hỏi Do Thái phải công nhận những phần đất dành cho người Palestine ở Judea, Samaria và trong giải Gaza. Để phản đối, các tổ chức khủng bố gia tăng hoạt động. Hôm thứ Bẩy ngày 11 tháng Ba năm 1978, một toán khủng bố phát xuất từ Lebanon xâm nhập vào bãi biển Tantura phiá nam hải cảng Haifa. Quân khủng bố cướp một xe bus chở hành khách đi tắm biển và giết vài người gần thủ đô Tel Aviv. Bốn ngày sau, quân đội Do Thái được không quân yểm trợ tấn công vào khu vực phiá nam Lebanon càn quét những căn cứ của quân khủng bố.
        Gần một thập niên, các nhóm khủng bố xâm nhập vào Lebanon, biến nơi này thành những ổ chứa chấp, phát xuất cho những hành động khủng bố. Không lực Do Thái thả bom, quân đội Do Thái tấn công các căn cứ của quân khủng bố trong vùng thung lũng sông Jordan và bị Quốc Vương Jordan xua đuổi trong “Tháng Chín Đen” năm 1970, quân khủng bố Palestine bị dồn về những sườn núi hướng tây nam đỉnh Mount Hebron và vùng thung lũng dọc theo sông Hatzbani. Mới đầu, họ phải sống chui rúc, ẩn náu trong những hang, động thiên nhiên, sau đó lần hồi di chuyển xuống những ngôi làng lân cận khoảng giữa sông Litani và phiá bắc Galilee. Lebanon chỉ có một quân đội “bỏ túi” không làm gì được bọn khủng bố.
        Trận oanh kích đầu tiên cùng với pháo binh rrơi xuống những căn cứ của quân khủng bố trong vùng đất “Thiên Đàng – Fatah Land” nơi chân những ngọn đồi Mount Hermon trả đũa vụ quân khủng bố dùng súng cối pháo kích vào những làng Do Thái nơi hướng bắc trong đó có làng Kiryat Shmona. Sĩ quan pháo binh dò tìm vị trí đặt súng của địch, biết được quân khủng bố ngụy trang, phân tán, dấu súng cối trong những xóm làng người Li Băng vô tội. Xử dụng không quân và pháo binh trả đũa chắc chắn sẽ đem đến thương vong cho thường dân.
        Những vụ pháo kích vào làng Do Thái vẫn tiếp tục tái diễn, quân đội được lệnh tiến vào vùng đất “Thiên Đàng” nơi chân những ngọn đồi Hermon thiết lập căn cứ hành quân lục xoát, tảo thanh những làng tình nghi và những ngọn đồi xung quanh. Hành quân “Uproar” xử dụng chiến xa và một đơn vị Lực Lượng Đặc Biệt. Những hành quân tiếp theo bắt đầu từ ngày 12 tháng 5 năm 1970 được một phi đội A4-E Skyhawk dưới quyền Ezra “Baban” Dotan yểm trợ. Baban đã từng bắn rơi một  chiếc MIG-21 trong trận chiến Sáu Ngày. Ông ta cũng là phi công lái chiếc Mirage trúng đạn gẫy đuôi trong trận oanh kích phi trường H-3 của Iraq, đáp xuống an toàn như một phép lạ.
        Baban kể lại câu chuyện như sau. Sau khi bay vài tour trên vùng hành quân, chúng tôi phát hiện xe bọc sắt (quà tặng của các nước Ả Rập) của quân khủng bố và lao xuống tấn công. Đúng lúc đó phi công Số 2 báo cho tôi biết có hai phản lực cơ MIG xuất hiện. Điều này chúng tôi không ngờ vì Lebanon không có không quân. Chắc là phi cơ của Syria. Chúng tôi chỉ có hai chiếc phản lực cũ Skyhawk, vội báo về đài kiểm soát không lưu xin tăng viện và được trả lời, chiến đấu cơ ngăn chận đang trên đường đến. Trong khi chờ đợi, tôi ra lệnh cho chiếc Số 2 bay theo tôi… sẵn sàng “chơi”.
        Tôi bay theo đuôi hai chiếc MIG-17 của Syria, loại này có đôi cánh dài rất dễ bay lượn. Hai phi công địch biết được sự hiện diện của bọn tôi, cũng bắt đầu bay lượn qua lại. May thay phi cơ chúng tôi có đem theo hỏa tiễn xuyên phá lớp thép của chiến xa, không đem theo bom hạng nặng khó bay lượn. Tôi bám theo đuôi một chiếc MIG, liếc qua bên phải, phi công Số 2 bắn đại bác phòng không vào chiếc thứ MIG thứ hai nhưng không trúng. Cả hai phi công địch hốt hoảng tìm cách tẩu thoát.
        Viên phi công Syria bay trước mặt tôi bẻ cua thật gắt định bay vào hẻm núi, tôi khai hỏa một hỏa tiễn loại tấn công các mục tiêu trên mặt đất không trúng. Loại này nằm trong ống phóng trông như tổ ong đeo dưới hai cánh phi cơ. Tức giận, tôi vẫn bám theo, lần này bắn ra một loạt hỏa tiễn, chiếc phi cơ MIG trúng một quả nổ tung.
        Đúng lúc đó phi công Số 2 báo động “Đổi hướng gấp”. Thêm hai phản lực cơ MIG khác đang đuổi theo sau đuôi, tôi vội bẻ quặt hướng vòng ngược lại, đạn đại bác phi công địch bắn ra bay lướt qua. Lúc đó phi cơ Mirage đã ở trên vùng, yêu cầu tôi chỉ hướng máy bay địch. Nổi điên, tôi nhất định “ăn thua” với tay phi công này, trả lời viên phi công bạn lái Mirage rằng “Chiếc này của tôi, để tôi lo”. Viên phi công Syria hạ thấp cao độ bay qua lại trên những cánh đồng trồng nho để tránh, tôi lao xuống khai hỏa đại bác 37 ly bắn đứt cánh chiếc phi cơ. Chiếc MIG-17 quay vòng rồi đâm xuống đất nổ tung.
        Baban là phi công Skyhawk Do Thái đầu tiên bắn rơi hai phản lực cơ MIG bằng hỏa tiễn chống xe tăng và đại bác. Sau này Baban được biết viên phi công Syria bị bắn rơi cũng là phi đội trưởng như chàng và đã từng tham dự trận oanh kích hải cảng Haifa trước đây.

        Người Syria tảng lờ sự hiện diện của quân khủng bố Palestine trên đất Lebanon. Những chiếc MIG-17 của họ bay biểu dương trên bầu trời vùng đất “Thiên Đàng – Fatah Land” để đe dọa phản lực Skyhawk bay yểm trợ bộ binh tham dự hành quân “Uproar”. Người Syria cũng như khối Ả Rập cung cấp vũ khí, đạn dược, tài trợ cho người Palestine khuấy phá Do Thái. Trong thập niên 70, Lebanon là căn cứ điạ lớn nhất chứa vũ khí, huấn luyện cho quân khủng bố. Beirut cũng là nơi phác họa kế hoạch, chỉ huy các hoạt động chống Do Thái bên Tây Âu.
        Nội chiến giữa các lãnh chúa ở Lebanon bắt đầu năm 1974, người Hồi giáo đòi hỏi sửa đổi hiến pháp soạn năm 1943. Người Christian tập họp lực lượng lại và yêu cầu Do Thái tiếp tay. Trước đó, giữa đêm khuya trong tháng Tư năm 1973, một đơn vị biệt kích Do Thái xâm nhập vào một chung cư ở Beirut giết 4 lãnh tụ khủng bố.
        Người Christian tàn sát người Palestine trong trại tạm cư A-Zatar làm khối Ả Rập công phẫn. Syria đưa vào toán yểm trợ, cố vấn cho người theo đạo hồi, xúi dục người Palestine trả thù cho xương máu đồng bào của mình. Người Hồi giáo tấn công nhiều ngôi làng Christian trong vùng đồi núi, đốt phá thành phố nhỏ Damour gần thủ đô Beirut. Người Christian lại cầu cứu người Do Thái.
        Trong tháng Ba năm 1978, quân khủng bố phát xuất từ Lebanon lại phục kích xe cộ Do Thái trên một con đường dọc theo biển. Điều này chứng tỏ Do Thái vẫn chưa có một phương pháp nào ngăn ngừa những hoạt động khủng bố. Bốn ngày sau quân đội Do Thái tiến vào vùng phiá nam Lebanon, vùng đất “Thiên Đàng” phá hủy những căn cứ của quân khủng bố, cắt đường vận chuyển vũ khí, đạn dược từ biển vào. Hành quân Litani kéo dài sáu ngày từ 15 đến 21 tháng Ba. Khoảng một tiếng đồng hồ trước khi quân đội Do Thái vượt tuyến xuất phát, phản lực cơ F-15 (Do Thái mua được tất cả mọi vũ khí, chiến cụ tối tân của Hoa Kỳ) cất cánh bay bao vùng ngăn cản phi cơ của Syria.
        Theo sự phối hợp với bộ binh, không lực Do Thái oanh kích những vị trí quân khủng bố trên những sườn núi cao mà xe cộ cũng như bộ binh không đến được hoặc sẽ phải chịu nhiều tổn thất. Các phi tuần phản lực Phantom, Skyhawk và Kfir thả bom trên những căn cứ của quân khủng bố và phá hủy hai trạm tiếp nhận vũ khí nơi cửa biển Tyre và Damour. Quân đội Do Thái phá hủy được hơn một chục vị trí đặt súng cối pháo kích vào các làng Do Thái trong vùng Thượng Galilee (Upper Galilee). Hai phản lực cơ Do Thái bị hư hại nhẹ do đại liên phòng không cùng với hỏa tiễn đeo vai bắn lên.
        Rất ít quân khủng bố Palestine ở lại chống cự, đa số bỏ chạy ra khỏi khu vực bị tấn công, thả bom nơi phiá nam Lebanon, vùng đất “Thiên Đàng”. Quân đội Do Thái giết khoảng 300 tên khủng bố, phá hủy các căn cứ. Tuy nhiên, ít lâu sau cuộc hành quân, quân khủng bố trở về, xây doing, sửa chữa lại căn cứ. Quân đôi Liên Hiệp Quốc cũng như chính quyền Lebanon chẳng làm gì được để ngăn chận.
        Trong khi chiến tranh vẫn còn đang tiếp diễn ở Lebanon, không lực Do Thái bận rộn cho việc rút ra khỏi vùng Sinai, sau khi ký hiệp ước với Ai Cập. Do Thái sẽ phải bỏ một số làng mạc cùng với căn cứ quân sự, phi trường, cũng như công nhận những phần đất dành cho dân tộc Palestine ở Judea, Samaria, và giải Gaza. Để đền bù cho Do Thái, Tổng thống Hoa KỳJimmy Carter đồng ý xây dựng mấy phi trường trong sa mạc Negev, nơi hướng bắc hố (crater) Ramon và trong thung lũng Ovda.
        Người Hoa Kỳ bắt đầu xây phi trường cho Do Thái từ năm 1980. Quân lực Do Thái hoàn tất việc rút quân ra khỏi bán đảo Sinai trong mùa xuân năm 1982. Phi trường Etzion được di tản cuối cùng để làm căn cứ xuất phát phi vụ đi thả bom phá lò nguyên tử của Iraq. Kế hoạch này được dấu kín cả năm, chỉ có vài tướng lãnh cao cấp và Thủ Tướng biết chuyện này. Không lực Do Thái được lệnh tiếp tục đánh phá những dàn hỏa tiễn Syria để che dấu kế hoạch oanh kích phá nhà máy nguyên tử của Iraq.
        Osiris là tên lò nguyên tử của Iraq, được lấy ra từ trong huyền thoại Ai Cập. Osiris là tên gọi Diêm Vương, người trông coi điạ ngục và những người đã chết. Saddam Hussein, Tổng Thống Iraq, là lãnh tụ đầu tiên trong khối Ả Rập quyết định chế tạo vũ khí nguyên tử và ông ta không dấu diếm sẽ xữ dụng vũ khí nguyên tử để tiêu diệt Do Thái, lấy kinh thành Jerusalem làm thủ đô cho đạo Hồi. Saddam được mệnh danh “Tên Đồ Tể thành Baghdad” trong trận chiến dai dẳng giữa hai nước Ả Rập láng giềng Iran, Iraq. Ông ta thăng tiến nhanh trong quân đội dưới thời Tổng Thống Al Baqr từ năm 1971 cho đến khi lên nắm trọn quyền hành trở thành nhà độc tài.
        Trong trận chiến Iran, Iraq, phi công Iran thả bom lò nguyên tử của Iraq hai lần nhưng không gây thiệt hại gì. Tuy nhiên đủ làm nhiều chuyên viên người Pháp lo sợ, bỏ cuộc trở về Pháp. Tuy nhiên Iraq vẫn mua được 12 kilo uranium để chế bom.
        Kế hoạch tấn công lò nguyên tử của Iraq đã được chuẩn bị từ tháng 11 năm 1979. Bộ tư  lệnh không quân làm việc với phòng hành quân bộ tổng tham mưu soạn ra hai kế hoạch khác nhau. Ivri cho Aviem Sela, trưởng phòng hành quân bộ tư lệnh không quân  biết về kế hoạch và tập dợt. Một phi đội được chọn lựa để thi hành công tác, tuy nhiên vẫn chưa cho các phi công biết rõ nhiệm vụ. Phi công bay loại Skyhawk và Phantom thực tập lấy thêm xăng từ trên không trong khi đang bay trên một phi trình xa vùng biển Điạ Trung Hải đến Hồng Hải. Ivri ra lệnh cho các phi công phải hoàn thiện chuyện này, ngoài ra còn phải xác định toạ độ nơi các phi cơ chở xăng gặp các phi cơ tham dự trận oanh kích trở về. Làm sao để cho các phi cơ gặp nhau? Điểm hẹn đã ra khỏi tầm hoạt động của các đài kiểm soát không lưu ở Do Thái. Buổi họp trong bộ tổng tham mưu vào tháng Hai năm 1980, Ivri báo cáo không lực Do Thái có thể hoàn tất nhiệm vụ (oanh kích lò nguyên tử của Iraq). Tiếp theo Tướng Raful Eitan tổng tham mưu trưởng trình lên cho Tướng Ezer Weizman (một trong những vị tư lệnh không quân đầu tiên, người đã có công hiện đại hoá không lực Do Thái) tổng trưởng quốc phòng. Đã từng là cựu tư lệnh không quân, Tướng Weizman chấp thuận không cần đặt thêm câu hỏi.
        Ivri thuyết trình riêng cho vị tổng tham mưu trưởng và tổng trưởng quốc phòng chi tiết trận oanh kích sẽ do phản lực cơ Skyhawk và Phantom đảm trách, những khó khăn khi phải tiếp tế thêm xăng trong khi đang bay. Đúng lúc đó, Hoa Kỳ gửi sang Do Thái loại phản lực cơ mới, đa hiệu F-16 Fighting Falcon. Ze’ev cùng với toán phi công đầu tiên huấn luyện bay loại F-16 từ Hoa Kỳ trở về, họ bắt đầu thực tập bay tấn công những mục tiêu ở xa, đem theo đủ loại vũ khí khác nhau. Cuối cùng không lực Do Thái đồng ý loại F-16 rất thích hợp cho sứ mạng đặc biệt. Ze’ev cùng với sĩ quan định hướng, vũ khí vào trình diện vị tư lệnh không quân Ivri. Ivri cho họ biết nhiệm vụ của họ và dặn dò làm việc chặt chẽ với trưởng phòng hành quân bộ tư lệnh không quân Aviem Sela.
        Ngày 29 tháng Mười, vị tổng tham mưu trưởng mời Ivri đến nói chuyện. Raful truyền lại lệnh của thủ tướng oanh kích lò nguyên tử của Iraq. Ông ta cho Ivri biết thêm, tất cả mọi bộ trưởng trong nội các đều đồng ý, ngoại trừ vị phụ tá thủ tướng Yigal Yadin. Trận oanh kích sẽ dự trù sau ngày bầu cử tổng thông Hoa Kỳ 4 tháng Mười Một. Ivri trở về bộ tư lệnh không quân ra lệnh cho Aviem, xúc tiến nhanh chóng kế hoạch.
        Ngày 4 tháng 11, Regan thắng cử tổng thống Hoa Kỳ. Ngày 10 tháng 11, Ivri báo cáo lên bộ tổng tham mưu, không lực đã sẵn sàng, phản lực cơ F-16 được trang bị thêm bình xăng phụ có thể bay đến Bagdad rồi trở về không cần phải tiếp tế xăng trên không. Ivri yêu cầu bộ tổng tham mưu quân lực định ngày “ra đi” cho sứ mệnh đặc biệt.
        Trong ngày đầu năm 1981, những bản tin tình báo gửi về chồng chất trên bàn giấy thủ tướng “Đại Diều Hâu” Menachem Begin, cho biết Iraq đã bắt đầu sản xuất Plutonium. Bước đầu trong việc chế tạo vũ khí nguyên tử. Saddam Hussein phát biểu rõ ràng ý định tiêu diệt Do Thái. Raful thông báo cho Ivri biết, phụ tá thủ tướng Yigal Tadin cũng đã đồng ý, như vậy toàn thể nội các đã chấp thuận việc “thanh toán” lò nguyên tử của Iraq.
        Trong khi đó, Do Thái nhận được thêm phản lực cơ F-16 cùng với những bình xăng phụ gắn dưới bụng phi cơ. Tuy nhiên lúc đó đang vào giữa mùa đông, thời tiết thay đổi bất thường, trưởng phòng hành quân bộ tư lệnh không quân Aviem thúc đẩy các chuyên viên khí tượng theo dõi thời tiết hàng ngày, lấy đủ mọi yếu tố về sức gió, mây và những trận bão cát thường xẩy ra giữa Do Thái và Iran. Loại bom đem theo để phá lò nguyên tử cũng phải được nghiên cứu kỹ càng, phải xuyên qua được lớp bê tông cốt sắt mái vòng cung che chở lò nguyên tử với góc 45 độ để bảo đảm lò nguyên tử bị tàn phá, tiêu hủy. Chuyên viên vũ khí sau khi họp với kỹ sư kiến trúc ước tính độ dầy của lớp bê tông, kết kuận rằng, quả bom nặng một tấn đước gia tăng tốc độ rơi, với đầu nổ chậm có thể đạt được kết qủa. Trong lần thí nghiệm, Aviem cùng với vị tổng tham mưu trưởng đích thân ngồi ghế sau chiếc F-16 để quan sát. Raful được mục kích trận đánh bom thực tập hoàn hảo. Trưởng phòng hành quân Aviem tin tưởng, một phi đội sáu chiếc F-16, mỗi chiếc đem theo hai quả bom dưới cánh đủ để tiêu hủy lò máy nguyên tử. Phi đội “đặc biệt” này được Aviem cho thêm hai chiếc F-16 và bốn phi công làm thành phần trừ bị. Tổng cộng 12 phi công, 10 F-16 được huấn luyện đặc biệt cho phi vụ tối mật, bao gồm F-16 bay theo bảo vệ trận oanh kích, trường hợp phi cơ địch lên ngăn cản.     
        Ngày được chọn để thi hành sứ mệnh đặc biệt là ngày 10 tháng Năm năm 1981. Trưởng phòng hành quân Aviem và Ze’ev người chỉ huy trận oanh kích thuyết trình cho 10 phi công về nhiệm vụ đặc biệt. Một phi công tình nguyện là vị chỉ huy căn cứ không quân cho loại F-16, ông ta được chấp thuận với điều kiện phải tạm quên cấp bậc, chức vụ, làm việc dưới sự chỉ huy của phi công phi tuần trưởng, chỉ huy trận oanh kích Ze’ev.
        Các phi cơ tham dự trận đánh sẽ chia thành hai nhóm, nhóm thứ nhất do Ze’ev chỉ huy tổng quát, nhóm thứ hai dưới quyền Nahumi phi đội trưởng phi đội F-16. Phi trường Etzion sẽ được xử dụng làm căn cứ xuất phát. Etzion không phải là căn cứ cho loại F-16, do đó từ những tuần trước, vấn đề tiếp liệu, trang bị cũng như máy móc dụng cụ truyền tin cho loại phản lực F-16 đã được đưa đến căn cứ không quân Etzion. Nhiệm vụ cấp cứu các phi công cũng được soạn thảo trong kế hoạch, tuyển chọn từ phi đoàn trực thăng. Các phi công đã được căn dặn kỹ càng, trường hợp trúng đạn đại bác phòng không hoặc hỏa tiễn, cố gắng lái chiếc phi cơ lâm nạn về càng gần Do Thái càng tốt. Ze’ev ước tính có thể có hai phi cơ không quay trở về, tuy nhiên chàng dấu kín không cho ai biết. Các phi công được trao cho tiền tệ Iraq, họ đều trả lại… Trường hợp bị bắn rơi ở Iraq, không biết nói tiếng Iraq, đồng tiển không “gỡ” được.
        Buổi sáng Chủ Nhật ngày 10 tháng Năm, một nhóm tướng lãnh, sĩ quan cao cấp Do Thái bay đến phi trường Etzion. Raful, Ivri cùng các tướng lãnh vào phòng thuyết trình lần cuối. Họ đứng trước toán phi công có biệt danh “Bagdad”. Các phi công được lệnh, phải làm nhanh không quá 3 phút trên bầu trời Bagdad, mỗi phi cơ chỉ có 30 giây để thả bom rồi phải quay trở về Do Thái ngay. Ivri, tư lệnh không quân ra lệnh, tuyệt đối không được quay trở lại tấn công lần thứ hai, chuyện này có thể làm cho tình thế trở nên phức tạp, vì các phi công bạn phải chờ đợi, gom phi tuần lại trước khi bay trở về. Ivri nhấn mạnh thêm, trong đoàn quân đi chinh phạt có nhiều phi công cấp bậc bằng hoặc cao hơn người chỉ huy trận đánh nhưng Ze’ev là cấp chỉ huy tuyệt đối, người chịu trách nhiệm kết quả của trận đánh.
      Tướng Raful vị tổng tham mưu trưởng quân lực, nói rất ít, ông ta có vẻ xúc động trước các tráng sĩ “Kinh Kha”. Raful chỉ nhắc nhở tầm mức quan trọng của phi vụ, mối nguy hiểm của quốc gia nếu kẻ thù Iraq chế được bom nguyên tử. Các phi công lắng nghe ông ta cũng cảm động không kém, họ hiểu sự mất mát của vị tổng tham mưu trưởng. Đại úy Yoram Eitan (con trai của Raful) cũng tình nguyện tham dự trận đánh và tử nạn trong lúc bay thực tập. Sau đó Raful yêu cầu được đi xem phòng của con trai ông. Đến phòng của đại úy Yoram, lúc đó vẫn còn trống, mọi người đứng ngoài để một mình vị tướng TTMT vào một mình.
        Vài tiếng đồng hồ sau, Ivri nhận được cú điện thoại khẩn từ vị tổng tham mưu trưởng “David! Hoãn trận oanh kích lại một tuần, thủ tướng (Menachem Begin) sẽ đi dự một buổi họp thượng đỉnh tuần tới. Ông ta sẽ cùng với Tổng Thống Ai Cập Saddat thăm viếng phi trường Ofir. Raful”.
        Ngày thi hành sứ mệnh được đình hoãn lại cho đến ngày 7 tháng Sáu, đó cũng là ngày lễ Shavuot của Do Thái, nhiều người xin nghỉ phép. Ivri ra lệnh, mọi quân nhân vẫn đi phép như đã định sẵn. Các cấp chỉ huy liên quan đến trận oanh kích sẽ nhận được lệnh cuối cùng từ ông ta ngày Thứ Năm 4 tháng Sáu. Hôm đó, ông ta sẽ cùng với Raful TTMT và tư lệnh Hải Quân bay đi Naples để dự lễ bàn giao chức vụ tư lệnh Đệ Lục Hạm Đội của Hoa Kỳ.
        Lúc trở về, trung tâm hành quân trung ương yêu cầu ba vị tướng đến gặp Thủ Tướng Begin ngay tức khắc. Vừa đáp xuống, trưởng phòng hành quân bộ tư lệnh không quân Aviem đã chờ sẵn bên chiếc trực thăng để đưa họ đi Jerusalem. Trên đường đi, Aviem báo cáo về sự chuẩn bị cho trận oanh kích, mọi chuyện đã sẵn sàng đâu vào đấy.
        Hai giờ chiều ngày Chủ Nhật, trong phi trường Etzion, các phi công đã ngồi vào buồng lái phi cơ F-16, chuyên viên cơ khí, vũ khí kiểm soát lại chiếc máy bay lần chót. Các phi cơ tham dự trận oanh kích được “võ trang” đến mức tối đa, bình xăng phụ dưới bụng, hai quả bom mỗi qủa cân nặng một tấn đeo dưới hai bên cánh. Ze’ev kiểm soát lại với chuyên viên vũ khí về “thời nổ”, quả bom đầu tiên sẽ tạo một lỗ hổng trên mái bê tông che chở lò nguyên tử, các quả tiếp theo sẽ rơi xuống tới sàn, tới hầm mới nổ để tàn phá lò nguyên tử.
        Các phi cơ F-16 bắt đầu lăn bánh ra phi đạo. Phi trình dài 2500 cây số đã được tính toán kỹ càng, các phi cơ khi về đến Do Thái sẽ không còn một giọt xăng. Cũng vì chuyến hành quân đặc biệt này, phi trường Etzion đã phải hoãn lại ngày di tản ra khỏi vùng Sinai. Phi đội do Ze’ev dẫn đầu cất cánh trước rồi đến phi đội dưới quyền Nahumi “Bunch” lên tiếp theo. Aviem đã vạch sẵn phi trình bay tránh các dàn radar Jordan.
        Hai phi tuần phản lực F-16 của Do Thái trên đường đến mục tiêu, bay ngang qua vịnh Aqaba nơi có hàng ngàn người đang nghỉ mát. Vua Hussein nhìn thấy họ trên chiếc du thuyền của ông ta đang đậu trong hải cảng Jordan, tuy nhiên ông không lo bị tấn công vì đoàn phi cơ bay về hướng đông nam qua Saudi Arabia. Nghi ngờ đoàn phi cơ Do Thái có thể tấn công Iraq, Vua Hussein gọi tổng hành dinh ở Amman ra lệnh cho họ báo động cho Saddam Hussein. “Tay Đồ Tể thành Bagdad” lúc đó đang ở mặt trận thăm viếng, tưởng thưởng cho binh sĩ nên không nhận được lời báo động. Đoàn phi cơ Do Thái tiếp tục phi trình cắt ngang qua vịnh Eilat trên đầu nhiều chiếc tầu lớn, trong đó có nhiều chiếc chuyển vận vũ khí cho Iraq để xử dụng trong trận chiến Iran, Iraq.
        Chín mươi phút bay cô đơn đến mục tiêu. Các phi công Do Thái được lệnh giữ im lặng vô tuyến để giữ bí mật. Ze’ev dẫn đầu đoàn phi cơ, khi đồng hồ báo bình xăng phụ đã cạn, chàng buộc lòng phải bỏ “đồ kỷ niệm”, thả bình xăng phụ cho rơi xuống bãi cát sa mạc mênh mông ở dưới đất. Sau khi bỏ rơi bình xăng, F-16 tăng tốc độ lên 450 knots.
        Rồi mầu nâu vàng của sa mạc biến mất, mầu xanh tươi của hai giòng sông Tigris và Euphrates hiện ra. Ze’ev ra lệnh cho các phi công mở máy truyền tin để liên lạc. Các phi công F-16 bơm hơi halon vào bình xăng đề phòng cháy trường hợp trúng đạn phòng không. Họ bay thấp ngang qua những cánh đồng, nhiều người dân đang làm việc nhìn lên đoàn phi cơ đang bay. Những người dân làng cũng không để ý máy bay của ai, bay đi đâu, làm gì?
        Đoàn phi cơ bay ngang qua sông Euphrates, Ze’ev ngạc nhiên vì các dàn hỏa tiễn của Iraq vẫn chưa phản ứng, chàng lo ngại hơn nếu đụng phải phản lực cơ MIG của địch. Bầu trời êm lặng không thấy bóng dáng phi cơ hay hỏa tiễn của địch bắn lên, mặc dầu các phi cơ Do Thái đã vào sâu trong tầm radar của Iraq. Các phi công Do Thái tăng tốc độ tối đa lên 500 knots đến thủ đô Bagdad, họ đã nhìn thấy ánh đèn sáng vùng ngoại ô bên giòng sông Tigris. Lò nguyên tử của Iraq nằm cách trung tâm thủ đô Bagdad 17 cấy số về hướng tây.
        Ze’ev hướng dẫn đoàn phi cơ lên cao độ rồi xả hết tốc độ 600 knots lao xuống mục tiêu với góc 35 độ. Khi máy computer báo hiệu “beep”, chàng bấm nút thả hai quả bom từ cao độ 3500 bộ. Chàng thở ra nhẹ nhõm, bẻ cần lái qua bên phải rồi nhấn nút thả một quả hỏa châu để đánh lạc hướng hỏa tiễn tầm nhiệt bắn lên. Tám chiếc phi cơ F-16 lao xuống thả 16 tấn bom trên lò nguyên tử của Iraq cách nhau 5 giây. Đến khi tới phiên phi đội của Nahumi, lò nguyên tử của Iraqđã biến thành một quả cầu lửa không lồ đang bốc cháy. Ze’ev bay trên không theo dõi trận đánh bom xong, chàng điểm danh.
-           Điểm danh!
-           Chisel Số 2 vô sự.
-           Chisel Sốù 3 vô sự.
-           Chisel Số 4 vô sự.     (Phi đội Ze’ev)
-           Bunch Số 1 vô sự.
-           Bunch Số 2 vô sự.
-           Bunch Số 3 vô sự.    (Phi đội Nahumi)

        Không nghe Bunch Số 4 trả lời, Ze’ev lập lại “Bunch Số 4?”. Vẫn chưa nghe tiếng trả lời, cả Ze’ev lẫn Nahumi lo ngại. Ze’ev gằn giọng nói.
-           Bunch Số 4. Bạn có sao không?
-           Vô sự. Tôi đang lên.

        Mọi người thở ra nhẹ nhõm. Sau khi về đến căn cứ, phi công “Bunch Số 4” cho biết lý do, lo tránh đạn phòng không và quên mất danh hiệu vì từ đầu đến cuối chỉ xử dụng một lần. Tên viên phi công này là Ramos, trẻ tuổi nhất trong đám. Ramos được Hoa Kỳ tuyển chọn làm phi hành gia và tử nạn trong vụ phi thuyền con thoi Discover nổ tung trên bầu trời tiểu bang Texas năm 2002.
        Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, gom phi đoàn lại, Ze’ev báo cáo về cho cấp chỉ huy trực tiếp Aviem, trưởng phòng hành quân quân lực Do Thái.
-           Carbon (danh hiệu của Aviem). Đây là Chisel Số 1. Cả hai gia đình Chisel và Bunch đều bình an vô sự. “Charlie – ám hiệu cho sự thành công”. Lúc đó đích thân Aviem đang ngồi trên một phi cơ làm bộ chỉ huy bay trên không phận Do Thái.
-           Tất cả hai gia đình đều vô sự?
-           Đúng năm. Tất cả đều bình an. Chắc chắn.
-           Tất cả đều bình an.  Aviem báo về bộ chỉ huy trung ương quân lực Do Thái.

        Lời báo cáo “Bình an vô sự” đến bộ chỉ huy làm tất cả mọi người mừng rỡ vui sướng, kể cả Raful, Ivri và những tướng lãnh cao cấp trong quân lực. Raful, tổng tham mưu trưởng nhấc điện thoại lên báo cáo lên cho Thủ Tướng “Đại Diều Hâu” Menachem Begin lúc đó đang ngủ tại nhà.
        Các phi công Do Thái đã lên cao độ 42000 bộ, Ze’ev hỏi Nahumi.
-           Bunch Số 1, đây là Chisel Số 1. Kết qủa của bạn ra sao?
-           Rất đẹp, chỉ bị vài viên sỏi dưới cánh.   Aviem chen vào.
-           Chisel Số 1, đây là Carbon. Kết qủa tốt đẹp chứ?
-           Bảo đảm. Mục tiêu bị tiêu hủy như đã dự trù.
-           Có ai bị thương không?
-           Có thể bị trầy da chút đỉnh…
-           Về nhà. Chúc mừng…

        Khi các phi công F-16 vào không phận Do Thái, Ivri bỗng dưng lên máy ra lệnh cho họ đáp xuống phi trường Etzion như những lần thực tập. Các chuyên viên cơ khí chạy lại chúc mừng, xem xét phi cơ rồi đổ xăng cho chuyến bay trở về căn cứ của loại phản lực F-16. Tối hôm đó trên đường bay về căn cứ, các phi công F-16 xả hết tốc lực tạo thành âm thanh lớn như trút đi những gánh nặng nhiệm vụ đã đè nén trên đôi vai của họ.
        Trưa hôm sau, trên đường lái xe vào căn cứ, Ze’ev cho một quân nhân quá giang xe, anh ta chưa biết đó chính là người chỉ huy trận oanh kích.
-           Ông nghĩ thế nào về trận đánh bom lò nguyên tử của Iraq?
-           Bạn nói chuyện gì vậy?    Ze’ev tỉnh bơ
-           Họ vừa đọc bản tin trên đài phát thanh.

TRẬN CHIẾN LEBANON: HÀNH QUÂN HÒA BÌNH CHO VÙNG GALILEE
        Ngày 5 tháng Tám, sau ngày bầu cử, đảng của thủ tướng Menachem Begin chiếm đa số trong quốc hội Do Thái, danh tướng Ariel Sharon lên nắm chức vụ tổng trưởng quốc phòng (sau này làm thủ tướng). Hai tháng sau, Tổng Thống Ai Cập Anwar Sadat bị ám sát tại thủ đô Cairo trong một buổi duyệt binh diễn hành của quân đội. Trong lần gặp mặt đầu tiên với vị Tổng Thống mới của Ai Cập Hosni Mubarak, Tướng Sharon hứa quân đội Do Thái sẽ không tấn công Lebanon, nhưng sẽ trả đũa mạnh mẽ đối với các hoạt động khủng bố. Những toán quân khủng bố thường di chuyển luôn để giữ bí mật và an toàn, và bắt đầu tấn công các cơ sở người Do Thái bên Âu Châu. Trong tháng Tám, quân khủng bố tấn công các tòa đại sứ, văn phòng hãng hàng không El Al của Do Thái ở Rome, Vienna, và Athens. Trong tháng Mười, họ cho nổ tung một xe chở bom bean ngoài đền thờ người Do Thái (synagogue) ở Antwerp. Tháng Tư năm 1982, Yaakov Bar Siman Tov nhân viên làm việc trong tòa đại sứ Do Thái ở Paris bị giết chết.
        Tổng trưởng quốc phòng Sharon trình lên chính quyền những kế hoạch trả đũa, như một điện văn thông báo cho các tổ chức khủng bố trên thế giới. Tướng Raful (TTMT), đàn em của Sharon khi cả hai cùng phục vụ trong binh chủng Nhẩy Dù, bắt đầu soạn thảo chương trình hành động của Do Thái, lấy tên là hành quân Pines. Theo lời vị danh tướng này, các hành động khủng bố bên Âu Châu “đã đủ”.
        Gần một tháng trôi qua, sau vụ xuống đường chống đối lệnh di tản, tái định cư (ra khỏi vùng Sinai) nơi làng Yamit, quân khủng bố lại “làm” thêm vố nữa. Lần này bọn chúng thanh toán đại sứ Do Thái ở Anh quốc, Shlomo Argov ngay trong thủ đô London. Ngày 3 tháng Sáu, nhóm khủng bố dưới quyền Abu Nidal, một nhánh trong Tổ Chức Giải Phóng Palestine (PLO) phục kích vị đại sứ Do Thái khi ông ta từ trong khách sạn Dorchester bước ra. Vị đại sứ trúng đạn gục xuống, không chết nhưng hoàn toàn bị bại liệt. Ngày hôm sau, chính quyền cho phép quân đội Do Thái mở cuộc hành quân Pines. Yasser Arafat lãnh tụ PLO tuyên bố, vụ ám sát đại sứ Shlomo Argov không theo lệnh của ông ta và Abu Nidal là kẻ phản bội tổ chức PLO.
        Ngày 4 tháng Sáu, tư lệnh không quân Ivri ra lệnh báo động cho tất cả căn cứ không quân. Herzle Bodinger, chỉ huy trưởng căn cứ không quân Ramat David ban lệnh cho các phi công trước khi họ lên đường thực hiện phi vụ đầu tiên. Chiều hôm đó, phản lực cơ Phantom oanh kích sân vận động Beirut nơi mà quân khủng bố xử dụng làm kho chứa vũ khí. Địch quân trả đũa bằng cách pháo kích bằng súng cối và hỏa tiễn Katyusha vào vùng Galilee làm thường dân Do Thái phải bỏ công việc chạy xuống những hầm tránh bom.
        Ngày thứ Bẩy, 5 tháng Sáu, kỷ niệm 15 năm trận chiến Sáu Ngày, chiến xa Merkava Do Thái chế tạo vượt qua biến giới, quân đội Do Thái tiến vào khu vực an ninh của Saad Haddad. Hôm sau, chính quyền Do Thái thông báo hành quân Hòa Bình Trên Vùng Galilee bắt đầu.         Quân đội Do Thái tảo thanh những căn cứ khủng bố giới hạn 40 cây số dọc theo biên giới Lebanon-Do Thái đến sông Awali. Khu vực hành quân rộng gấp đôi hành quân Litani trước nay. Quốc hội (Knesset) Do Thái chập thuận cho cuộc hành quân giới hạn này.
        Chiến đấu cơ Skyhawk đầu tiên bị bắn rơi trên bầu trời Damour bởi súng phòng không. Báo chí thế giới đăng tải bức hình, một xác chết bị cột chân vào xe hơi kéo đi vòng quanh trên đường phố Beirut. Quân khủng bố nói là xác của phi công Do Thái bị bắn rơi, tuy nhiên sau này, anh ta được thả về. Xác chết có lẽ là của một phi công trực thăng lái Cobra bị bắn rơi gần biên giới.
        Ngày thứ ba sau khi quân đội Do Thái đánh qua biên giới, phản lực cơ Mig-21, Mig-23 của Syria tấn công đoàn xe thiết giáp đụng phải F-15, kết quả 6 phản lực cơ MIG bị bắn rơi, hai phi công Syria bị bắt sống. Phiá Do Thái không bị một thiệt hại nào.
        Ngày 9 tháng Sáu, ngày thứ tư của cuộc hành quân, đơn vị thiết giáp Do Thái tiến gần đến phòng tuyến quân đội Syria. Phi cơ Do Thái bay yểm trợ đã vào trong tầm hỏa tiễn của địch đặt trong thung lũng Bekaa. Quân đội Do Thái lục xoát vùng hành quân tịch thâu nhiều vũ khí đạn dược của quân khủng bố.
        Quân đội Syria đưa thêm hai lữ đoàn thiết giáp cùng với trực thăng ra phòng tuyến. Các đơn vị này được các chiến đấu cơ MIG-21 và MIG-23 yểm trợ. Phiá Do Thái vẫn chưa biết được ý định của quân đội Syria, ngăn cản trận tấn công vào Lebanon tiêu diệt các căn cứ của quân khủng bố hay mở một trận tuyến mới dọc theo cao nguyên Golan để làm giảm áp lực của quân đội Do Thái ở Lebanon. Tình báo quân đội Do Thái biết được Syria bố trí 19 dàn hỏa tiễn, hơn một nửa là loại tối tân SA-6, trải dài từ đỉnh Mount Hermon nơi phiá nam lên đến Zahla. Thêm vào là đại bác phòng không và hỏa tiễn mang trên vai Strella. Tướng Ivri tư lệnh không quân đã ra lệnh cho Aviem, trưởng phòng hành quân soạn thảo kế hoạch “thanh toán” những dàn hỏa tiễn này trong một thời gian ngắn khi được chấp thuận.

        Bầu trời Lebanon lúc nào cũng có sự hiện diện của phi cơ Do Thái từ buổi sáng ngày 9 tháng Sáu cho đến chiều. Đợt đầu tiên, dọc theo bờ biển từ Sidon đến vùng ngoại ô Beirut, các phản lực cơ Kfir, Skyhawk bay dưới cao độ thấp yểm trợ cho bộ binh tấn công các ổ kháng cự của quân khủng bố trong các trại tỵ nạn người Palestine. Trên độ cao 10 ngàn bộ, các phi cơ ứng chiến đợi sự điều động của máy bay chỉ huy (air control). Trên tầng cao nhất, phi cơ “điều không” Hawkeye (Mắt Diều Hâu) điều khiển, phối hợp các trận oanh kích của phi cơ và phát ra những làn sóng điện tử chống lại hệ thống radar của Syria.
        Thủ tướng Do Thái “bật đèn xanh” cho phép tấn công các dàn hỏa tiễn của Syria vào lúc 1 giờ 30 chiều. Ivri nghe giọng của Raful Tổng Tham Mưu Trưởng trên máy “Làm đi và chúc may mắn”. Trưởng phòng hành quân bộ tư lệnh không quân Aviem gửi mật điện tấn công đến các phi đoàn phản lực đang chờ đợi cho trận tấn công.
        Các phi tuần cất cánh bay lên từng cặp phi cơ, gồm đủ loại: Kfir, Skyhawk, Phantom và F-16. Tất cả đều đem theo theo nay đủ bom đạn để bảo đảm sẽ hủy diệt các dàn hỏa tiễn của Syria. Các nhà quân sử Syria viết lại trận tấn công như sau. Do Thái xử dụng nhiều đội hình tấn công đồng lúc, trong khi hệ thống báo động, radar, truyền tin của Syria bị “phá sóng” do các phi cơ Boeing 707, Hawkeye làm rối loạn và các đài phát tuyến trên mặt đất. Đúng 2 giờ chiều các phản lực cơ Phantom xử dụng hỏa tiễn Shrike, Maverick phá hủy những trung tâm điều khiển hỏa tiễn. Liền sau đó 40 phản lực cơ khác tấn công các dàn hỏa tiễn và tiêu hủy tất cả trong vòng 45 phút. Đợt không tập thứ ba tiếp theo lên tìm những gì còn sót lại của các dàn hỏa tiễn chưa bị tiêu hủy và các ổ súng phòng không. Đợt thứ tư, tấn công tất cả những gì còn lại trên mặt đất kể cả xe cộ, xe vận tải tiếp tế và thiết giáp của Syria.

        Trận oanh kích 19 dàn hỏa tiễn của Syria được coi như trận không chiến lớn nhất trong loch sử kể từ trận chiến Hàn Quốc. Phiá Syria cho biết Do Thái có 120 phi cơ tham dự trận không chiến. Avihu Ben Nun, chỉ huy trưởng không đoàn tác chiến nói có khoảng 100 phi cơ Syria gồm Mig-21 và Mig-23 lên không chiến bảo vệ các dàn hỏa tiễn. Herzle Bodinger mới đầu không tin các bản báo cáo gửi về. Các phản lực cơ Mig bay lên đông đảo để bảo vệ các dàn radar và bị bắn rơi như ruồi. Tổng cộng 27 chiếc Mig21, Mig-23 bị bắn rơi, phiá Do Thái không một phi cơ nào bị rơi.
        Đến xế chiều ngày 9 tháng Sáu, hàng chục toán chuyên viên làm việc dưới đất trong hai căn cứ không quân ở hướng bắc và trung tâm bận rộn công việc xung quanh những phi cơ trở về trong trận oanh kích các dàn hỏa tiễn Syria và không chiến. Tất cả đều ngạc nhiên vui mừng vì số phi cơ bị trúng đạn hư hại rất ít, gần như không có và sau khi được tái tiếp tế xăng, bom đạn đã sẵn sàng ra đi trở lại. Ba lữ đoàn bộ binh, thiết giáp Do Thái bắt đầu tiến vào thung lũng Bekaa. Chiến xa vào sâu để chiếm đóng vùng đất rộng lớn giữa Do Thái và hồ Karoun trước khi trời tối. Quân khủng bố đã bị quét sạch ra khỏi khu vực hành quân chỉ còn lại quân đội Syria lúc đó đã bị không quân oanh kích tơi bời.
        Khoảng buổi trưa, vài chiếc trực thăng nhỏ gọn gàng đến tăng cường cho bộ chỉ huy hành quân lưu động. Loại trực thăng này không giống như trực thăng chở quân hoặc tải thong. Vài tiếng đồng hồ sau, những trực thăng tấn công được giới thiệu như là một loại vũ khí mới trong trận đánh chiến xa. Ehud Barak, một trong những vị tư lệnh phó hành quân bộ rất thích thú về hai loại trực thăng Defender và Cobra mới của Hoa Kỳ. Barak tập họp toán phi công trực thăng xung quanh một tấm bản đồ lớn. Chỉ tay vào những khoanh tròn đánh dấu mầu đỏ, ông ta ra lệnh “Nhiệm vụ của các anh là đi lùng chiến xa và những vị trí pháo binh Syria và tiêu diệt chúng trong thung lũng Bekaa”
        “Mish” thầm nghĩ, trận chiến thục sự bắt đầu. Ba ngày hôm trước, anh ta được lệnh chặn đường trốn chạy của quân khủng bố và tiêu diệt những ổ kháng cự dọc theo bờ biển. “Mish” do dự ba lần trước khi siết cò súng, làm sao phân biệt được mục tiêu là chiếc xe bus chở thường dân với đống chăn nệm giường chất trên mui xe, hay là quân khủng bố ngụy trang để tẩu thoát. Mish là thế hệ phi công thứ hai của Do Thái, cha chàng là một phi công gửi Mish theo học trong Trường Kỹ Thuật của không quân ở Haifa, lấy được bằng chuyên viên điện tử. Mish phục vụ trong không quân một năm, sau đó được theo học khóa đào tạo sĩ quan, làm việc văn phòng thêm một name, rồi tình nguyện đi học lái máy bay. Trong trận chiến Yom Kippur, Mish vẫn còn là SVSQ/KQ, được huấn luyện lái trực thăng.
        Ra đơn vị, Mish phục vụ trong phi đoàn “Thanh Kiếm Ngược – Inverted Sword” (trận chiến Sáu Ngày) lái trực thăng Bell 212, sau đó được thay thế bằng loại Cobra, một trang sử mới cho loại trực thăng tấn công. Mish được mời vào ban tham mưu hành quân hỗn hợp để thảo lý thuyết xử dụng loại trực thăng tấn công (Cobra). Loại trực thăng Cobra trở nên moat “hung thần” cho các loại chiến xa của đối phương. Cobra được trang bị 3 nòng đại bác 40 ly nơi trước mũi có thể bắn ra 750 viên đạn trong một phút. Hai cánh ngắn hai bên trực thăng đem theo hỏa tiễn xuyên phá để phá lớp thép của chiến xa. Trong một chuyến thực tập hành quân đêm, Shuki Livnat chỉ huy phi đoàn trực thăng tác chiến (Cobra) lên một chiếc trực thăng chở quân CH-53 cùng với một  số quân nhân Nhẩy Dù bay theo để quan sát, chiếc CH-53 không bao giờ quay trở lại. Tất cả 54 người trên chiếc trực thăng rớt gần thành phố cổ có trong kinh thánh Jericho đều tử nạn.
        Không lực Do Thái mua thêm loại trực thăng Defender, nhỏ hơn, bay dễ hơn, không  gây tiếng động lớn như loại Cobra để thành lập hai phi đoàn trực thăng tác chiến lấy tên là Phương Bắc, Phương Nam (Northern/Southern) đóng trong căn cứ không quân nằm ở trung tâm Do Thái.
        Trong trận chiến với quân “du kích” khủng bố, nhiệm vụ được trao phó cho hai phi đoàn trực thăng tác chiến. Quân khủng bố thường trà trộn, ẩn náu trong những khu vực có thường dân bao quanh, tốc độ bay của trực thăng chậm hơn phi cơ phản lực nhiều, đủ cho phi công trực thăng, chuyên viên vũ khí nhìn rõ mục tiêu, sợ bắn lầm thường dân.
        Loa phóng thanh kêu gọi ba phi hành đoàn trực thăng vào phòng thuyết trình hành quân. Hai chiếc sẽ phải bay hành quân, chiếc còn lại nằm trừ bị. Quân khủng bố pháo kích hỏa tiễn Katusha nơi phiá bắc Do Thái và phi đoàn trực thăng Cobra được lệnh lên thanh toán dàn phóng hỏa tiễn di động do xe kéo. Một tiếng đồng hồ sau, hỏa tiễn Katyusha tiếp tục bay vào đất Do Thái. Mish trong phi tuần thứ hai được lệnh cất cánh. Hai chiếc Cobra bay ra biển sau đó đổi hướng lên phiá bắc bay dọc theo bờ biển. Qua biên giới, các phi công đổi hướng về hướng đông lục soát khu vực. Trời sáng trăng, các phi công thấy xe kéo dàn hỏa tiễn lưu động và tiêu hủy bằng đại bác.
        Các trực thăng Defender tỏ ra rất hữu hiệu, bay rất êm, thấp sát đầu ngọn cây làm các xe bọc sắt, pháo binh của quân khủng bố trốn không kịp và bị tiêu hủy. Ngay cả những chiến xa cũ T-34 ngụy trang tránh các loại phi cơ phản lực bị khám phá và bắn cháy.
        Tối thứ Bẩy, các phi vụ trực thăng Cobra bay qua bờ phiá bắc sông Litani săn đuổi những khẩu trọng pháo trên đường rút lui. Cả ngày các phi công trực thăng phải bay đi về giữa Lebanon và căn cứ để lấy thêm xăng và vũ khí, đạn dược. Mish đôi lúc nghĩ rằng ngày thứ Bẩy đó sẽ không bao giờ chấm dứt. Trên không phận khu trồng nho Zaharani kéo dài ra biển nơi phiá nam Sidon, phi công Do Thái có thể nghe lời kêu gọi trên máy truyền tin “Số 2 gọi Số 1”. Lời kêu gọi càng lúc càng khẩn, Mish nhận ra giọng nói hai phi công Amichai Spector và Yossi Keller (xác bị cột vào xe kéo đi trên đường phố Beirut).

        Buổi tối hôm thứ Ba, sau khi chiếm được Sidon, phi đoàn trực thăng tấn công được Aviem Sela trao cho nhiệm vụ tấn công đài radar tại Halda trên một ngọn đồi phiá nam Beirut. Nhiệm vụ này trước đó phi tuần phản lực Skyhawk nhận lãnh, nhưng Aviem quyết định giao cho trực thăng Cobra. Hai cặp trực thăng Cobra bay thấp bắn hỏa tiễn Tow bắn xập đài antenna và cháy phòng điều khiển.
        Hôm thứ Sáu, ngày thứ 6 của trận chiến, Mish bay chiếc Defender trên đường nối liền hai thủ đô Beirut-Damascus. Các đơn vị chiến xa Do Thái đã ở vị trí trải dài 5 cây số trên đường, cách thành phố Zahla 12 cây số. Trong buổi sáng, quân đội Syria đã gửi thêm viện binh. Quân đội Do Thái phải tiến quân chớp nhoáng trước khi hiệp định ngưng bắn có hiệu lực vào lúc 12 giờ trưa. Sĩ quan ban 2 báo cáo có một đơn vị địch cỡ lớn đang trên đường tiến về phiá quân bạn. Trực thăng Defender bay trên vùng núi non cũng phát giác quân đội Syria đang di chuyển trên đường đất tạo nên hàng bụi đỏ. Quân Syria có chiến xa T-72 hạng nặng, tối tân nhất do Nga Sô chế tạo, cùng với xe cơ giới kéo theo những dàn hỏa tiễn Katyusha. Các trực thăng Defender của Do Thái bắn hỏa tiễn Tow trúng chiến xa T-72 lật qua một bên rồi bốc cháy, đoàn quân xa Syria lần đầu tiên bị trực thăng tấn công, rối loạn bỏ chạy.
        Trong khu vực gần Jabel Baruch, Mish cùng các phi công trực thăng bay yểm trợ cho thiết giáp Do Thái tấn công. Noi làng Ein Diya, Mish phát hiện chiến xa T-62 của địch tập trung, chàng báo về cho cấp chỉ huy đơn vị chiến xa rồi dùng hỏa tiễn Tow bắn cháy moat chiếc. Quân Syria bắn trả lại bằng đại bác cùng đại liên phòng không gắn trên chiến xa. Bỗng moat tiếng nổ lớn làm rung chuyển trực thăng, các đèn báo hiệu chớp lên liên tục. Mish tìm cách đáp nhưng không điều khiển được chiếc trực thăng, rơi xuống đất gẫy đuôi. Viên phi công phụ tá bị mảnh trúng vào bụng, Mish phải lôi anh ta ra khỏi chiếc máy bay rồi dìu người bạn chạy. Quân Syria vừa bắn vừa đuổi theo phiá sau, Mish lấy ra máy báo tín hiệu cấp cứu và một trực thăng khác bay đến cứu thoát hai chàng phi công.
 
        Các phi công trực thăng Cobra bắn cháy 12 chiến xa, xe bọc sắt, một mình Mish bắn gục 6 chiếc. Phi đoàn tác chiến phản lực bắn rơi 87 phản lực cơ Syria trong hai tuần đầu và thêm 5 chiếc sau đó, trong đó có Mig-23, Mig-25 lần đầu tiên bị bắn rơi trong quân sử thế giới. Không lực Do Thái không bị rơi chiếc nào trong các trận không chiến, bị rơi vì hỏa lực phòng không gồm có: 1 Phantom,1 Skyhawk, 2 trực thăng Bell 212, 1 Defender và 1 Cobra. Sau cuộc hành quân, David Ivri bàn giao quyền tư lệnh không quân cho Amos Lapidot. Kể cả kết quả rực rỡ của các trận không chiến 124 / 0. Không lực Do Thái giành được thế thượng phong đối với không quân cũng như hệ thống phòng không của địch.

        Đó là đêm thứ Bẩy ngày 28 tháng Chín năm 1985, “Guy” là một trong toán phi công nhận công tác đặc biệt. Các phi công được thuyết trình nhiệm vụ 5 tiếng đồng hồ và phi vụ này sẽ phải thi hành trong vòng ba ngày. Guy là người có cấp bậc cao nhất và lớn tuổi nhất trong đám phi công tuyển chọn. Hai vị Tướng tổng tham mưu trưởng quân lực Moshe Levi và tư lệnh không quân Lapidot cho Guy quyền lựa chọn, muốn tham gia công tác hay không?
        Buổi sáng ngày lễ Yom Kippur , 25 tháng 12 năm 1985, ba tên khủng bố bất thần tấn công một du thuyền người Do Thái đang đậu trong bean cảng Larnaca, đảo Cypus (truyện Exodus). Đến trưa họ giết chết ba người Do Thái trên chiếc du thuyền một cách dã man. Những tên khủng bố này thuộc Lực Lượng 17 (Force 17), một đơn vị hành động chính trong tổ chức Giải Phóng Palestine (PLO) sau trận chiến bên Lebanon. Đêm hôm đó, bộ TTM quân lực Do Thái quyết định tấn công bộ chỉ huy đầu não PLO. Tổng trưởng Quốc Phòng Yitzhak Rabin tuyên bố tổ chức PLO không được “tha thứ” tại bất cứ nơi nào trên thế giới. Ông ta nhấn mạnh quân lực Do Thái sẽ tìm ra quân khủng bố để trừng phạt. Các vụ trừng phạt sẽ nằm trong bàn tay Không Lực Do Thái.
        Ba năm trước, vào đầu tháng Chín 1982, 14500 quân khủng bố phải rút ra khỏi Beirut để đổi lại, quân đội Do Thái sẽ bỏ những nút chặn nơi phiá tây thành phố. Bộ chỉ huy đầu não PLO cùng với “Ông Trùm” Yasser Arafat rút đi theo đoàn quân khủng bố. Tổng thống Tunisia, Habib A Shatt là lãnh tụ Hồi giáo duy nhất đồng ý chứa chấp đám tỵ nạn “ghê gớm” người Palestine. Bộ chỉ huy PLO của Arafat cùng với bộ chỉ huy Lực Lượng 17 đặt trong khu vực nghỉ mát nơi bãi biển đối diện đảo Sicily của ý Đại Lợi.
        Trên bãi biển Tunisia, quân khủng bố thảo kế hoạch, chương trình trong những biệt thự nghỉ mát của du khách, thường dân. Họ chờ đợi cho quân đội Do Thái rút ra khỏi Lebanon, bắt đầu từ tháng Hai cho đến tháng Sáu năm 1985.  Ngày 21 tháng Chín, một toán khủng bố xâm nhập vào khu vực Do Thái kiểm soát bắn vài quả hỏa tiễn Katyusha vào vùng Galilee. Binh sĩ Nhẩy Dù, cùng với thiết giáp mở cuộc truy lùng, bắt được 3 tên khủng bố. Trên không phận làng Shihin, một trực thăng Do Thái trúng B-41 rơi, nhưng không ai bị thiệt mạng. Bốn ngày sau (25/9) quân khủng bố giết người Do Thái ở Larnaca.
        Trận oanh kích bộ chỉ huy PLO ở Tunisia được ủy ban quốc phòng Do Thái chấp thuận. Tổng trưởng Quốc Phòng quyết định và được Thủ Tương Shimon Peres đồng ý. Trận xâm chiếm Lebanon làm thiệt mạng 625 binh sĩ Do Thái. Quốc hội bầu lại đưa đến kết qủa đồng đều giữa hai đảng Labor và Likud. Cuối cùng đồng ý để thủ lãnh đảng Labor Shimon Peres nắm quyền thủ tướng hai năm, hai năm sau sẽ do thủ lãnh đảng Likud Yitzhak Shamir.
        Lapidot trình lên nội các Do Thái về kế hoạch oanh kích bộ chỉ huy đầu não quân khủng bố Palestine ở Tunisia. Phi trình trên không phận quốc tế, rất an ninh. Không lực các quốc gia Ả Rập ở Bắc Phi chưa chắc dám chen vào “công việc” của không lực Do Thái. Tunisia chỉ có một không lực cỡ nhỏ và không có hỏa lực phòng không bảo vệ bộ chỉ huy PLO của Arafat. Nội các Do Thái chấp thuận kế hoạch trả đũa của không lực và định ngày thi hành là ngày thứ Ba 1 tháng Mười. Các ông lớn trong chính quyền tránh ngày Chủ Nhật sợ thiệt hại cho thường dân, du khách đi tắm biển, và thứ Hai là ngày lễ Sukkot của Do Thái.
        Trong khi các “ông lớn” trong chính quyền họp, Guy và các bạn không phí thì giờ, soạn kế hoạch cho trận oanh kích. Loại phản lực cơ F-15 Eagle được chọn để thi hành kế hoạch, loại này đủ sức mang theo bom đạn, bay đoạn đường dài và thêm khả năng tự vệ trong trường hợp phi cơ địch lên ngăn chận.
        Mười phản lực cơ F-15 được lựa chọn để thi hành công tác, tám chiếc chia làm hai phi đội tấn công, hai chiếc còn lại bay theo làm trừ bị. Trước khi lên đường, lúc 1 giờ 30 phút sáng, phi đội trưởng “Nir” thuyết trình về kế hoạch oanh kích cho vị Tổng Tham Mưu Trưởng, tư lệnh không quân và các sĩ quan cao cấp trong bộ tư lệnh không quân. Amos Lapidot nhấn mạnh, tránh gây thiệt hại cho thường dân bao gồm phương pháp oanh kích, loại vũ khí xử dụng. Vị TTMT nhắc nhở phải xác định mục tiêu chắc chắn trước khi thả bom. Đúng 5 giờ 30 phút phi đoàn F-15 tập họp, Nir tóm tắt nhiệm vụ, kế hoạch hành quân, nhấn mạnh các điểm quan trọng. Đúng 6 giờ sáng, các phi công cùng nhân viên ra kiểm soát lại máy bay.
        Đúng 7 giờ sáng, Nir cùng các chiến hữu lên đường, mười chiếc F-15 từ từ lăn bánh ra phi đạo. Hai bên cánh đầy những bom và hỏa tiễn tầm nhiệt Sidewinder. Chàng cất cánh lên trước và quan sát đồng đội lên tiếp theo. Nir nhận diện các phi công, phi cơ trong phi đoàn bằng con số sơn ở đuôi phi cơ. Phi trình dài 1280 cây số, cần tiếp tế xăng trong khi bay.
        Khoảng 10 giờ sáng, phi cơ tiếp tế xăng Boeing 707 đang có mặt trên bầu trời giữa đảo Crete và Ý Đại Lợi. Không lực Do Thái biến cải máy bay hành khách Boeing 707 thành phi cơ tiếp tế xăng, sau khi người Hoa Kỳ từ chối bán loại phi cơ tiếp tế xăng KC-135 cho Do Thái. Đúng giờ hẹn, phi đoàn F-15 xuất hiện nơi cuối chân trời, phi cơ Boeing 707 đổi hướng bay theo các phi cơ F-15.
        Vấn đề tiếp tế xăng trên không, các phi công phải bỏ im lặng vô tuyến để phối hợp, giữ tốc độ ngang với chiếc Boeing 707. Điểm hẹn lấy xăng cũng là điểm “Không trở lại - No return” nếu ai muốn quay về vì lý do nào đó (xúc động, hồi hộp v.v…). Không một ai xin quay về, phi đoàn F-15 tiếp tục trên phi trình đến mục tiêu. Chiếc phi cơ Boeing bay theo họ vì còn phải lấy thêm xăng một lần nữa trước khi đến Tunisia.
        Đúng 11 giờ, Guy nhìn thấy bãi biển Hamas A Shatt, khu vực lân cận Tunis. Bộ chỉ huy đầu não của quân khủng bố nằm xen kẽ giữa những hồ bơi, du thuyền trông như nhà nghỉ mát cho du khách tắm biển. Guy chỉ có vài giây, xác định mục tiêu, chàng lấy cao độ rồi lao xuống, kéo cần thả bom. Các phi công F-15 khác làm theo. Sau đó họ làm tiếp căn biệt thự hai tầng làm bộ chỉ huy nhóm khủng bố A-Tzeeka, một biệt thự cao ba tầng của Lực Lượng 17 gần đó cũng bị các phi công Do Thái tiêu hủy. Hai quả bom tàn phá bộ chỉ huy của Yasser Arafat, “Sư phụ” lúc đó không có mặt nên thoát chết. Căn nhà bên cạnh của viên phụ tá cho Arafat, Abu Al Muatazam các phi công F-15 không được lệnh đánh, nên còn đứng vững.

        Trận oanh kích bộ chỉ huy quân khủng bố ở Tunisia được coi như một biện pháp an ninh cho quốc gia Do Thái. Điều này đã chứng tỏ sự lão luyện, khả năng chiến đấu của các phi công Do Thái thuộc thế hệ thứ hai. Lapidot giữ chức vụ tư lệnh không quân được 5 năm, sau đó trao quyền lại cho Thiếu Tướng Avihu Ben Nun thuộc thế hệ thứ hai. Không lực Do Thái là một bức “Tường Thép” bảo vệ quốc gia, bảo đảm cho sự “sống còn” của Do Thái.

Dallas, Texas          vđh       

No comments:

Post a Comment